Đắk Lắk: Hàng chục lao động chật vật đòi công ty trả lại tiền ký quỹ

Đinh Thảo
Sau khi mất việc làm, hàng chục người lao động tại Đắk Lắk đã chật vật đòi Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông (ECPay) cũng như Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Thuận Phát phải trả lại tiền ký quỹ, nhưng hơn hai năm qua 2 công ty này chiếm dụng không trả.
dak-lak-4-1688530681.jpg
Hàng chục người lao động trên địa bàn Đắk Lắk bị ôm tiền ký quỹ, tổng số tiền lên đến hàng tỷ đồng

Đây là số tiền họ phải nộp khi được các công ty này tuyển dụng vào làm nhân viên kinh doanh thu tiền điện, mỗi người nộp từ 50 - 80 triệu đồng.

dak-lak-1-1688530680.jpg
Thông báo cam kết chi trả vừa hết hạn thì người lao động lại nhận được một thông báo cam kết chi trả khác

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (32 tuổi, trú tại xã eakao, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, cuối năm 2016 chị được tuyển vào làm việc cho Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Thuận Phát với chức danh nhân viên kinh doanh điểm thu.

"Sau khi đi phỏng vấn và được nhận vào làm việc, tôi đã chuyển khoản cho công ty với tổng số tiền 80 triệu đồng, đây được gọi là tiền ký quỹ quá trình làm việc tại công ty. Đến tháng 3/2021 thì chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng cho đến nay công ty vẫn chưa trả lại tiền ký quỹ cho tôi", chị Linh nói.

"Thực sự gia đình tôi vô cùng khó khăn, phải vay mượn nhiều nơi mới có đủ tiền ký quỹ cho công ty. Tưởng rằng sẽ có việc làm ổn định, ai ngờ công ty gặp trục trặc nên chúng tôi mất việc, mà tiền cọc ký quỹ cũng chưa lấy lại được. Hơn 2 năm trôi qua dù mất việc nhưng tôi vẫn đang phải gồng gánh tiền lãi mỗi ngày. Chúng tôi đã nhiều lần tìm cách liên hệ, nhưng chỉ nhận được sự im lặng từ phía công ty"- chị Linh nghẹn ngào.

Chị Nguyễn Thị Linh (30 tuổi, trú tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: Chị được tuyển vào làm việc cho Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông với chức danh nhân viên kinh doanh và phải đóng tiền cọc ký quỹ 80 triệu đồng, nhưng đã mất việc cả hơn 2 năm rồi mà vẫn chưa được công ty trả lại tiền.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Quỳnh Như (40 tuổi, trú thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), chị Nguyễn Thị Hoài Bảo (31 tuổi, trú tại xã Hòa Xuân, TP.Buôn Ma Thuột), chị Lương Thị Oanh (44 tuổi, trú thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana), anh Nguyễn Quang Thịnh (trú tại Hoà Xuân, TP.Buôn Ma Thuột), chị Nguyễn Thị Kim Nga (trú tại TP.Buôn Ma Thuột), chị Nguyễn Thị Hồng Phương (trú tại TP.Buôn Ma Thuột) khẳng định: Để đủ điều kiện vào làm việc cho ECPay và Công ty Thuận Phát, họ đều phải đặt cọc tiền bảo lãnh từ 50 - 80 triệu đồng/người, đến nay phần lớn chưa được trả lại, dù đã nhiều lần liên lạc với phía công ty.

"Đây là chỉ tính riêng nhóm chúng tôi biết nhau và kêu gọi để phản ánh tới báo chí. Thực tế trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn nhiều người khác giống như chúng tôi, là nhân viên của ECPay và Công ty Thuận Phát" – chị Linh cho biết.

Chưa hết, khi đi thu tiền điện họ phải bỏ tiền túi ra thuê địa điểm ngồi thu tiền điện ở hội trường các thôn, buôn.

Công ty hứa hẹn sẽ thanh toán khoản tiền này cho nhân viên nhưng cả năm trời họ vẫn chưa nhận được. "Bình quân nhân viên phải bỏ ra từ 600.000 đồng – 800.000 đồng/tháng để thuê các hội trường ở thôn, buôn làm điểm thu tiền điện. Số tiền trong một năm khoảng gần 10.000.000 đồng".

Quá bức xúc, vào ngày 11/8/2022, chị Nguyễn Thị Linh (30 tuổi, trú tại phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) đại diện cho toàn thể thu ngân viên (TNV) địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đến trụ sở để gặp đại diện Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông, bàn bạc và thảo luận thống nhất lịch thanh toán tiền bảo lãnh thu hộ tiền điện cho thu ngân viên trên địa bàn Đắk Lắk.

Qua đó, đại diện công ty ông: Bùi Đức Bình Dương Tổng giám đốc Công ty hứa sẽ thu xếp nguồn tiền để thực hiện thanh toán tiền bảo lãnh thu hộ tiền điện cho TNV địa bàn Đắk Lắk trong thời gian từ tháng 09/2022 đến cuối tháng 12/2022. Nhưng đến nay tất cả TNV địa bàn Đắk Lắk vẫn chưa nhận được tiền ký quỹ.

Chị Linh cho biết, dù đến hạn công ty hẹn trả tiền ký quỹ nhưng chúng tôi vẫn chưa nhận được tiền thì lại nhận thêm một thông báo khác. Công ty lại tiếp tục hứa hẹn sẽ thanh toán bao gồm 3 đợt (đợt 1: Quý II/2023, chậm nhất ngày 30/06/2023, ECPAY cam kết chi trả 30% công nợ còn lại trên mỗi TNV, đợt 2: Quý III/2023 chậm nhất ngày 30/9/2023, ECPAY cam kết chi trả 30% công nợ trên mỗi TNV, đợt 3: Quý IV/2023, chậm nhất ngày 31/12/2023, ECPAY cam kết chi trả 40% công nợ trên mỗi TNV). Thế nhưng đến nay đã quá hạn chi trả của đợt 1 rồi mà chúng tôi vẫn chưa nhận được số tiền như công ty đã cam kết chi trả.

Công ty còn cam kết với chúng tôi rằng "trong trường hợp ECPay không thực hiện được lộ trình thanh toán nêu trên, Tập đoàn Laluna – CTCP có trách nhiệm thực hiện lộ trình thay đơn vị thành viên".

Phóng viên Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt đã liên hệ qua điện thoại với ông Bùi Đức Bình Dương - Tổng giám đốc Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông để tìm hiểu sự việc nhưng ông Dương không hợp tác trả lời.

Công ty cổ phần giải pháp thanh toán Điện lực và Viễn thông (ECPay) có trụ sở tại tầng 6, tòa nhà Anna, CVPM Quang Trung, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP.HCM. Còn Công ty TNHH Đầu tư Nông nghiệp Thuận Phát trụ sở tại tầng 2, số 89 Giang Văn Minh, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

dak-lak-3-1688530680.jpg
Thông báo cam kết trả tiền ký quỹ của công ty, thế nhưng đã quá hạn mà người lao động vẫn chưa nhận được tiền ký quỹ
dak-lak-2-1688530678.jpg

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt, ông Hà Văn Chương – Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk xác nhận từ tháng 9/2014 - tháng 3/2021 Công ty Điện lực Đắk Lắk có ký hợp đồng thu hộ tiền điện với ECPay, sau đó chấm dứt hợp tác do ECPay vi phạm các điều khoản về thanh toán tiền điện thu hộ.

Còn Công ty Thuận Phát không có hợp đồng thu hộ với Công ty Điện lực Đắk Lắk nhưng trong thời gian trên vẫn tuyển dụng nhân viên thu hộ tiền điện, với các điều khoản, thu tiền ký quỹ của nhân viên giống ECPay. Trong khi đó, một số người đại diện theo pháp luật cho ECPay cũng là người đại diện theo pháp luật của Công ty Thuận Phát.

Kính chuyển những thông tin trên đến các cơ quan chức năng: Sở Lao động TBXH tỉnh Đắk Lắk; UBND tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan, đơn vị chức năng kiểm tra (nếu đúng) cần có giải pháp quan tâm quyền lợi của người lao động trên.

Tạp chí điện tử Nhân lực Nhân tài Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Nhóm PV Tây Nguyên