Đắk Lắk: Doanh nghiệp tìm hướng xuất khẩu cho nông sản tại thị trường Trung Quốc

Ngày 9/9, đoàn Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk đã có chuyến công tác xúc tiến thương mại tại TP. Đông Hưng thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Bước đầu chuyến đi đã mang lại những cơ hội xuất khẩu một số sản phẩm nông sản  cũng như xây dựng nhà máy chế biến sâu tại tỉnh Đắk Lắk.

Tham gia chuyến công tác lần này, bà Nguyễn Thị Dung - Giám đốc Công ty TNHH SX TM DV Việt Thắng là làm trưởng đoàn cùng một số doanh nghiệp chuyên về sản xuất và có kinh nghiệm xuất nhập khẩu trong nhiều năm đã gặp gỡ các công ty, tập đoàn chuyên về chế biến và xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam tại TP. Đông Hưng (Trung Quốc).

Đắk Lắk có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất nông nghiệp 650.000 ha và 735.000 ha đất lâm nghiệp. Cùng với đó, tỉnh Đắk Lắk có khí hậu ôn hòa, địa hình đất sản xuất nông nghiệp khá bằng phẳng, đặc biệt có trên 300.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ, được đánh giá là đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất, phù hợp cho các loại cây chủ lực của tỉnh như cà phê, cao su, tiêu, cao su, bơ, … phát triển mạnh mẽ.

anh-1-1694601033.jpg
Mô hình trung tâm giới thiệu và phân phối đặc sản tỉnh Đắk Lắk đặt tại Cửa khẩu Móng Cái rất được du khách Trung Quốc quan tâm và đón nhận (Ảnh: Gia Phúc)

Nói đến Đắk Lắk là nói đến “Thủ phủ cà phê Việt Nam”. Đắk Lắk hiện có hơn 220.000 ha cà phê với sản lượng đạt trên 600.000 tấn cà phê nhân hàng năm.

Để tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, giữ vững và mở rộng thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp Đắk Lắk cần tích cực tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Trung Quốc, nâng cao chất lượng sản phẩm,...

anh-2-1694601033.jpg
Nhiều thỏa thuận đã được thống nhất trong cuộc họp giữa các doanh nghiệp hai nước được diễn ra tại trụ sở Tập đoàn Asian Biz Group (Ảnh: Gia Phúc)

Trong vòng 3 ngày làm việc từ ngày 09/9/2023 đến 11/9/2023, đoàn công tác đã đi thăm khu sản xuất, nhà xưởng và trụ sở làm việc Tập Đoàn Asian Biz Group và một số công ty khác. Các cuộc họp song phương đã diễn ra trên tinh thần rất nghiêm túc, cả hai đã đạt được những thỏa thuận ban đầu về việc xuất khẩu một số mặt hàng như cà phê, sầu riêng, hạt điều và miến dong, kêu gọi nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư nhà máy chế biến sâu từ vùng nguyên liệu đã có. Cụ thể là phía đối tác Việt Nam sẽ lo các thủ tục chủ trương xây dựng nhà máy, xây dựng vùng nguyên liệu và đối tác Trung Quốc sẽ đầu tư nhà máy, thiết bị sản xuất và chuyển giao dây chuyền công nghệ giúp phát triển sản phẩm của Đắk Lắk nói riêng và của cả nước lên sàn thương mại điện tử của Trung Quốc.

anh-3-1694601033.jpg
Đại diện đoàn doanh nghiệp Đắk Lắk chụp hình lưu niệm cùng các đối tác tại Trung Quốc (Ảnh: Gia Phúc)

Mặc dù thị trường Trung Quốc có nhiều tiềm năng là vậy, tuy nhiên công tác xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn. Việc xuất khẩu còn bấp bênh, hầu hết nông sản Việt xuất sang Trung Quốc hiện nay theo đường tiểu ngạch, không bền vững, rủi ro lớn, không chú ý truy xuất nguồn gốc, chất lượng. Mới đây Trung Quốc đã đưa ra quy định về truy xuất nguồn gốc đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Sau chuyến đi, đoàn công tác nhận thấy muốn xuất khẩu được các sản phẩm hàng hóa phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Trung Quốc, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi phương thức bảo quản cũng như tăng cường kiểm tra lấy mẫu các lô hàng nông sản xuất khẩu, nghiêm túc thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, kê khai vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như các yêu cầu liên quan nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận.

Doanh nghiệp cần định hướng sản xuất kinh doanh của mình, nhận thức rõ hơn về việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường và đảm bảo quy trình sản xuất theo các chuẩn mực thị trường Trung Quốc. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để không bị phụ thuộc vào một thị trường và có thể chinh phục được những thị trường khó tính khác trong khu vực và trên thế giới. Hàng nông sản được khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch ngày càng cao của phía Trung Quốc. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam chúng ta cần thúc đẩy chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, hạn chế thấp nhất xuất khẩu tiểu ngạch nhằm tránh các rủi ro trong khâu thanh toán, đẩy mạnh xây dựng và quảng bá thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị cho hàng hóa nông sản của chính doanh nghiệp, giúp người tiêu dùng Trung Quốc dễ dàng nhận biết và lựa chọn mua sản phẩm Việt Nam được tốt hơn.

Gia Phúc - Mỹ Hảo