Tại buổi tư vấn, TS Nguyễn Triều Dương, Phó trưởng Phòng Đào tạo đại học của Trường ĐH Luật Hà Nội cho hay, câu hỏi mà ông nhận được nhiều nhất từ phía các thí sinh là năm nay chưa thấy nhà trường công bố phương án tuyển sinh bằng học bạ và hướng xác nhận nhập học, khác với giai đoạn cùng kỳ mọi năm.
“Chúng tôi cũng mất rất nhiều thời gian để giải thích cho các thí sinh việc năm nay các trường không được phép thực hiện các phương thức tuyển sinh riêng (như bằng học bạ,...) trước hay yêu cầu các em xác nhận nhập học. Các em phải đăng ký tất cả các nguyện vọng bằng các phương thức lên cổng thông tin chung của Bộ GD-ĐT. Như vậy, năm nay, chỉ sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thì các thí sinh mới bắt đầu đăng ký nguyện vọng dù xét tuyển bằng phương thức nào”, ông Dương nói.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cũng cho hay, về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 không có nhiều sự thay đổi, mà chủ yếu điều chỉnh ở mặt kỹ thuật để tạo thuận lợi hơn cho các thí sinh.
“Các năm trước chỉ xếp thứ tự các nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, còn các phương thức khác được xét ở các kênh khác. Nhưng năm nay, tất cả các phương thức xét tuyển (học bạ, chứng chỉ Tiếng Anh, bằng điểm thi tốt nghiệp THPT...) đều được sắp xếp thứ tự nguyện vọng”, bà Thủy nói.
Bà Thủy cho rằng, như vậy, thí sinh sẽ được quyền ưu tiên nhất với những gì mà mình mong muốn, dù bằng phương thức xét tuyển nào. Việc sắp xếp nguyện vọng này để đảm bảo các em được trúng tuyển được vào ngành mình thích nhất và các trường cũng giảm thiểu được rất nhiều chuyện thí sinh ảo.
"Trước đây, ví dụ các thí sinh đăng ký hồ sơ bằng phương thức xét tuyển không bằng điểm thi vào 5 trường, trường nào cũng thông báo trúng tuyển, song các em chỉ lựa chọn 1 và như vậy 4 trường còn lại sẽ gặp vấn đề thí sinh ảo. Trong trường hợp đó, chính các em lại đang giữ mất chỗ của các thí sinh ở ngay sau và nếu không ảo thì các thí sinh kia có thể trúng tuyển".
Bên cạnh đó, với cách thức đăng ký xét tuyển của năm nay, thí sinh cũng không còn cần phải lo lắng chuyện đã nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT để xác nhận sớm như mọi năm.
Bà Thủy cũng lưu ý các trường, khi đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau cho cùng 1 ngành thì cần thông tin rõ cho thí sinh được biết việc phân bổ chỉ tiêu với từng phương thức, để các em biết được cơ hội trúng tuyển ra sao.
Tại buổi tư vấn, nhiều phụ huynh, thí sinh bày tỏ lo lắng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ngày một ít đi, khi các trường dành chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ hoặc xét tuyển bằng đánh giá năng lực,...
Tuy nhiên, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, theo thống kê qua các năm, số chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác chưa đến 10%. “Như vậy đến 90% vẫn là bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Do đó, các thí sinh yên tâm rằng năm nay nếu có dịch chuyển thì tỷ trọng thay đổi sẽ không quá lớn”.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội cũng trấn an các thí sinh: “Không chỉ các thí sinh cạnh tranh vào các trường, các ngành mà chính các trường đại học, các ngành đào tạo cũng cạnh tranh để tuyển sinh được những thí sinh giỏi, khá. Chính vì vậy các em hãy yên tâm rằng có rất nhiều cách thức để trúng tuyển vào ngành, trường mong muốn nếu như mình có năng lực”.
Nhiều chương trình mới, nhiều phương thức xét tuyển
Trường ĐH Y tế công cộng năm nay lần đầu tuyển sinh ngành Khoa học dữ liệu với 50 chỉ tiêu.
Đại diện nhà trường cho biết đây là ngành học thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin, chuyên sâu về quản lý các cơ sở dữ liệu lớn, phục vụ chuyển đổi số y tế. Sinh viên theo học sẽ được đào tạo về phân tích, thống kê dữ liệu lớn, học máy, đánh giá công nghệ mới, viết thuật toán hay xử lý ngôn ngữ tự nhiên,...
“Hiện nay, cả nước có hơn 10 trường đại học về khoa học dữ liệu. Nhưng nhà trường là đơn vị đầu tiên và cũng là duy nhất hiện nay tại Việt Nam đào tạo về khoa học dữ liệu định hướng lĩnh vực y tế”, đại diện trường này cho hay.
Còn theo TS Nguyễn Triều Dương, Phó trưởng Phòng Đào tạo đại học của Trường ĐH Luật Hà Nội, năm nay, nhà trường mở và tuyển sinh thêm chương trình Luật kinh tế chất lượng cao với 50 chỉ tiêu. Với chương trình này, các sinh viên sẽ học các môn mà tối thiểu 30% chương trình được giảng dạy bằng Tiếng Anh. Ngoài ra, Trường ĐH Luật Hà Nội cũng xây dựng mới 2 chuyên ngành chuyên sâu của ngành Luật, đó là chuyên ngành Sở hữu trí tuệ và chuyên ngành Pháp luật về thi hành dân sự.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban Quản lý đào tạo của Học viện Tài chính năm nay, học viện bổ sung thêm phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực và kỳ thi Đánh giá tư duy.
Mở rộng thêm đối tượng xét tuyển học sinh giỏi ở bậc THPT. Cụ thể, xét tuyển thẳng các học sinh có giải Khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố; thay vì chỉ từ giải Ba trở lên như các năm trước. Ngoài ra, năm nay, Học viện cũng mở rộng thêm đối với các thí sinh có chứng chỉ Cambridge chương trình trung cấp, ngoài các chứng chỉ IELTS, TOEFL như mọi năm.