Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP Hà Nội), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao việc Chính phủ đã rất cầu thị, tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp cũng như các đối tượng chịu sự tác động để trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần này để xem xét, thông qua một luật sửa nhiều luật, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu, đây là luật được trình theo thủ tục rút gọn nên các nội dung đã được rút gọn, cần được tổng kết, đánh giá và lấy ý kiến kỹ lưỡng.
Đại biểu bày tỏ quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung khoản 4 điều 7 của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, Chính phủ bổ sung biểu thuế đối với xe ô tô chạy pin.
Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt:
Với mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất, kịp thời nắm bắt cơ hội để phát triển xe ô tô điện chạy pin, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ khí thải phương tiện giao thông, giảm phát thải khí nhà kính (thực hiện cam kết của Liên hợp quốc về bảo vệ môi trường), định hướng sản xuất, tiêu dùng theo hướng phát triển công nghiệp sạch, bảo vệ môi trường, Điều 9 dự thảo Luật bổ sung điểm i khoản 4 Mục I Điều 7 về Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt so với mức hiện hành trong 5 năm đầu, kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều có hiệu lực thi hành;
Từ năm thứ 6 trở đi, điều chỉnh tăng mức thuế suất đối với xe ô tô điện chạy pin (áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước).
Đại biểu Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh quan điểm: “Về mặt nguyên tắc, chúng tôi rất ủng hộ việc hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có tính bền vững, bảo đảm không ô nhiễm môi trường hay áp dụng các công nghệ mới.”
Nhắc đến sự kiện Vinfast công bố 3 mẫu xe điện mới tại hội chợ Las Vegas mới đây, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh đây là một bước tiến lớn của ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam. Vì vậy, việc hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển ngành công nghiệp ô tô, nhất là công nghiệp sạch là hết sức cần thiết.
Theo đại biểu, trong điều 7 sửa đổi luật lần này đã có điều khoản liên quan đến biểu thuế của xe chạy điện. Cụ thể là đã có điều khoản quy định về biểu thuế đối với xe đối với xe ô tô chạy điện 30 – 70% nhiên liệu hóa thạch và mức thuế đối với xe ô tô chạy pin.
"Đây là mức thuế thấp hơn nhiều so với những biểu thuế hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy báo cáo giải thích rõ sự khác nhau giữa xe chạy pin và xe chạy điện nên không rõ là áp dụng luật này cho dòng xe nào?”, đại biểu nói.
Từ đó, đại biểu đề nghị cần có quy định rõ ràng, rành mạch để thuận tiện trong thực hiện sau này. “Chính phủ cần giải trình rõ là xe ô tô chạy pin với xe ô tô chạy điện khác nhau thế nào, tiêu chí nào để áp dụng và chúng ta đang tập trung ưu đãi cho loại xe nào?”, đại biểu đề nghị.
Theo đại biểu, nên dành ưu đãi cho loại xe có công nghệ cao và giảm tối đa việc phát thải khí Carbon, khí nhà kính. “Nên ưu đãi cho xe chạy bằng pin hoặc bằng điện 100% chứ xe bus chắc không thuộc đối tượng của quy định này”, đại biểu nói.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn), Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học lập pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì quan tâm đến việc xử lý pin của xe điện. Theo đại biểu, hiện nay trên thế giới có khoảng 1,42 tỷ xe ô tô, trong đó chỉ có hơn 9 triệu xe điện - một tỷ lệ rất nhỏ.
Tuy nhiên, theo dự đoán, đến năm 2030, trên thế giới sẽ có khoảng 145 triệu xe điện, thải ra khoảng 12 triệu tấn pin, điều này sẽ rất ảnh hưởng đến môi trường.
“Dự án luật này đã dành ưu đãi về thuế đối với dòng xe này nhưng liệu có nên tính toán đến “đầu ra” của loại xe này hay không? Tác động ngược lại với môi trường về xử lý pin sau khi thải ra - một vấn đề sẽ phải đối mặt trong tương lai - cần được đánh giá, tính toán kỹ hơn” đại biểu đề xuất.