Đà Nẵng: Ma nhai Ngũ Hành Sơn được công nhận là di sản tư liệu

Bà Miki Nozawa – Trưởng ban Giáo dục Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhận định: Bộ sưu tập Ma nhai Ngũ Hành Sơn đã lưu giữ những ký ức về sự giao lưu kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của Việt Nam và các nước trên cung đường hàng hải xuyên khu vực cũng như vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong hôn nhân quốc tế thế kỷ 17.
h-1-1677767152.JPG
Bằng công nhận Ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: Linh Cơ.

Sáng 01/3, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

h-2-1677767152.jpg
 
h-3-1677767152.jpg
Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động. Ảnh tư liệu

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) Hoàng Đạo Cương; bà Miki Nozawa, Trưởng ban Giáo dục Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam tham dự sự kiện. Ngoài ra còn có sự hiện diện của Lãnh sự quán các nước tại Đà Nẵng: Hàn quốc, Nhật Bản, Trung quốc, Lào, Nga và Lãnh sự Tây Ban Nha.

Ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn mang nhiều giá trị vượt ra ngoài ranh giới của một quốc gia. Từ năm 2019, nhìn nhận được những giá trị lớn, quý hiếm, độc đáo của hệ thống di sản tư liệu này, Đảng bộ và chính quyềnTPt Đà Nẵng đã quyết định xây dựng hồ sơ đề cử UNESCO ghi danh di sản tư liệu. Ngày 26/11/2022, tại Hội nghị toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (MOWCAP), Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Khế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Việt Nam nói chung và TP. Đà Nẵng nói riêng.  

h-5-1677767152.JPG
 Bà Miki Nozawa, Đại diện UNESCO tại Việt Nam trao Bằng công nhận Di sản Ma Nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn cho ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Linh Cơ.

Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương, Di sản văn hóa là tài sản vô cùng quý báu, đóng vai trò quan trọng trong tiến trình lịch sử của mỗi quốc gia và của nhân loại. Trong đó, Di sản tư liệu phản ánh ký ức quốc gia và bản sắc của mỗi quốc gia đó, góp phần xác định vị thế của quốc gia trong cộng đồng quốc tế.

Từ năm 1993 đến nay, UNESCO đã ghi danh 32 di sản của Việt Nam vào các danh sách Di sản khu vực và thế giới, gồm 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, 14 Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 1 Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 9 di sản thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO (6 Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và 3 Di sản tư liệu thế giới). Đây là sự ghi nhận của thế giới đối với những nỗ lực của Việt Nam về lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự phát triển bền vững và giao lưu, hội nhập văn hóa.

Việc Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) được ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2022 là kết quả của những nỗ lực và trách nhiệm cao của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Ủy ban quốc gia chương trình Ký ức thế giới Việt Nam, đặc biệt là vai trò của cộng đồng người dân có di sản và sự quyết tâm bảo vệ di sản của TP. Đà Nẵng.

Được biết, Bia Ma nhai là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ 17-19. Đây là các tác phẩm trên đá độc đáo, ấn tượng, khởi đầu cho việc khai phá tiềm năng di sản tư liệu đặc biệt giá trị trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời lan tỏa các giá trị Việt Nam còn tiềm ẩn đối với bạn bè khu vực và thế giới.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn có hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm được khắc trên vách đá và hang động, có nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức. Nguồn di sản tư liệu này có giá trị trên nhiều phương diện, phản ánh nhiều mặt của địa phương và đất nước Việt Nam dưới thời phong kiến như lịch sử, địa lý, văn học, nghệ thuật, tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa - giáo dục.

h-6-1677767152.JPG
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương trao Bằng công nhận Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh. Ảnh: Linh Cơ.

Đặc biệt, từ nội dung Bia Ma nhai, chúng ta có thể tìm hiểu về quá trình giao lưu, tiếp xúc và tiếp biến kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các nước Đông Á từ thế kỷ 17, biểu hiện tầm nhìn chiến lược biển, chính sách ngoại giao rộng mở, mềm dẻo của Việt Nam từ thời trung đại được kế thừa tới hôm nay, cũng như các kỹ thuật chạm khắc đá truyền thống còn lưu truyền đến ngày nay. Mỗi bia ma nhai có sự khác nhau về hình thức, nội dung nhưng đều là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, hàm chứa những nội dung lịch sử, nhân văn quý báu, được ra đời trong sự kết hợp của tâm hồn, tài hoa của thi nhân và kinh nghiệm, kỹ nghệ của nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước.

Mỗi bia ma nhai tuy có sự khác nhau về hình thức, nội dung nhưng tựu chung là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị, hàm chứa những nội dung lịch sử, nhân văn quý báu, được ra đời trong sự kết hợp của tâm hồn, tài hoa của thi nhân và kinh nghiệm, kỹ nghệ của người nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước. Ma nhai ở Danh thắng Ngũ Hành Sơn mang nhiều giá trị vượt ra ngoài ranh giới của một quốc gia nên được vinh danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) là hệ thống gồm 78 văn bản bằng chữ Hán và chữ Nôm, được khắc trên vách đá, hang động của Di tích quốc gia đặc biệt - Danh thắng Ngũ Hành Sơn với nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học của các vị vua, quan triều Nguyễn, các cao tăng, mặc khách…

Với vinh dự này, chính quyền TP. Đà Nẵng cam kết sẽ nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh bảo vệ và phát huy giá trị Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn xứng tầm với vị thế của một Di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, đây cũng là điểm nhấn giúp giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa dân tộc, điểm đến du lịch của TP. Đà Nẵng với cộng đồng trong nước và quốc tế.

Linh Cơ