Diện tích rừng và đất lâm nghiệp hiện nay do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý phân bố trên tất cả các phường xã thành phố Đà Lạt với diện tích gần 14.110 ha, chiếm hơn 60% tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp tại TP. Đà Lạt. Trong năm 2022, Ban Quản lý rừng Lâm Viên đã phát huy trách nhiệm trong quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn được giao. Thường xuyên duy trì tổ chức các hoạt động của tiểu khu và hộ nhận quán về tuần tra, kiểm tra rừng; quản lý chặt chẽ tài nguyên rừng hiện có, hạn chế thấp nhất các vụ vi phạm xâm hại tài nguyên rừng; nâng cao hiệu quả hoạt động Đội bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị. Ban quản lý rừng Lâm viên phối hợp với UBND các phường, xã Hạt Kiểm lâm tuần tra khu vực rừng giáp ranh các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, huyện Lâm Hà.
Tuy nhiên, tổng số vụ vi phạm từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn đơn vị quản lý được lập biên bản và chuyển hồ sơ vi phạm đến các cơ quan chức năng là 25 vụ, số cây thiệt hại là 868 cây, diện tích đất lâm nghiệp bị tác động là trên 18.600 m2. Qua đó, đã chuyển UBND các phường, xã 18 vụ, chuyển Hạt Kiểm lâm Đà Lạt 7 vụ để xử lý theo quy định. So sánh với cùng kỳ năm 2021, giảm 31 vụ, số cây bị thiệt hại tăng 659 cây, diện tích vi phạm giảm 22.600 m2.
Ban quản lý rừng Lâm Viên đã phối hợp trong công tác giải tỏa nhà kính trên đất lâm, với diện tích phải tháo dỡ là gần 74 ha, diện tích đã thực hiện tháo dỡ 71,9 ha, đạt 97,2% kế hoạch. Đã thực hiện xong kế hoạch trồng 3,5 ha rừng thay thế và gần 8,7 ha rừng sau giải tỏa. Đã thực hiện trồng cây phân tán đợt 1 với 8.150 cây thông.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng và phát triển rừng trong thời gian tới, Thường trực Thành ủy Đà Lạt lưu ý Ban quản lý rừng Lâm Viên cần tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng phát triển rừng đến các tầng lớp nhân dân; nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, viên chức và người lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; phối hợp với UBND các phường, xã, Hạt Kiểm lâm Đà Lạt và các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng; kiên quyết giải tỏa diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và tái lấn chiến để đưa vào trồng rừng; triển khai thực hiện tốt các phương án phòng cháy chữa cháy rừng; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, viên chức, người lao động trong việc để xảy ra tình trạng phá rừng khai thác rừng lấn chiếm đất rừng đất lâm nghiệp kéo dài do thiếu sự tuần tra, kiểm tra dẫn đến chậm phát hiện và xử lý; đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng./.