Kết quả bình chọn nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022

Danh sách những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2022 vừa được công bố sau khi khảo sát gần 58 nghìn lao động ở hơn 500 công ty.
cong-bo-danh-sach-nhung-noi-lam-viec-tot-nhat-viet-nam-nam-2022-1668050080.jpg
Các đại biểu chia sẻ thông tin bổ ích cho người tuyển dụng, lao động trong hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Chiều 9/11, Cộng đồng nghề nghiệp Anphabe kết hợp với Công ty nghiên cứu thị trường Intage công bố danh sách những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam năm 2022.

Kết quả, vị trí số 1 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022 toàn thị trường lần đầu tiên gọi tên Abbott Laboratories GmbH.

Những doanh nghiệp tiếp tục dẫn đầu các ngành như: Manulife Việt Nam (ngành Bảo hiểm); PNJ Group (ngành Bán lẻ/Bán sỉ/Thương mại); Viettel Group (ngành Viễn thông/ Hạ tầng/Công nghệ phần cứng); Samsung Vina Electronics (ngành Điện tử/Công nghệ cao/ Thiết bị phụ trợ); Công ty TNHH Maersk Việt Nam (ngành Vận tải/Hậu cần); Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Xây Dựng Hòa Bình (ngành Xây dựng/Kiến trúc); Tập đoàn Vingroup (đa ngành), …

Cũng tại buổi lễ, Ban tổ chức cho biết, bắt đầu từ năm 2023, nhân kỷ niệm 10 năm hành trình của giải thưởng, Ban Tổ Chức chương trình quyết định chia thành hai hạng mục mới là: Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam - Khối doanh nghiệp lớn; Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam - Khối doanh nghiệp vừa.

Khảo sát Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2022 được Anphabe thực hiện từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay, với sự tham gia bình chọn của 57.939 người đi làm, 515 công ty. Ngoài ra, đơn vị này còn có các khảo sát, phỏng vấn chuyên sâu với khoảng 150 lãnh đạo và quản lý nhân sự ở 20 ngành nghề chính.

Tính tới tháng 9, có 56% người lao động được tăng lương, 38% giữ nguyên, chỉ 6% bị giảm lương hoặc thu nhập không ổn định. Đây là con số có nhiều thay đổi khi năm 2021 chỉ 35% người lao động được tăng lương, số bị giảm lương hoặc lương không ổn định lên tới 15%.

Cùng với đó, khảo sát nhân sự của Anphabe với các giám đốc Nhân sự cũng dự báo mức tăng lương trung bình cho năm 2023 là 12%.

Ngoài thu nhập từ lương, năm 2022, các doanh nghiệp đã cố gắng để người lao động được nhận khoản thưởng cho thành tích của 2021 (cứ 10 người tham gia khảo sát có 9 người cho biết nhận thưởng). Trong đó, gần 70% được nhận mức thưởng như dự kiến hoặc cao hơn, trung bình 1,4 tháng lương.

Bên cạnh các tín hiệu tích cực từ lương thưởng, thu nhập, khảo sát của Anphabe còn cho thấy, tình trạng người lao động gặp khó trong quá trình làm việc. Theo khảo sát, 42% người đi làm đang trong trạng thái mệt mỏi, chán nản (stress). Trong đó, nhóm quản lý cấp trung, nhóm nhân viên có thâm niên từ 2-5 năm đang áp lực nhất. Ngành sản xuất, vật liệu xây dựng và ngân hàng là 2 ngành có lượng nhân viên stress đông nhất, tiếp theo là các ngành dược, chăm sóc sức khỏe và xây dựng.

Phương Nam-TH