Công an tỉnh Tuyên Quang nỗ lực đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Lực lượng CSGT tỉnh Tuyên Quang đã tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn. Với những nỗ lực không ngừng, lực lượng đã góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân.

Trong năm tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xảy ra 69 vụ tại nạn giao thông, chết 30 người, bị thương 55 người, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 564 triệu đồng. So sánh với cùng kỳ năm 2023, số vụ tai nạn giao thông giảm 02 vụ, số người chết tăng 03 người, số người bị thương giảm 02 người. 

Ngoài nguyên nhân khách quan về địa hình thì ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận người dân chưa cao cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Chính vì vậy, Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm giao thông, đặc biệt là xử lý các lỗi có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao. Thiếu tá Phạm Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, công tác này góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân: 

“Thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công an và kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang, lực lượng CSGT tỉnh Tuyên Quang đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) cũng như trật tự xã hội. Chúng tôi tập trung kiểm tra các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như: vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, vi phạm về tránh, vượt, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” – Thiếu tá Phạm Văn Tuấn cho biết.

img-8793-1723254600.jpeg
Thiếu tá Phạm Văn Tuấn - Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang

Tai nạn giao thông đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Điều đau lòng nhất là tai nạn cướp đi sinh mạng của rất nhiều người, đẩy không biết bao nhiêu gia đình vào hoàn cảnh khó khăn. Để kéo giảm tai nạn, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, công tác tuần tra, kiểm soát là cần thiết. 

img-8794-1723254166.jpeg
CSGT tỉnh Tuyên Quang tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ

Từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với nhiều đơn vị, các huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT trên địa bàn, làm tốt công tác nắm bắt tình hình trên các tuyến và địa bàn giao thông công cộng, xây dựng cao điểm, các chuyên đề tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm phù hợp với tình hình, hoạt động giao thông của địa phương.

Thiếu tá Hà Quang Đàm - một trong những cán bộ của Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường trọng điểm cho biết: “Đội CSGT đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát, đảm bảo TTATGT trên 03 tuyến quốc lộ chính: Quốc lộ 2, QL 37, QL 2C  và tuyến đường cao tốc mới Tuyên Quang – Phú Thọ. Trong quá trình tuần tra, kiểm soát thì phải bố trí lực lượng khép kín 24/24h. Các tuyến đường này là tuyến đường huyết mạch, có lưu lượng phương tiện đông đúc, đan xen với các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và nhiều đường ngang, ngõ tắt”.  

img-8795-1723254355.jpeg
CSGT tỉnh Tuyên Quang tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông

Cùng với công tác tuần tra, kiểm soát, việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ cũng được Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang đẩy mạnh. Từ đầu năm 2024 đến nay, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát , xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã trực tiếp tuyên truyền cho gần 46 nghìn lượt người tham gia giao thông; tuyên truyền qua công tác xử lý vi phạm hành chính và giải quyết tai nạn giao thông cho hơn 26 nghìn người.

Trung tá Nguyễn Văn Giang, cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền của Phòng CSGT Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết:  “Đội tuyên truyền phối hợp với cơ quan truyền thông và các lực lượng liên quan, đặc biệt là công an các địa phương tổ chức tuyên truyền bằng các buổi học ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục trên các địa bàn từ cấp tiểu học cho đến cấp trung học phổ thông”. 

Để đảm bảo an toàn khi tham giao thông, ngoài các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng chức năng thì ý thức chấp hành luật giao thông của mỗi người dân là quan trọng nhất. Chúng ta thực hiện điều đó không chỉ vì “sợ phạt tiền” mà quan trọng nhất là để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của chính bản thân và những người cùng tham gia giao thông./. 

Mạnh Sáu