Có nên đánh giá con trẻ theo những tiêu chuẩn áp đặt của người lớn

Huyền Văn
Cách nhận định này hoàn toàn không phù hợp với quan điểm giáo dục hiện nay coi trọng “đa trí thông minh”, cho rằng mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn một tài năng

Thông tin về tin nhắn được cho là của giáo viên một trường THCS trên địa bàn TP Hà Nội gửi cho phụ huynh học sinh, làm dấy lên những tranh luận của nhiều bậc phụ huynh. “Nếu con không cam kết bỏ thi lớp 10, con sẽ trượt tốt nghiệp. Nếu con chịu học nghề, cô sẽ nâng cho con lên học sinh tiên tiến để có học bạ đẹp” - Đây là nội dung một đoạn tin nhắn.

Hiện tại thông tin cuối cùng chưa được xác thực, nhà trường khẳng định không tư vấn cho học sinh bỏ thi vào lớp 10; Phòng GD&ĐT thì cho rằng có thể do phụ huynh hiểu nhầm dẫn tới thông tin chưa chính xác.

Vậy phía phụ huynh nói gì về những khẳng định trên? Điều đáng nói, nhiều phụ huynh cũng đã bức xúc lên tiếng vì thực tế con của họ bị đối xử không công bằng chỉ vì những áp lực thành tích trong giáo dục

nlntv-a4c1eacfb3207d7e2431-1650613986.jpg
Ảnh: minh họa

Khi đọc những dòng tin nhắn trên không khỏi nhắc tôi nhớ lại kỳ thi vào cấp 3 của con một người bạn trong nhiều năm trước. Chị đến gặp tôi chia sẻ và không khỏi bức xúc: Thằng bé học tốt tuy không đều nhưng khả năng của con thì chỉ con và phụ huynh con hiểu nhất, vậy mà nó tỏ ra lo lắng khi khai nguyện vọng. “Các cô con nói chỉ được ghi bằng bút chì và tờ khai nguyện vọng thôi rồi mang đến lớp cho cô xem, tuyệt đối không được ghi ngay vào bằng bút bi” thằng bé sợ hãi nói.

Sau khi họp Phụ huynh các cô phân tích, động viên thậm chí khuyên nhủ với học lực này các con chỉ nên ghi nguyện vọng (NV) vào các trường này, nếu không các con sẽ trượt và khi đó các con đi đâu? Phụ huynh đau đầu suy nghĩ về hỏi con thì các con hoang mang không biết đăng ký NV nào? Nhưng bạn tôi thì nhất định không đồng ý vì chị biết sức học của con. GVCN gọi chị đến và bảo con học không đều chỉ nên cho con vào top cuối thôi đảm bảo an toàn nhưng chị nói không được chị ạ em nhất định cho con vào top 2 cùng lắm top 3 chứ không cho con vào top cuối được.

Cuối cùng chị cũng nhượng bộ cô cho con đăng ký NV vào top 3. Kết quả là điểm của con rất cao thừa sức vào top 2 của Thành phố. Chị nói nghĩ mà vẫn bức xúc vì tiếc cho khả năng của con. Vẫn biết không nhất thiết phải đỗ vào trường top 2 nhưng không phải tự nhiên Bộ GDĐT phân loại cấp trường? trường top trên có môi trường tốt cho con được phát huy khả năng con có. Liệu có gây tâm lý không tốt cho trẻ khi mới đầu đời đã không được tự định hướng cho bản thân?

TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận định nếu trẻ học không tốt bị ép đi theo hướng này, hướng khác, mà ẩn sau đó là những suy nghĩ cho thành tích của nhà trường thì đó là phản giáo dục.

Ông Nam cho rằng tất cả trẻ em đều có quyền tự do học tập. Giáo viên khi tư vấn hướng nghiệp phải phân tích để học sinh hiểu con đường mà các em đã chọn. Không thể hướng nghiệp bằng cách cưỡng ép học sinh không được thi chuyển cấp hoặc phải chuyển trường. Thầy cô phải là nhà giáo dục, dạy cho những đứa trẻ đang mất động cơ học tập, mất niềm tin vào bản thân và hoang mang về tương lai. Giáo viên phải giúp các em lấy lại động lực, niềm tin và hứng thú trong học tập để vượt qua khó khăn về mặt tâm lý.

"Trong trường hợp phụ huynh bị ép ký cam kết cho con không thi vào lớp 10 hoặc chuyển trường thì bố mẹ nên cân nhắc lợi hại cho chính đứa trẻ. Bố mẹ có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Phụ huynh phải thể hiện được rằng chúng ta đứng về phía con. Nếu trẻ có những mong muốn, nguyện vọng chính đáng thì bố mẹ hãy ủng hộ con", ông Nam nói.

Đứng trên quan điểm của cha mẹ học sinh, việc đưa ra nhận định một học sinh “học dốt” đã tạo khoảng cách lớn giữa các bạn học sinh và làm các bậc phụ huynh đau lòng. Cách nhận định này hoàn toàn không phù hợp với quan điểm giáo dục hiện nay coi trọng “đa trí thông minh”, cho rằng mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn một tài năng. Trong thực tế, chúng ta lại vô tình quên mất bài học này khi ứng xử với những đứa trẻ trong đời sống học đường. Chúng ta vẫn đang đánh giá “giỏi - dốt” theo những tiêu chuẩn áp đặt của người lớn với các em.

Đằng sau điểm số của đứa trẻ có cả thể diện của cha mẹ, có cả uy tín của giáo viên và thành tích của nhà trường. Và chúng ta dẫu có tuyên chiến với bệnh thành tích mạnh mẽ thế nào nữa thì cũng không thể triệt để được nếu vẫn giữ những quan niệm đánh giá như thế này.

Chúng ta ai cũng đều đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn, ai cũng có những khoảnh khắc lo âu, trầm cảm, làm việc không hiệu quả. Con cái chúng ta cũng vậy, cũng có những lúc thành tích học tập đi xuống, chán nản, mất động cơ hứng thú học tập. Cái đó không phải vì các em có năng lực kém mà có thể vì các em đang gặp những khó khăn, gặp tổn thương sức khỏe tâm thần.

hocsinh-1650615052.jpg
Ảnh: minh họa

Liên tiếp các trường hợp trầm cảm, tự tử gần đây cũng một phần là do nguyên nhân này. Nhiều em chán học cũng chỉ vì mất kết nối với các thầy cô, thầy cô trong mắt các em đối xử thiên vị, không công bằng, không nhân văn, vì vậy em bất hợp tác.

Giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn không hiểu những khó khăn, không thông cảm, không nhìn ra được năng lực thật đằng sau thành tích học tập suy giảm thì cô sẽ càng lơ là trách nhiệm, sẽ càng né tránh các bạn bất hợp tác, khẳng định các em là học sinh yếu kém về học lực và ý thức. Điều này càng làm cho các em tụt lại phía sau.

Việc phân loại, học sinh giỏi, khá, trung bình để làm tiêu chí đánh giá các cơ sở giáo dục, hay thành tích dạy giỏi của giáo viên có lẽ không còn phù hợp.

Đã nhiều năm nay, một cách chính thức hay không chính thức thì ngành giáo dục vẫn lấy kết quả thi vào 10 THPT để đánh giá thi đua các trường, cân nhắc tiêu chí cho việc ưu tiên đầu tư, cất nhắc lãnh đạo. Chính vì vậy, những trường tốt trong tốp đầu cũng sẽ luôn cố gắng giành lấy những học sinh giỏi nhất và loại trừ những học sinh không phù hợp với tiêu chí của Trường.

Sống trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, khi nền giáo dục công lập chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu học tập của người học thì nền giáo dục tư thục, trường nghề được hình thành và phát triển nhanh để bù đắp vào những nhu cầu thiếu hụt.

Và khi đã có rất nhiều trường tư thục thành lập thì “không trò đố thầy dạy ai” nên các trường cấp 3 tư thục, trường nghề cũng đi tuyển sinh. Họ cũng trả chi phí cho các trường THCS để giáo viên giới thiệu định hướng cho học sinh về các con đường tương lai, do đó làm sao mà định hướng khách quan và vô tư 100% được.

Để khắc phục căn bệnh thành tích, chúng ta cần phải đo hiệu quả giáo dục của các nhà trường thể hiện qua sự tiến bộ liên tục của trẻ về các mặt kiến thức, kĩ năng và đạo đức qua từng học kỳ và năm học. Thành tích của nhà trường được đánh giá qua việc so sánh giữa năng lực, kiến thức, phẩm chất, thái độ hành vi của học sinh từ khi vào trường đến khi ra trường.

Việc đánh giá giáo viên không phải chỉ ở việc luyện ra được bao nhiêu học sinh giỏi trong số các em chăm ngoan có ý thức. Mà các thầy cô cần được đánh giá ở khía cạnh một giáo viên đã chuyển hóa được bao nhiêu học sinh mất động lực hứng thú học tập; gặp khó khăn trong phương pháp học tập bộ môn có lại niềm tin, có lại động lực, xác định lại được con đường tương lai của mình.

Trẻ em hôm nay

Thế giới ngày mai

Hãy tôn trọng quyền tự quyết của các con, hãy giúp các con định hướng tương lai qua các hình thức trực tuyến, tìm hiểu qua mạng qua sách vở. Việc định hướng, tư vấn hướng nghiệp cho các con phải có một kế hoạch dài hơi từ các bậc tiểu học và tuân theo các nguyên tắc đạo đức cơ bản đó là thiện tâm, công bằng chứ không phải chỉ làm vào lớp 9 khi các em phải chọn lựa con đường học cấp 3 hay học nghề.

Huyền Anh