Cô giáo mầm non “nuôi” ước mơ đồng hành cùng trẻ tự kỷ

Khi được hỏi về công việc sắp tới để tiếp tục phát triển sự nghiệp trồng người, cô Nguyễn Thu Vân (sinh năm 1994) giáo viên trường Mầm non Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết đang nuôi ước mơ lớn là cùng một số đồng nghiệp đồng hành cùng những trẻ em tự kỷ để các em vơi bớt thiệt thòi…

Mơ ước làm giáo viên mầm non vì nhà chưa có cháu nhỏ

Trên khuôn mặt nở nụ cười thường trực, cô Vân chia sẻ: “Từ khi học cấp ba, tôi đã ước mơ mình sẽ trở thành một cô giáo mầm non. Vì tôi là con lớn trong nhà, vốn yêu thích trẻ, nhà lại không có cháu nhỏ, nên mỗi lần chơi với các bé hàng xóm tôi lại thấy ước mơ của mình lớn dần lên. Tôi lựa chọn thi vào ngành sư phạm mầm non từ đó”.

Năm 2014 sau khi cầm tấm bằng sư phạm mẫu giáo, cô giáo trẻ Nguyễn Thu Vân chính thức trở thành giáo viên trường Mầm non Hoàng Liệt.

nlntv-1653384606.jpg
Cô Thu Vân nhận Giấy khen tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu lịch sử Thăng Long - Hà Nội

Bác đã dạy “Cô giáo mầm non tức là mẹ hiền thứ hai của trẻ, muốn làm được thế thì trước hết cô giáo phải yêu trẻ. Các cháu còn nhỏ hay quất quýt, vì vậy mà người giáo viên phải thật yêu thương bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ nhỏ cũng như trồng cây non, trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”. Cô Vân coi lời dạy đó của Bác dạy là kim chỉ nam, là động lực để luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, truyền ngọn lửa yêu thương đến con trẻ.

Trong quá trình công tác, cô Vân dành nhiều tâm huyết cho công việc, luôn học hỏi những bài giảng của các cô giàu kinh nghiệm…

Bên cạnh việc chăm lo chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các con, cô Vân còn giáo dục trẻ tính tự lập.

Các con được hướng dẫn để thực hiện những công việc phù hợp với lứa tuổi như tự xúc ăn, mặc quần áo, đeo giày dép, dọn đồ chơi, đồ dùng… Việc giáo dục trẻ đòi hỏi tính kiên trì và nhẫn nại, do đó, là giáo viên mầm non, cô Vân thường xuyên nhắc nhở trẻ mọi lúc, mọi nơi nhằm tác động sâu vào suy nghĩ, giúp các con hình thành những thói quen tốt.

Theo chia sẻ của cô Vân, để làm tốt công việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, điều kiện tiên quyết là phải hiểu tâm lý của trẻ để đưa ra những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng độ tuổi. Không những thế, với những giáo viên trẻ như cô Vân, việc không ngừng học hỏi, hoàn thiện bản thân để đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao khiến cho mỗi người giáo viên càng thêm yêu và gắn bó với nghề.

Nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp quận, được nhiều các bậc phụ huynh tin yêu, đồng nghiệp và cấp trên tin tưởng, giao nhiều trọng trách.

Cô giáo trẻ luôn hướng thiện

Đến trường Mầm non Hoàng Liệt, Hoàng Mai, có lẽ cả đồng nghiệp và Ban Giám hiệu nhà trường đều chung nhận xét: Tình yêu thương của cô Vân không chỉ dừng lại trong ngôi trường mầm non mà còn được lan tỏa rộng, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh. Cô Vân là người tích cực, hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện.

Khi được hỏi về việc chung sức cùng nhà trường, cộng đồng chống dịch, cô Vân khiêm tốn: “Sinh ra trong một ra đình có nghề nấu ăn, cứ thứ năm hàng tuần, tôi lại cùng gia đình lại nấu những suất cơm để phát đến tận tay những bệnh nhân của Bệnh viện K cơ sở Tân Triều. Tính đến nay hoạt động này đã tròn 12 năm, góp phần mang nhiều suất cơm cho người bệnh, người vô gia cư ở Hà Nội.

nlntv-1653384728.jpg
Cô Thu Vân (ngoài cùng, bên trái) nhận bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn - Hội LHTN phường Hoàng Liệt

Ngoài ra, tôi cũng nhiều lần tham gia hiến máu, sẵn sàng tham gia các đợt hiến máu tình nguyện bởi thời gian này ngân hàng máu thiếu rất nhiều. Bên cạnh đó, tôi luôn có mặt trong các hoạt động cần huy động sức trẻ như nhập liệu, dọn dẹp khu cách ly, lập khu y tế lưu động; Trực tiếp và kêu gọi người thân trong gia đình tham gia nấu cơm, ủng hộ mặt hàng thiết yếu cho cán bộ tuyến đầu chống dịch…”.

Chia sẻ với chúng tôi, cô giáo trẻ Nguyễn Thu Vân cho biết, làm thế nào để gắn được công việc chuyên môn vào hoạt động từ thiện là điều tôi luôn trăn trở.

Điều này xuất phát từ kỷ niệm không thể nào quên của cô Vân và trò nhỏ năm em 4 tuổi.

Khi nhận bé vào lớp, gia đình và Ban Giám hiệu có nhờ cô Vân “để ý” giúp vì bé bị tự kỷ, luôn sống khép kín, không chơi với các bạn; ăn uống không biết nhai chỉ ngậm.

Ngày đầu nhận bé, cô Vân cảm thấy rất khó khăn khi làm quen, tiếp cận và gần gũi với bé. Nhưng vì tình yêu thương trẻ, cô Vân lại chủ động trò chuyện và gần gũi con nhiều hơn các bạn khác trong lớp, coi như con cái trong nhà. Từng bước, cô Vân làm bạn với con, dạy con từ cách nhai nuốt, kĩ năng tự phục vụ bản thân…

Không phụ lòng mong mỏi của cô Vân, gia đình và nhà trường, sau 3 tháng, con đã cởi mở hơn và gần gũi hơn với các bạn. Con quen cô và luôn gần cô, tâm sự kể cho cô chuyện ở nhà. Đã 4 năm trôi qua, đến giờ con đã lên lớp 3 nhưng mỗi lần cùng gia đình đi đón em nhỏ, lại sà vào lòng và chào cô Vân với tình cảm thân thương.

Có lẽ đây cũng chính là động lực nhỏ giúp tôi thực hiện dự án cùng một số cô giáo chuyên sâu ngành giáo dục hòa nhập để mở lớp dành riêng cho trẻ tự kỉ, tăng động trong tương lai gần, giúp các em có cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác.

Kim Phương