Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Đã đến lúc phải mở cửa nền kinh tế

Nổi tiếng là người nói mạnh, nói thẳng trên báo chí cũng như các diễn đàn kinh tế, nhưng ở ngoài đời bà Phạm Chi Lan lại rất bình dị và dễ gần. Sau nhiều năm nghỉ hưu, bà vẫn tâm huyết góp ý về các vấn đề kinh tế của đất nước.

Một ngày sau khi Hà Nội kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan nhận lời trò chuyện trực tiếp với phóng viên chuyên đề Tinh hoa Việt. Bà mở đầu với câu chuyện mở cửa trở lại nền kinh tế đang được xã hội quan tâm.

Lần này dịch bệnh Covid-19 với biến chủng Delta gây tác hại rất nặng nề cho nền kinh tế của nước ta và cho cuộc sống của người dân. Có lẽ kể từ chiến tranh cho tới giờ, chưa khi nào Việt Nam lại chịu thiệt hại nặng nề như lần dịch bệnh này. Nó đến rất bất ngờ, với tốc độ lây lan rất nhanh, và biết bao diễn biến mới khó lường. Chúng ta chủ trương giãn cách xã hội, điều đó là đúng là cần thiết, nhưng cũng khá lúng túng trong những giải pháp cụ thể. Thành ra nếu áp dụng nên quy mô quá rộng, quá lớn ở tất cả các nơi có dịch, trên phạm vi cả thành phố, hay cả tỉnh thì càng làm cho những nơi đó tình hình kinh tế khó khăn hơn gấp bội với người dân. Về cuối chúng ta mới điều chỉnh lại khoanh vùng những chỗ nào thực sự có dịch theo điểm, chứ không phải theo cả khu phố hay cả phường, cả quận.

Theo tôi, thời gian qua với Hà Nội, số người mắc Covid-19 không đáng bao nhiêu, nhưng mình phong tỏa quá rộng, quá ngặt nghèo. Và khi thực hiện phong tỏa mới thấy bộc lộ rất rõ sự yếu kém của một số cán bộ công chức ở cấp dưới. Có người không hiểu, hoặc cố tình hiểu sai đi. Tôi cho rằng, nếu trình độ đọc không hiểu các văn bản của cấp trên - không hiểu cả tinh thần lẫn nội hàm là gì - cho nên mới có tình trạng quyết định một đằng, lại thực hiện một nẻo. Có người còn vô cảm với cuộc sống của người dân cũng như lạm quyền.

chuyen-gia-kinh-te-pham-chi-lan-1638848887.jpg
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Mở cửa sớm để tránh tổn hại cho nền kinh tế

PV: Thưa bà, như vậy nói về ảnh hưởng tới nền kinh tế, hay cuộc sống của người dân thì có lẽ “giấy phép con” đã tác động mạnh không kém dịch bệnh?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Đúng vậy. Tôi cho rằng giấy phép con quá nhiều, thay đổi xoành xoạch làm khó cho người dân và doanh nghiệp (DN). TPHCM đã rút kinh nghiệm ngay, còn Hà Nội buồn nhất là 45 ngày mà 5 loại giấy phép khác nhau. Ra toàn theo kiểu “đánh úp”, nghĩa là thứ 6 lãnh đạo họp và quyết định thực hiện từ thứ 2 tuần tới. Vậy chỉ trong 2 ngày cuối tuần thì DN và người dân làm thế nào để “chạy theo” cho kịp. Trong khi giấy phép lại đòi hỏi quá nhiều thứ phức tạp. Hay đó chỉ là gây thêm sức ép cho doanh nghiệp và người dân. Thành ra, phản ứng của người dân rất gay gắt.
Thực ra mà nói ảnh hưởng tới kinh tế, hay cuộc sống của người dân thì có lẽ tác động của những quyết định và cách thi hành không đúng của chính quyền nó tác động mạnh không kém dịch, nó còn rộng hơn nhiều bởi vì có hàng chục triệu người bị ảnh hưởng, chứ còn dịch bệnh thì chỉ tập trung vào một số người.

Bà có thể nói gì về việc mở cửa trở lại nền kinh tế vào lúc này?

- Mở cửa nền kinh tế chắc chắn là cần thiết và đã đến lúc phải mở rồi. Như chính bản thân Thủ tướng cũng thừa nhận, hay như Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng nói thẳng là nền kinh tế không chịu nổi, doanh nghiệp không chịu nổi và người dân cũng không chịu nổi nên phải mở cửa trở lại chứ không còn cách nào khác. Tôi rất tán thành cách tiếp cận của TPHCM, mở từ từ từng bước, chia làm 3 giai đoạn. Chỗ nào hoàn thành tốt nhiệm vụ chống dịch thì mở trước, rút kinh nghiệm để mở những nơi khác, như vậy là đúng.

Đối với người dân, những người nào đã tiêm vaccine rồi thì sẽ được dùng Thẻ xanh để có thể đi lại rộng rãi hơn. Rồi thành phố chủ động tiêm ở mật độ cao, xét nghiệm cao cho đội ngũ shipper miễn phí… những điều đó là hoàn toàn đích đáng để mở cửa nền kinh tế. Đối với các doanh nghiệp, vẫn khuyến khích thực hiện được 3 tại chỗ…

Vừa rồi, một số hiệp hội của các DN nước ngoài cũng đề xuất về việc Việt Nam phải sớm mở cửa, nếu không sẽ mất cơ hội đầu tư mới và mất đi một số nhà đầu tư hiện có. Mất nhà đầu tư với chúng ta không chỉ là mất cơ sở sản xuất, mà còn là mất cả thị trường, giảm niềm tin của những đơn vị khác muốn vào Việt Nam.

Cụ thể hơn, theo bà, có những lưu ý gì khi Việt Nam mở cửa trở lại nền kinh tế sau dịch bệnh?

- Trước đây chúng ta từng khuyến khích start up (khởi nghệp) rất nhiều, trong thời gian Covid-19, hầu hết các DN chưa làm được, giờ là lúc thúc đẩy họ khởi nghiệp trở lại. Họ sẽ là lứa DN mới thay thế cho lứa DN bị mất đi và mạnh hơn, giỏi giang hơn, biết làm thông minh hơn.

Với những ngành mới, như ứng dụng công nghệ thì đây là lúc chúng ta phải khuyến khích chính sách phát triển công nghệ. Ví dụ sử dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường hơn là cái rất cần. Làm sao để phát triển xanh hơn.

Điều quan trọng để mở cửa trở lại là tiếp tục thúc đẩy cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh trong thời gian tới. Thời gian vừa rồi có thể nói môi trường kinh doanh cũng bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, khi có quá nhiều sự can thiệp của nhà nước, của chính quyền các cấp, thậm chí các công chức cỏn con, hoặc là những người chỉ làm những nhiệm vụ nhất thời như những tổ nọ, tổ kia lập ra mà đã gây không biết bao nhiêu rào cản cho DN. Phải làm sao để ngăn chặn những thứ đó. Các tuyên bố về chính sách về ý tế và kinh tế phải rất rõ, quyền lực tập trung vào Trung ương đến đâu, giao quyền, phân cấp phân quyền cho các địa phương đến đâu.

Và cũng trong thể chế, phải tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành khác nhau, các địa phương khác nhau. Như câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long là một ví dụ. Những chuyện đó là không thể được, và Chính phủ qua kỳ này họp tổng kết rút kinh nghiệm, phải xử lý một số trường hợp gây khó, kể cả các vị lãnh đạo cấp Bộ chậm trong việc đưa ra những quyết định.
Tôi xin nhấn mạnh, thể chế phải tăng cường cải cách mạnh hơn để khôi phục niềm tin với những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt và triệt để hơn. Cũng như việc thi hành phải nghiêm minh hơn đối với các cơ quan ban ngành công chức chứ không phải chỉ khắt khe với dân, với DN.

Thời điểm này, điều gì khiến bà lo lắng nhất?

- Dù các nhà đầu tư nước ngoài chưa đề cập tới, nhưng bản thân tôi lại rất lo cho chính các DN Việt Nam. Nếu kéo dài quá lâu, nguy cơ mất thị trường của các DN Việt Nam là lớn. Trong khi xuất khẩu Việt Nam 72% nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài, thì những lĩnh vực như dệt may, đồ gỗ, hay một số lĩnh vực nông sản vẫn còn có thị phần của DN Việt Nam tương đối khá. Nhưng kéo dài lâu quá sẽ bị mất thị trường. Ngành dệt thì đỡ hơn vì nhỏ, nhưng ngành may đã bị mất đơn hàng, vì họ chuyển đơn hàng sang các nước khác. Và muốn lấy lại đơn hàng hoàn toàn không dễ. Thành ra, ta cần quan tâm mở cửa sớm để khỏi tổn hại cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ở Việt Nam với chính sách thay đổi nhiều như thời gian vừa qua tôi e rằng sẽ làm mất niềm tin, vì vậy rất khó cho các DN trong việc hồi phục. Đó là cái mà rất cần có chính sách rõ ràng để lấy lại niềm tin. Kể cả chính sách về kinh tế lẫn chính sách về y tế, về việc xử lý vấn đề cũng như nên có một cam kết mạnh để chính quyền phải biết lắng nghe DN, các nhà chuyên môn để xử lý dịch bệnh cũng như lắng nghe người dân.

Như vậy là niềm tin vào sự ổn định của chính sách vĩ mô của Nhà nước là rất quan trọng?

- Tôi cho rằng biện pháp đó còn đứng trên cả việc hỗ trợ cho DN. Bởi hỗ trợ là cần, ai cũng biết, nhưng hỗ trợ thì chúng ta đang ưu tiên người dân lao động bình thường, người có hoàn cảnh khó khăn và các hộ kinh doanh gia đình. Điều đó tôi cũng rất tán thành, bởi đó là lực lượng quá lớn. Hộ kinh doanh gia đình chiếm khoảng 32% GDP. Và chiếm khoảng 50% lực lượng lao động phi nông nghiệp, làm ở khu vực kinh doanh phi chính thức. Tức là gia đình hoặc lao động tự do.

Trong dịch bệnh lần này, những đối tượng sống nhờ kinh doanh vỉa hè bị thua thiệt nhiều. Cũng tới cả chục triệu người, thành ra cần hỗ trợ cho họ để họ sống được. Những người đó thu nhập của họ sử dụng được ngắn hạn. Phần lớn những người nhập cư về thành phố làm gửi tiền về quê nuôi con cái. Họ không giữ lại cho mình được bao nhiêu, kể cả người lao động ở khu công nghiệp cũng vậy, cần hỗ trợ để họ vượt qua dịch bệnh. Tôi mong Chính phủ mạnh dạn có những gói hỗ trợ lớn hơn cho đối tượng này.

Thưa bà, còn về phía DN, giải pháp bà đưa ra là gì?

- Ngoài những hỗ trợ cứu DN đang gặp khó khăn quá lớn, hoặc là ngưng hoạt động, hoặc đang chờ chết. Nếu không cấp cứu kịp thời cho họ thì họ sẽ rơi vào tình trạng đóng cửa, giải thể và hàng loạt người lao động bị sa thải. Như vậy rất nên hỗ trợ cho họ lúc này. Các biện pháp thì Chính phủ đã đưa ra quá nhiều như: giảm thuế, giãn thuế, giảm phí, giảm lãi suất… nhưng có lẽ liều lượng vẫn chưa đủ. Hầu hết các giải pháp đều đưa ra vào cuối năm 2021. Tôi cho rằng có những giải pháp phải kéo dài sang năm 2022, vì nếu muốn cho những DN đã chết có thể phục hồi, thì họ sẽ có thời gian, đủ nguồn lực và đủ niềm tin thị trường, cũng như tính toán để họ có thể khôi phục lại được.

Thí dụ như giảm thuế, giãn nợ cho năm sau. Ngay như giảm thuế thu nhập DN, nhiều DN thời điểm này cho rằng DN có thu nhập đâu mà đóng thuế.

Bên cạnh đó, rất nên quan tâm tới việc sắp xếp lại và phát triển lại như thế nào. Chúng ta nên coi mỗi cuộc khủng hoảng, kể cả dịch bệnh Covid-19 này đều là dịp sắp xếp lại, chấn chỉnh hoặc cơ cấu lại kinh tế. Các DN cũng vậy, họ nên coi đây là cơ hội để rà soát và làm lại. Không nhất thiết chúng ta phải khôi phục đủ 85.000 DN đã đóng cửa trong những tháng đầu năm 2021. Có những DN chưa chắc sống lại để kinh doanh mặt hàng cũ mà họ chuyển sang kinh doanh thứ khác, hoặc họ đi làm thuê cho DN khác. Vài ba DN chết đi giờ hình thành một DN mới để quản trị tốt hơn.

Mặt khác, rất cần phát triển DN có năng lực, kể cả những DN sống trong dịch bệnh. Đó thực sự là những DN giỏi. Những trường hợp đó rất nên hỗ trợ để họ giỏi hơn, mở mang được tốt hơn. Những DN có thể vượt qua Covid-19 là những nhân tố mới có thể dẫn dắt thị trường trong tương lai.

san-xuat-sunhouse-1638848940.jpg
Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Tập đoàn SUNHOUSE, Hà Nội Ảnh: Minh Đức.

Phụ nữ phải tự mình vượt qua những e ngại

Nhập ghi chú Đối với tôi, tôi tự nhận thức công việc của mình là trách nhiệm, mình đóng góp cho xã hội đối với cộng đồng DN để phát triển. Bảo vệ cộng đồng DN như thế nào, bảo vệ lợi ích của người dân, bảo vệ yêu cầu chính đáng như xanh môi trường, hay là các vấn đề về phụ nữ, trẻ em, người yếu thế trong xã hội… đó là đối tượng tôi quan tâm và có trách nhiệm lên tiếng. Tôi không thể cứ chờ người khác nói mà tôi không nói, kể cả ý kiến của tôi là đơn độc, ít được quan tâm, ít được để ý. Nhưng cần là phải nói. Tôi nghĩ trở ngại chính với phụ nữ là như vậy, nên đôi khi tâm lý ngần ngại. Cũng có người bảo nói có ai nghe đâu, nhưng với tôi không phải chuyện là có ai nghe đâu, mà việc cần nói là cứ nói.

Trở về những câu chuyện đời thường của một nữ chuyên gia kinh tế cao cấp. Theo bà, là một chuyên gia kinh tế nữ, thì có những trở ngại gì trong công việc so với nam giới?

- Theo tôi, khó khăn chính là nhiều khi tiếng nói của nữ khá ít và đơn độc. Có rất nhiều cuộc chỉ có một mình tôi, sau này thì có một số người xuất hiện thêm. Các chị ấy chịu khó tham gia, chịu khó lên tiếng hơn. Nhưng trước đây phải nói là tiếng nói của nữ không nhiều, có những người thực sự có năng lực nhưng lại ngần ngại không muốn lên tiếng, hoặc không dám lên tiếng. Có những người rất giỏi nhưng vẫn muốn ẩn mình, tâm lý hơi tự ti thành ra chưa lên tiếng mạnh mẽ.

Tôi cho rằng phải dám nói, và nói mạnh, nói thẳng. Nhiều khi có nơi còn đùa, cứ thấy Phạm Chi Lan lên truyền hình là giật mình bởi không biết hôm nay bà ấy có “đả” gì mình không đây (Cười). Tôi góp ý, một tiếng nói phê phán hơi mạnh là người ta ngại. Thành ra phụ nữ phải tự mình vượt qua những e ngại của mình để dám nói cho mọi người nghe.

Đối với tôi, tôi tự nhận thức công việc của mình là trách nhiệm, mình đóng góp cho xã hội đối với cộng đồng DN để phát triển. Bảo vệ cộng đồng DN như thế nào, bảo vệ lợi ích của người dân, bảo vệ yêu cầu chính đáng như: xanh môi trường, hay là các vấn đề về phụ nữ, trẻ em, người yếu thế trong xã hội… đó là đối tượng tôi quan tâm và có trách nhiệm lên tiếng. Tôi không thể cứ chờ người khác nói mà tôi không nói, kể cả ý kiến của tôi là đơn độc, ít được quan tâm, ít được để ý. Nhưng cần là phải nói. Tôi nghĩ trở ngại chính với phụ nữ là như vậy, nên đôi khi tâm lý ngần ngại. Cũng có người bảo nói có ai nghe đâu, nhưng với tôi không phải chuyện là có ai nghe đâu, mà việc cần nói là cứ nói.

Chồng bà cũng là một chuyên gia kinh tế. Cuộc sống của 2 nhà kinh tế trong cùng một nhà có gì đặc biệt, thưa bà?

- Chúng tôi luôn trao đổi, chia sẻ với nhau nhiều về công việc. Chồng tôi chủ yếu tư vấn cho DN, ông ấy có kinh nghiệm nhiều năm làm đối ngoại với các hợp đồng thương mại, đầu tư với các DN nước ngoài. Những kinh nghiệm như vậy nhiều khi giúp được cho DN trong nước rất nhiều, như tránh được các sai sót trong hợp đồng, hoặc là những cái bẫy của các đối tác không tốt ở bên ngoài, kể cả những vấn đề mình sơ hở khi chưa nắm được luật ở các nước khác. Đó là công việc chính của chồng tôi. Những thực tế từ DN của chồng tôi làm, nhiều khi cũng giúp cho tôi thêm kinh nghiệm. Từ đó để tôi nhìn nhận các DN trong nước, giúp tôi nhận thức cũng như củng cố những suy nghĩ để có thể tư vấn tốt hơn cho DN trong nước.

Với vai trò là “người giữ lửa”, bà có thể chia sẻ cuộc sống gia đình của một một nữ chuyên gia kinh tế nổi tiếng?

- Tôi có một con trai. Hiện vợ chồng tôi sống cùng con trai, con dâu và 3 đứa cháu nội. Còn trai, con dâu đang làm DN xã hội, đó cũng là kinh nghiệm hữu ích cho tôi khi tất cả những vướng mắc của công ty con trai tôi đều biết được. Hai con tôi đi các tỉnh miền núi rất nhiều, tiếp cận với đồng bào dân tộc. Cô con dâu thường xuyên làm việc với Hội phụ nữ các tỉnh miền núi, các tổ chức phụ nữ địa phương và người dân tộc để giúp họ làm ăn, ổn định cuộc sống.

Với trẻ con, khi bố mẹ chúng đi miền núi, vào những lúc nghỉ hè, chúng được bố mẹ cho đi cùng để biết cuộc sống của người dân, trẻ em ở các nơi đang khó khăn như thế nào. Để sau đó về nhìn lại các cháu sống cho thoả đáng. Nói chung tôi cũng như các thành viên trong gia đình đều sống rất đơn giản và tiết kiệm.

Ngoài ra, với những chuyến đi miền núi bọn trẻ cũng có những chương trình nhỏ như thu thập sách vở hỗ trợ các bạn làm thư viện, hay vận động quyên góp quần áo đồng phục của bạn bè sau khi hết năm học không còn dùng đến để mang tặng trẻ em miền núi. Bọn trẻ luôn ý thức sâu về môi trường từ tiết kiệm điện, nước, vật liệu sử dụng không để ảnh hưởng đến môi trường và tham gia rất nhiều nhóm trẻ liên quan đến hoạt động môi trường… Đó là thực sự là niềm vui trong gia đình tôi.

Với gia đình, trước hết là tự mình phải có ý thức từ trong lòng, xuất phát từ tự nhiên. Dành suy nghĩ, tình cảm, sự quan tâm thì truyền đạt sang mọi người thì mới có sức lan toả. Đặc biệt tôi luôn chia sẻ với con dâu về công việc gia đình chứ không phải khi có con dâu là phó thác hết cho con dâu làm. Công việc ở gia đình tôi là niềm vui chứ không phải là gánh nặng. Phải nói là ở gia đình tôi, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu khá hài hoà.

Tôi quan niệm, ai cũng cần có những phút bỏ công việc ra khỏi đầu mình để thoải mái về tinh thần, và chuyển sang những công việc chân tay để cho sức khoẻ của mình tốt hơn. Chứ suốt ngày ngồi ôm máy tính, đọc sách và suy nghĩ thì rất khó có thể kéo dài lâu được. Nếu duy trì được cuộc sống gia đình êm ấm thì sẽ giúp rất nhiều cho công việc.

Trân trọng cảm ơn bà! 

Điều quan trọng để mở cửa trở lại là tiếp tục thúc đẩy cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh trong thời gian tới. Thời gian vừa rồi có thể nói môi trường kinh doanh cũng bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng, khi có quá nhiều sự can thiệp của nhà nước, của chính quyền các cấp, thậm chí các công chức cỏn con, hoặc là những người chỉ làm những nhiệm vụ nhất thời như những tổ nọ, tổ kia lập ra mà đã gây không biết bao nhiêu rào cản cho DN. Phải làm sao để ngăn chặn những thứ đó. Các tuyên bố về chính sách về ý tế và kinh tế phải rất rõ, quyền lực tập trung vào trung ương đến đâu, giao quyền, phân cấp phân quyền cho các địa phương đến đâu.
Theo Báo Đại đoàn kết