Chủ xưởng kiếm tiền tỷ từ khẩu trang, trả lương công nhân hơn giám đốc

Dịch bệnh khiến nhiều người mất việc làm hoặc giảm thu nhập. Nhưng tại làng khẩu trang Xuân Lai (Bắc Ninh), công nhân sản xuất có thu nhập lên tới 50 triệu đồng tháng cao điểm.

Doanh thu tiền tỷ 

Đầu năm 2020, Covid-19 vào đỉnh dịch đợt 1, làng khẩu trang Xuân Lai (xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, Bắc Ninh) nở rộ phong trào sản xuất khẩu trang. Từ 10 hộ làm khẩu trang, hàng trăm gia đình thôn Xuân Lai đã mua máy móc, đầu tư sản xuất khẩu trang.

Theo người dân trong thôn, cả làng đổ xô đi làm khẩu trang. Nhà có điều kiện thì nhập máy móc về sản xuất, còn lại thì phân phối hoặc đi làm thuê. Nhớ lại thời điểm đó, bà G. một người dân làng Xuân Lai cho biết: "Thời điểm đó, dân buôn đứng kín cổng làng. Người nào cũng cầm cả cọc tiền phe phẩy hoa mắt. Giai đoạn "sốt" này kéo dài tới tận 2 năm". 

Cũng theo bà G., đợt dịch đầu tiên, giá khẩu trang dao động 25-28 triệu/thùng. Mỗi ngày, xưởng to cho ra khoảng 1.000 thùng khẩu trang, xưởng nhỏ sản xuất 300 thùng. Tính ra, mỗi xưởng thu về 8-28 tỷ đồng. Giai đoạn này kéo dài trong khoảng 3 tháng sau Tết âm lịch năm 2020 thì giá khẩu trang bắt đầu hạ nhiệt.

nlntv-khautrang2-1653098499307-1653178805.jpg
Làng Xuân Lai không ít người giàu lên nhờ làm khẩu trang (Ảnh: Thế Hưng).

Người dân làng Xuân Lai cho biết, sau đợt dịch đầu tiên, làng khẩu trang đã có không ít đại gia trăm tỷ. Song nguồn thu lớn này chỉ tập trung ở một số gia đình sản xuất khẩu trang lớn và lâu năm. Đa phần người dân trong làng đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập.

May mắn vì có ý định sản xuất khẩu trang từ trước khi có dịch, chị L.A. (thôn Xuân Lai, Bắc Ninh) đã dựng sẵn xưởng chỉ chờ máy móc về. Chồng chị A. cũng đã đi học nghề trong miền Nam để chờ sản xuất.

"Đùng một cái dịch đến, Tết xong là... giàu luôn. Trong khi các nhà khác phải bỏ ra 7-8 tỷ đồng mua máy móc, nhà tôi chỉ mất khoảng hơn 4 tỷ đồng", chị A. nói.

nlntv-khautrang5-1653098498429-1653178852.jpg
Giá khẩu trang hạ nhiệt về 5-6 triệu đồng/thùng người làm sản xuất vẫn có lợi nhuận cao (Ảnh: Thế Hưng).

Lúc đỉnh điểm, mỗi xưởng của chị A. sản xuất 1.000 thùng khẩu trang loại KF94 chưa kể khẩu trang y tế và khẩu trang 3D. Khách xếp hàng từ 6-7 giờ sáng tranh nhau mua.

"Giá khẩu trang lên xuống nhiều lần, nhưng hạ về 5-6 triệu đồng/thùng tôi vẫn có lãi", chị A. khẳng định.

Chi lương công nhân hơn giám đốc

Lợi nhuận hàng tỷ đồng, chị A. hào phóng chi cho công nhân đứng máy 50 triệu đồng/tháng, thợ chỉ ngồi đóng hàng cũng nhận 15-20 triệu đồng/tháng. Mức lương này duy trì được 3-4 tháng đầu năm 2020. Lương công nhân tăng giảm theo sự biến động của giá khẩu trang.

Cụ thể, khi giá khẩu trang hạ xuống 5-12 triệu đồng/thùng, lương thợ đứng máy giảm còn 500 nghìn đồng/ngày, thợ đóng gói còn 250-300 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên, khi dịch bùng phát trở lại thì lương công nhân lại tăng lên.

nlntv-khautrang4-crop-1653098787651-1653178771.jpeg
Lợi nhuận cao, chủ xưởng hào phóng trả lương cho công nhân (Ảnh: Thế Hưng).

Suốt 2 năm qua, chị A. duy trì 40 thợ trong xưởng làm ngày làm đêm. Ca đêm có 15 người, ban ngày 25 người. Số công nhân ban ngày nhiều hơn vì cần nhân lực để bốc vác.

Toàn bộ nhân lực bê vác chị A. đều thuê người dân tộc. Giá thuê không khác gì lao động địa phương, chị A. còn phải mất thêm chi phí ăn ở, sinh hoạt. Nhưng lao động người dân tộc có sức khỏe, bê vác tốt hơn và biết lái xe.

Không tính đợt dịch đầu năm 2020, trung bình mỗi tháng chị A. phải chi 200 triệu đồng tiền công.

Làng Xuân Lai không thiếu việc kiếm tiền triệu mỗi ngày. Do đường làng bé, xe loại nhỏ dễ luồn lách sẽ vận chuyển hàng nhanh hơn nên xe ba gác tự chế được ưa chuộng mỗi đợt cao điểm buôn bán. Song giá mỗi chuyến xe cũng lên tới tiền triệu.

Theo chị Hằng, một người dân làng Xuân Lai, thợ sửa máy khẩu trang trong làng giàu lên nhanh chóng.

"Mỗi lần đến "chọc" vài cái cũng có 10 triệu đồng mang về. Ông ấy mua xe, xây nhà nhờ nghề", chị Hằng cho hay.

nlntv-khautrang3-1653098498840-1653178958.jpg
Thời đỉnh cao đi qua, nhiều xưởng phải giảm công suất, thậm chí tắt máy dừng sản xuất (Ảnh: Thế Hưng).

Hào quang của 2 năm qua đi, hiện nay, nhiều hộ sản xuất khẩu trang đang phải bán tháo máy móc do không có đầu ra. Rất nhiều hộ đã dừng sản xuất hơn một tháng nay.

Xưởng nào còn sản xuất, người làm thuê hiện cũng chỉ nhận được thu nhập 250-300 nghìn đồng/ngày. Nhiều người cũng mất việc vì nhu cầu của thị trường không còn lớn như trước. Hàng càng tồn nhiều, thu nhập của công nhân làm khẩu trang càng bị giảm mạnh.

nlntv-khautrang1-1653098499289-1653179006.jpg
Nhiều người dân làng Xuân Lai phải quay về nghề mây tre đan cổ truyền (Ảnh: Thế Hưng).

Hiện nay, giá khẩu trang đã gần như ngang với thời điểm chưa có dịch. Nguồn cung trên cả nước cũng rất lớn khiến cho làng nghề khẩu trang phải giảm dần quy mô. Không ít người dân làng Xuân Lai phải trở lại với nghề mây tre đan truyền thống để kiếm thêm thu nhập.