Chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dùng mạng xã hội

Trước thực trạng các hội nhóm tiêu cực đang "nảy nở" ngày càng nhiều trên mạng xã hội, các chuyên gia và cơ quan quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin tức về giải pháp ngăn chặn.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS):

Để ngăn chặn các group tiêu cực trên mạng xã hội, đứng ở góc độ kỹ thuật, mạng xã hội như Facebook mang tính toàn cầu và mã hoá đầu cuối, tức là chỉ biết lúc truy cập và cũng không biết truy cập từ địa chỉ nào. Do đó, việc dùng giải pháp kỹ thuật chặn là không thể. 

chu-trong-tuyen-truyen-nang-cao-nhan-thuc-cho-nguoi-dung-mang-xa-hoi-1700703817.jpeg
Ông Vũ Ngọc Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS)

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông có cơ chế thông báo với đơn vị chủ quản mạng xã hội Facebook để chặn khi phát hiện sai phạm, nhưng trên thực tế, khi xoá, chặn hội nhóm này, họ sẽ lập hội khác. Vì vậy, giải pháp quan trọng theo tôi là phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục.

Việc xóa bỏ các hội, nhóm tiêu cực chỉ mang tính vụ việc và mới làm phần "ngọn", tức là khi cơ quan quản lý phát hiện ra  thì tiến hành xử lý, người dùng lại có thể chuyển sang hội nhập khác dễ dàng.

Theo tôi, những hội nhóm tiêu cực sẽ tác động lớn đến trẻ em, do chưa nhận thức được cách tự đảm bảo an toàn thông tin. Hiện một số mạng xã hội cũng đã có những giải pháp như tạo kênh, tài khoản cho trẻ em riêng, chặn không cho trẻ em xem một số nội dung chưa phù hợp với lứa tuổi. Những kênh như trên có hệ thống kiểm duyệt nội dụng từ nguồn khi phát lên nền tảng.

Dù vậy, có thể thấy các đối tượng vẫn lách, đưa nội dung người lớn vao các kênh trẻ em. Tình trạng này cũng giống trong đời thực, có tình trạng buôn lậu. Do đó, trên thực tế sẽ không kiểm soát nội dung triệt để, nên bố mẹ phải đồng hành cùng con.

Đối với nội dung vi phạm pháp luật của những người up nội dung, đòi hỏi có sự điều tra, có chứng cứ cụ thể. Để làm được vấn đề này thường chậm, một phần do các tài khoản ẩn danh. Đơn cử như hành vi bùng nợ, quỵt nợ, phải có người tố giác mới cấu thành tội phạm để xử lý. Điều này sẽ khiến cơ quan chức năng mất nhiều thời gian để xác định, xử lý. Do đó, hiện nay giải pháp chính vẫn là tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dùng mạng xã hội.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử:

Hiện nay xuất hiện nhiều hội, nhóm với số lượng hàng chục ngàn thành viên trên mạng xã hội, cùng chia sẻ thông tin; trong đó có những hội nhóm tiêu cực, thậm chí xúi giục, rủ rê, hướng dẫn các hình thức tự tử, trong đó có cả trẻ em.

Một số hội nhóm tiêu cực như "Hướng dẫn bùng nợ" gây tác hại đến xã hội. Sau khi nhận được phản ánh của báo chí, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã liên hệ và yêu cầu Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ một số group độc hại này.

chu-trong-tuyen-truyen-nang-cao-nhan-thuc-cho-nguoi-dung-mang-xa-hoi01-1700703817.jpeg
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử

Một số group còn lại đang được đơn vị kiểm tra, xác định nội dung vi phạm để có xử lý tiếp theo. Tình trạng lập hội nhóm tiêu cực trên mạng khá nhiều do việc tạo những group này trên mạng xã hội khá dễ dàng. Một số hội nhóm ban đầu thành lập chỉ là anti (phản đối) một ca sĩ hoặc người nổi tiếng nào đó, sau một thời gian thu hút lượng thành viên lại đổi tên. Sự “thay hình đổi dạng” của các hội nhóm này gây khó khăn trong công tác quản lý nên phải có thời gian thẩm tra nội dung sai phạm.

Do đó, nếu người dân, truyền thông phát hiện các vi phạm trên các nền tảng ứng dụng xuyên biên giới cần thông báo về cơ quan quản lý Nhà nước thông qua trang web và số điện thoại của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử và sẽ vào cuộc xử lý.