Mạng xã hội tràn ngập ảnh giật gân do AI tạo ra

Hình ảnh giật gân, chi tiết cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị cảnh sát thành phố New York bắt giữ đã tràn ngập trên Twitter và nhiều mạng xã hội khác trong thời gian gần đây. Thực tế, bức ảnh hư cấu là này sản phẩm của trí thông minh nhân tạo (AI).
240323-ong-trump-1679643598.jpg
Hình ảnh hư cấu do ông Eliot Higgins tạo ra nhờ công cụ AI. Ảnh: AP

Các chuyên gia cảnh báo những hình ảnh này là báo hiệu của một thực tế mới: làn sóng ảnh và video giả tràn ngập mạng xã hội sau các sự kiện tin tức lớn, làm xáo trộn giữa sự thật và hư cấu ở những thời điểm quan trọng đối với xã hội.

Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn lời Giáo sư Jevin West tại Đại học Washington cho rằng những bức ảnh này cũng làm tăng mức độ hoài nghi. Ông nhận định: “Bạn bắt đầu mất niềm tin vào hệ thống và thông tin mà bạn đang tiếp nhận”.

Mặc dù khả năng chỉnh sửa ảnh và tạo ảnh giả không phải là mới, nhưng các công cụ AI tạo ảnh của Midjourney, DALL-E đang ngày càng dễ sử dụng hơn. Chúng có thể nhanh chóng tạo ra những hình ảnh thực tế hoàn chỉnh với hình nền chi tiết trên quy mô lớn chỉ với một văn bản gợi ý đơn giản từ người dùng.

Midjourney trong tháng này còn được ra mắt phiên bản mới có thể chuyển văn bản thành ảnh. Nó hiện có thể tạo ra những hình ảnh bắt chước phong cách ảnh của hãng thông tấn.

Ông Eliot Higgins, người sáng lập Bellingcat - tổ chức báo chí điều tra có trụ sở tại Hà Lan, đã sử dụng phiên bản mới nhất của Midjourney để tạo ra hình ảnh hư cấu về vụ bắt giữ cựu Tổng thống Mỹ Trump. Những hình ảnh này được chia sẻ và thu về hàng chục nghìn lượt thích. Trong ảnh là một đám đông cảnh sát túm lấy ông Trump và kéo ông xuống vỉa hè một cách thô bạo.

Ông Higgins chia sẻ với AP: “Bức ảnh hư cấu bắt giữ Tổng thống Trump cho thấy cả cái xấu và tốt của Midjourney trong dựng cảnh thật”. Ông nhận định những bức ảnh không hoàn hảo bởi trong một số ảnh, ông Trump đeo thắt lưng cảnh sát. Trong bức ảnh khác, các khuôn mặt và tay bị biến dạng rõ ràng.

Nhưng bà Shirin Anlen tại tổ chức nhân quyền Witness ở New York nhận định rằng mặc dù những người dùng như ông Higgins nêu rõ trong bài đăng rằng hình ảnh do AI tạo ra và chỉ để giải trí nhưng đó là chưa đủ. Những hình ảnh hư cấu này nhanh chóng được người sử dụng mạng xã hội chia sẻ nhưng không kèm theo nội dung quan trọng đó. Một tài khoản Instagram chia sẻ hình ảnh hư cấu về cựu Tổng thống Trump của ông Higgins như thể chúng là ảnh thật và thu về hơn 79.000 lượt thích.

Trong một ví dụ khác gần đây, người dùng mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh được cho là chụp Tổng thống Nga Vladimir Putin quỳ gối và hôn tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Hình ảnh được lan truyền khi nhà lãnh đạo Nga chào đón ông Tập Cận Bình đến Điện Kremlin trong tháng 3 này. Không rõ ai đã tạo ra hình ảnh hoặc họ đã sử dụng công cụ gì, nhưng một số manh mối cho thấy nó là ảnh giả mạo. Chẳng hạn, đầu và giày của hai nhà lãnh đạo hơi méo mó, nội thất phòng trong bức ảnh không tương thích với căn phòng diễn ra cuộc họp thực tế.

Các chuyên gia cho biết, trong bối cảnh các hình ảnh AI tạo ra ngày càng trở nên khó phân biệt với thực tế, cách tốt nhất để chống lại thông tin sai lệch từ hình ảnh là nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng. “Việc tạo ra những hình ảnh này đang trở nên quá dễ dàng và quá rẻ nên chúng ta cần làm bất cứ điều gì có thể để công chúng nhận thức được công nghệ này đã phát triển đến mức nào”, Giáo sư West nói.

Ông Higgins gợi ý rằng các mạng xã hội có thể tập trung phát triển công nghệ để phát hiện hình ảnh do AI tạo ra và tích hợp công nghệ đó vào nền tảng của họ. Twitter có chính sách cấm “truyền thông giả tạo, bị thao túng hoặc không phù hợp với bối cảnh”, có khả năng lừa dối hoặc gây hại. Công cụ kiểm tra tính xác thực dựa trên đám đông của Twitter đã được đính kèm vào một số bài đăng để báo rằng các hình ảnh về ông Trump là do AI tạo ra.

Arthur Holland Michel, một thành viên Hội đồng Carnegie vì đạo đức trong các vấn đề quốc tế cho biết ông lo lắng thế giới chưa sẵn sàng cho “trận đại hồng thủy” sắp xảy ra. Ông băn khoăn về việc quản lý bằng luật và quy định đối với "deepfake". Ông chia sẻ: “Từ góc độ chính sách, tôi không chắc chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với quy mô thông tin sai lệch này ở mọi cấp độ xã hội. Tôi cho rằng sẽ cần một bước đột phá kỹ thuật chưa từng có để chấm dứt hoàn toàn việc này”.