Châu Âu thúc đẩy cải tổ khu vực Shengen

Huyền Văn
Khu vực tự do đi lại Schengen của châu Âu đang đứng trước khả năng sẽ bị siết chặt sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, với tư cách là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) kể từ năm 2022 trình bày kế hoạch cải cách với những đề xuất kiểm soát biên giới và việc này đã được Ủy ban châu Âu (EC) hưởng ứng...

Theo Rfi.fr, Tổng thống Emmanuel Macron cam kết sẽ hành động để cải tổ khu vực Schengen, nơi các nước tham gia Hiệp ước Schengen có thể tự do đi lại qua biên giới của nhau mà không bị kiểm soát. Kế hoạch của Tổng thống Emmanuel Macron có vẻ chưa gặp phải trở ngại nào đáng kể. Vài ngày sau khi ông đề xuất kế hoạch, EC đã đưa ra một dự án cải cách.

Kế hoạch của Tổng thống Pháp khẳng định cần phải tìm giá trị của một châu Âu có thể bảo vệ biên giới của mình tốt hơn, nhất là trong vấn đề nhập cư. Để bảo vệ những giá trị châu Âu, ông Emmanuel Macron mong muốn cải cách “Không gian Schengen” và thiết lập một cơ chế “chỉ đạo chính trị” theo các quy phạm của châu Âu.

nlntv-scg-1640316882.jpg

Đại dịch Covid-19 buộc các nước Schengen siết chặt kiểm soát biên giới (ảnh minh họa). Ảnh: EPA

Các nước thành viên cần họp thường xuyên hơn để thống nhất các cơ chế đoàn kết hỗ trợ nhau, nhất là vai trò của Frontex-Cơ quan bảo vệ bờ biển và biên giới châu Âu, để tăng cường kiểm soát biên giới.

Trên cơ sở đó, EC cũng đã đề xuất cơ chế “chỉ đạo chính trị” cho khu vực Schengen, đồng thời đưa ra một loạt đề xuất cải cách. Theo đó, các quốc gia thành viên có thể tiến hành kiểm tra biên giới bất cứ khi nào họ muốn, trong khi về nguyên tắc Schengen là một khu vực tự do di chuyển không kiểm soát biên giới nội bộ giữa 26 quốc gia.

Các nước thành viên có thể mở rộng giám sát, bao gồm cả sử dụng máy bay không người lái và cảm biến chuyển động, có thể xử lý hầu hết các yêu cầu xin tị nạn trực tiếp tại biên giới và kéo dài thời gian đăng ký cho các đơn xin tị nạn từ 10 ngày lên 4 tuần.

EC đã đề xuất các biện pháp tương tự vào đầu tháng 12 này đối với các nước: Belarus, Ba Lan, Latvia và Litva. Các quy tắc mới có thể được đưa ra khi một quốc gia giáp ranh với EU bị phát hiện là tổ chức và tạo điều kiện cho di cư bất hợp pháp, sử dụng dòng người di cư như một công cụ cho các mục đích chính trị, để gây bất ổn cho EU và các quốc gia thành viên của khối.

Cho đến nay, theo The New York Times, có nhiều ý kiến đồng tình cho rằng cần thiết phải cải cách khu vực miễn hộ chiếu. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến lo ngại các đề xuất cải tổ sẽ khiến EU tự làm suy giảm các thành tựu chính mà khối đã đạt được, đó là quyền tự do đi lại và tự do lưu thông hàng hóa cũng như các biện pháp bảo vệ nhân quyền vốn được EU luôn đề cao.

Tuy nhiên, các đề xuất cải cách trong dự án của EC cần có thời gian để có hiệu lực và thực hiện. Bất kỳ sửa đổi nào trong các điều khoản của Hiệp ước Schengen đều cần phải có đa số phiếu đủ điều kiện (15 trong số 27 quốc gia thành viên EU, đại diện cho ít nhất 65% dân số). Một vấn đề có thể khiến nhiều nước phản đối, đó là quy định trục xuất ngay lập tức người nhập cư bất hợp pháp đến một nước thành viên khác mà người này đặt chân đến trước đó.

Vậy vì đâu một không gian mở tạo ra một khu vực miễn trừ hộ chiếu giữa 26 quốc gia châu Âu với những lợi ích không thể phủ nhận về kinh tế, thương mại, du lịch... lại phải thực hiện những cải cách ở thời điểm hiện nay?

Trong một không gian được nới rộng dần kể từ khi sáng lập năm 1985 tại thành phố Schengen (Luxembourg) và Hiệp ước Schengen có hiệu lực vào năm 1995, biên giới nội bộ giữa các nước tham gia Hiệp ước được xóa bỏ, cho phép công dân các nước này tự do đi lại trên toàn lãnh thổ chung mà không cần xuất trình hộ chiếu.

Sự phát triển của “Không gian Shengen” đã chứng tỏ những lợi ích to lớn mà nó đưa lại cho các quốc gia thành viên, thậm chí, ông Margarítis Schinás, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng Schengen là một trong những “viên ngọc quý giá trên vương miện của EU”, với đơn vị tiền tệ duy nhất và thị trường nội bộ chung.

Tuy nhiên, trong một thế giới đầy bất ổn và những biến động khó lường, các nước Schengen cũng đang gặp phải những rắc rối chính vì đường biên giới nội bộ không bị kiểm soát này. Các cuộc tấn công khủng bố, áp lực di cư, các biện pháp kiểm soát biên giới giữa các nước do đại dịch Covid-19 buộc các nước thành viên Schengen phải thiết lập lại các biện pháp kiểm soát biên giới, cả bên trong và bên ngoài.

Trong vài năm trở lại đây, theo ông Schinás, “Không gian Schengen” phải trải qua nhiều thử thách, đó là khủng hoảng nhập cư năm 2005 do sự sụp đổ của Syria, làn sóng tấn công khủng bố ở châu Âu, sau đó là khủng hoảng do đại dịch Covid-19... “Chính vì thế, chúng ta cần phải cứu lấy giấc mơ của Schengen và tiến hành cải cách”, ông nói.