Câu chuyện quốc tế: Trí thức trẻ về nông thôn

Lương Đàm
Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị tăng, ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc quyết định về các vùng nông thôn làm việc.

Theo tờ South China Morning Post, trong những mùa tốt nghiệp gần đây, Wendy Li, thành viên của hội sinh viên tại một trường đại học ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã thúc đẩy các chương trình do chính phủ hỗ trợ nhằm khuyến khích sinh viên ra trường về làm việc tại những vùng nông thôn rộng lớn và kém phát triển của đất nước. Với những cái tên khác nhau, các chương trình như vậy không có gì là mới mẻ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đăng ký đã tăng cao trong năm nay. “Chương trình dường như đã trở nên hấp dẫn hơn trong năm nay. Khoảng 400 sinh viên trường tôi đã đăng ký. Trong khi vài năm qua, mỗi năm chỉ có gần chục người quan tâm”, cô Li cho biết.

anh-ccqt-1687051567.jpg
Tại một lễ tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc, năm học 2020 - 2022. Ảnh: Getty Images

Ông Peng Peng, Chủ tịch điều hành Hiệp hội Cải cách Quảng Đông, một tổ chức tư vấn hợp tác với chính quyền tỉnh Quảng Đông, nói rằng những động thái như vậy nhằm mang lại cho người trẻ nhiều cơ hội việc làm hơn trong một thị trường lao động khó khăn như hiện nay. “Những người trẻ tuổi ở khu vực thành thị gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và số lượng sinh viên tốt nghiệp ra trường lớn chưa từng có”, ông Peng Peng cho biết. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16-24 ở Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 20,4% vào tháng 4 năm nay, cao hơn so với tỷ lệ 19,6% trong tháng 3. Trong khi đó, 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học, tương đương với dân số Bỉ, sẽ tham gia vào thị trường việc làm trong năm nay. Ngoài ra, các chương trình thúc đẩy người trẻ có học thức về nông thôn còn được triển khai nhằm hồi sinh vùng nông thôn, nơi đang cần nhân tài và công nghệ nhất.

Theo một kế hoạch hành động được Chính phủ Trung Quốc ban hành vào tháng 2 năm nay, các sinh viên tốt nghiệp đại học sẽ làm việc với tư cách là cán bộ cơ sở, doanh nhân hoặc tình nguyện viên để đóng góp cho “sự trở lại của tài năng, nguồn lực và dự án” ở nông thôn. Hầu hết các địa phương của Trung Quốc cũng đã nâng cấp các chương trình như vậy bằng cách mở rộng số lượng người được nhận về hoặc vị trí công tác. Tại tỉnh Giang Tô, một sáng kiến trước đây vốn nhắm vào các khu vực kém phát triển ở 5 thành phố tương đối nghèo đã được mở rộng ra toàn tỉnh vào năm ngoái với mục tiêu đưa ít nhất 2.000 sinh viên tốt nghiệp đại học về các vùng nông thôn mỗi năm. Trong khi đó, tỉnh Quảng Đông đang hướng đến việc đưa 300.000 sinh viên tốt nghiệp đại học về các vùng nông thôn vào cuối năm 2025.

Chính quyền Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực khuyến khích những người trẻ tuổi lập nghiệp ở nông thôn trong bối cảnh áp lực việc làm ngày càng tăng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi hồi sinh nông thôn để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn. Ông Tập Cận Bình cũng hối thúc chính quyền địa phương tìm cách thu hút không chỉ sinh viên đại học mà còn cả các doanh nhân và nông dân trước đây đã rời bỏ quê hương lên các thành phố làm việc. Mặc dù có cải thiện đôi chút trong thập kỷ qua, song khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn của Trung Quốc vẫn còn lớn. Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, năm ngoái, thu nhập khả dụng trung bình của người dân nông thôn là 20.133 nhân dân tệ. Trong khi đó, thu nhập khả dụng trung bình của người dân khu vực thành thị là 49.283 nhân dân tệ.

Việc khuyến khích các sinh viên tốt nghiệp đại học về nông thôn làm việc không chỉ tạo cơ hội cho những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết có công ăn việc làm mà còn mang đến nguồn nhân lực giúp khu vực này phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước. Giáo sư Zheng Fengtian tại Khoa Phát triển nông nghiệp và nông thôn của Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh nhận định, nhân tài là một trong những nguồn lực cần thiết nhất đối với các khu vực kém phát triển. Một số công ty đã ra đời ở các khu vực này trong nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của Trung Quốc.