Cần thận trọng khi đưa thông tin về cháu bé nhảy lầu để tránh những hiệu ứng tiêu cực !

Huyền Văn
Liên quan đến việc phát tán hình ảnh clip ghi lại cảnh cháu bé nhảy lầu từ tầng 28 toà nhà chung cư mấy ngày qua, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Nhân lực nhân tài Việt TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do nhân thân của mỗi cá nhân, trong đó có quyền tự do về hình ảnh. 

Liên quan đến việc phát tán hình ảnh clip ghi lại cảnh cháu bé nhảy lầu từ tầng 28 toà nhà chung cư mấy ngày qua, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Nhân lực nhân tài Việt TS. Luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do nhân thân của mỗi cá nhân, trong đó có quyền tự do về hình ảnh.


Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó cho phép, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 32 BLDS như sau: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Người thu thập trái phép thông tin, hình ảnh của người khác, sử dụng trái phép thông tin, hình ảnh của người khác thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Việc cháu bé nhảy lầu tự tử vì áp lực việc học hành không phải là chuyện mới, trước đó đã có nhiều trường hợp các cháu áp lực quá về việc học, về mâu thuẫn gia đình hoặc bị trầm cảm nên đã thực hiện các hành vi dại dột.

Đây là những thông tin, hình ảnh khiến nhiều người rất đau xót, thậm chí sốc và giật mình về cách dạy con cũng như đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái của mình khiến các con bị áp lực.

Diễn biến sự việc qua clip các từ camera giám sát của gia đình cũng như từ bức thư mà cháu bé để lại cho thấy cháu đã rất áp lực và không hài lòng với cuộc sống. Ở độ tuổi còn chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, suy nghĩ thiếu chín chắn, chưa biết làm chủ cảm xúc, thiếu kỹ năng sống khiến cháu đã có lựa chọn dại dột, quyên sinh để thể hiện thái độ của mình trước những áp lực của cuộc sống. Đây là một câu chuyện rất đáng buồn và có thể là một bài học cho các bậc phụ huynh trong việc dạy dỗ, giáo dục con cái. Tuy nhiên, nếu hình ảnh, clip này lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội thì có thể cũng sẽ phát sinh những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Ngoài những mặt tích cực, như tiếng chuông cảnh tỉnh về phương pháp giáo dục thì hình ảnh này cũng có thể khiến nhiều em học sinh có thể suy nghĩ theo, học theo bởi các em chưa thể có những suy nghĩ chín chắn, hành động phù hợp như người lớn. Bên cạnh đó, đây là hình ảnh rất đau lòng mà chia sẻ rộng rãi thì cũng khiến gia đình nạn nhân rất thương tâm. Bởi vậy trong trường hợp gia đình nạn nhân không đồng ý phát tán những hình ảnh, clip này thì việc những người thu thập thông tin, phát tán clip này là vi phạm pháp luật.

Hiện nay các thông tin, hình ảnh này đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và các trang thông tin điện tử. Chủ yếu nội dung có tính chất cảnh báo, đưa tin về một sự việc diễn ra. Tuy nhiên nếu ai đó lợi dụng việc này để mà sát, chỉ trích, xúc phạm danh dự nhân phẩm của phụ huynh hoặc có hành vi khác bôi nhọ danh dự nhân phẩm uy tín của người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp người nhà nạn nhân không đồng ý cơ quan tổ chức cá nhân sử dụng những thông tin hình ảnh này trên không gian mạng thì người đã sử dụng thông tin hình ảnh này phải gỡ bỏ hoặc phải che mờ, mã hóa. Trường hợp gia đình đã yêu cầu rồi nhưng tổ chức cá nhân vẫn không thực hiện thì hành vi này có thể bị phạt hành chính đến 60.000.000 đồng, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp clip này chính là của gia đình cung cấp cho cơ quan truyền thông như một lời cảnh báo trước các bậc phụ huynh về phương pháp giáo dục con cái, tránh những vụ việc đau xót có thể xảy ra hoặc từ cơ quan chức năng với mục đích là để tuyên truyền, về lợi ích công cộng, vì an toàn cho xã hội theo khoản 2, Điều 32BLDS thì việc sử dụng các clip, hình ảnh thông tin này là hợp pháp, tuy nhiên cũng cần có những nội dung thông tin, định hướng đúng để tránh việc xuyên tạc, chỉ trích, gây áp lực thêm, đau buồn thêm cho gia đình nạn nhân.

Với các em học sinh ở độ tuổi nổi loạn, khi quá nhiều áp lực trong học tập và đời sống có thể khiến các em bị trầm cảm, có những suy nghĩ và hành động tiêu cực. Bởi vậy, ở độ tuổi này các em rất cần có sự quan tâm, đồng cảm, chia sẻ của cha mẹ, người thân. Hạn chế đến mức thấp nhất những áp lực có thể khiến các em có những suy nghĩ và hành động tiêu cực.

Về tâm lý chung của các bậc làm cha làm mẹ là rất muốn con cái phải giỏi giang, tài giỏi như mình, thậm chí hơn mình theo phương châm "con hơn cha là nhà có phúc". Tuy nhiên cuộc sống ngày nay có rất nhiều điều thay đổi, không phải các con cứ có điểm số cao, ngoan ngoãn lễ phép chấp hành mọi yêu cầu của người lớn thì đều là những người thành công. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục mới, khoa học tiến bộ ngày nay là trường học hạnh phúc, ngôi nhà hạnh phúc, tạo điều kiện tốt nhất để cho các em phát triển toàn diện, đầy đủ về thể chất, tinh thần, tạo ra hứng thú trong việc học tập, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển năng lực bản thân, khơi dậy cảm xúc và sự đam mê đối với việc học tập. Tiểu học áp đặt, nhồi nhét, áp lực về điểm số là phương pháp giáo dục cũ, lạc hậu, không còn phù hợp trong xã hội ngày nay. Phương châm giáo dục ngày nay là lấy người học làm trung tâm, xây dựng môi trường học đường lành mạnh, hạnh phúc, phát huy tối đa năng lực của người học, khơi gởi cảm xúc và niềm đam mê trong việc học tập. Đó mới là hướng giáo dục đúng đắn, khoa học và tạo ra một môi trường văn minh, lành mạnh, phát triển. Việc so sánh học sinh này với học sinh khác, áp lực bởi điểm số, kết quả học chưa chắc đã tạo ra một công dân tốt, một nhân tài cho đất nước mà có thể gây ra những áp lực không cần thiết phải không khơi gợi được năng lực của mỗi học sinh.

Bởi vậy, các bậc phụ huynh cũng cần thay đổi suy nghĩ và hành động, thay đổi phương pháp giáo dục để tránh mang đến quá nhiều áp lực cho con cái. Cha mẹ nào cũng mong muốn con cái học giỏi, chăm ngoan, thành đạt nhưng những mong muốn đó chỉ có thể thành hiện thực khi có những phương pháp phù hợp, tạo động lực cho các con xây dựng mục tiêu và có kế hoạch hành động. Thay vì áp lực về điểm số, về kết quả học tập thì cha mẹ cần phải đồng hành với con, thông cảm, chia sẻ với con, cùng con tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc học tập cũng như trong đời sống, ở độ tuổi "nổi loạn" thì cha mẹ không chỉ là những phụ huynh mà còn phải là những "người bạn" để các con có chỗ sẻ chia, thông cảm, động viên giúp đỡ. Qua nghiên cứu cho thấy chỉ khi nào các con có hứng thú, có đam mê thì mới có thể có kết quả học tập tốt. Những áp lực, yêu cầu, đòi hỏi có thể khiến nảy sinh những gian lận, tiêu cực, bệnh thành tích trong học tập, thậm chí sẽ gây ra những áp lực không cần thiết và có thể xảy ra những hậu quả đau lòng.

Clip và những thông tin về vụ việc này là bài học sâu sắc cho các bậc phụ huynh về giáo dục con cái. Bởi vậy việc sử dụng thông tin hình ảnh này cần phải sử dụng theo hướng tích cực để tác động tích cực đến tâm lý, nhận thức của các bậc phụ huynh để tránh những vụ việc đau lòng khác có thể xảy ra.

nlntv-a1dde008d5b0ad71cdcd70cbab8c2063-1648957110.jpg
TS. LS. Đặng Văn Cường