Cần làm gì để đội ngũ doanh nhân trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế nhanh, bền vững?

Nhóm giải pháp then chốt cần khẩn trương và ưu tiên thực hiện để xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng mạnh, trở thành lực lượng nòng cốt, trụ đỡ cho nền kinh tế đó là cần khẩn trương, ưu tiên triển khai thực hiện nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân cống hiến và phát triển.
nbl-1698891228.jpg
Nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm

Trong hơn hai thập kỷ qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhờ đó, đội ngũ doanh nhân nước ta ngày càng đông đảo, năng động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.

Nắm bắt thời cơ, phát huy tinh thần tự cường, đội ngũ doanh nhân từng bước nâng cao vị thế, uy tín của kinh tế Việt Nam

Doanh nhân ở bất kỳ nền kinh tế nào, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào đều giữ vai trò vô cùng quan trọng, đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Từ một nền kinh tế tiểu nông, có xuất phát điểm thấp, lạc hậu về công nghệ, trong những năm qua với sự chỉ đạo sát sao của Đảng; tinh thần đổi mới, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng thông thoáng của Chính phủ; với tinh thần tự cường, nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nhân, kinh tế nước ta đã có những bước phát triển ngoạn mục. 

Năm 2009, Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, đây là cột mốc quan trọng, mở ra nhiều cơ hội mới cho sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội.

Trong tiến trình phát triển của đất nước, cộng đồng doanh nhân là lực lượng chủ chốt, nhân tố quyết định, góp phần quan trọng nhất trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua. Đội ngũ doanh nhân đang là đội quân thực hiện khát vọng một Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc trong thời gian tới.

Cổ nhân có câu: "Phi Công bất phú, phi Thương bất hoạt" để nói nên tầm quan trọng bậc nhất, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi, dòng chảy kinh tế ngưng trệ, đất nước không bao giờ thịnh vượng.

Hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh về số lượng, có tinh thần và ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc, ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Năm 2022, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp đã tạo việc làm cho gần 23,8 triệu lao động, chiếm 47% trong tổng số lao động đang làm việc, tạo ra trên 70% GDP của nền kinh tế; Trong đó, cộng đồng doanh nhân tạo gần 14,8 triệu việc làm.

Trong những năm qua, với ý trí vươn lên, khát khao khẳng định chỗ đứng của doanh nghiệp Việt, đội ngũ doanh nhân đã xây dựng được một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đáng phấn khởi là doanh nhân nước ta có sự thay đổi để thích ứng trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động. 

Brand Finance – Công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới của Vương quốc Anh đánh giá: "Các doanh nghiệp Việt Nam đã thích nghi tốt trong đại dịch, với tổng trị giá của Top 50 thương hiệu giá trị nhất năm 2022 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2021 và cũng là mức tăng cao nhất trong khu vực".

Nhiều doanh nhân đưa ra chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn, bền vững nhằm tạo dựng, phát triển và củng cố thương hiệu, đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.

Với nỗ lực của đội ngũ doanh nhân, chúng ta tin tưởng Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp đạt thứ hạng cao hơn trên các bảng xếp hạng toàn cầu, khẳng định vị thế và giá trị của các thương hiệu quốc gia trong thời gian tới.

Khẩn trương hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách, từng bước tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch

Thể chế, cơ chế và chính sách điều hành đóng vai trò cốt lõi, là điều kiện tiên quyết để giải phóng và khơi thông tiềm năng và các yếu tố sản xuất của nền kinh tế. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2010 với ba khâu đột phá: Xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà trọng tâm là đổi mới cơ chế; Tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực; Đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động, trọng tâm là cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Sau 10 năm thực hiện, bên cạnh những thành tựu đã đạt được nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, đặc biệt trong tổ chức hiện các khâu đột phá, sức sản xuất chưa được giải phóng, cản trở sự phát triển. 

Chính vì vậy, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020 tiếp tục khẳng định ba khâu đột phá: Thể chế; Nguồn nhân lực; Hệ thống hạ tầng. 

Trong đó đột phá về thể chế với trọng tâm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính đóng vai trò then chốt, là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong thập kỷ qua, hằng năm, từ năm 2014 -2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP và từ năm 2019-2022, ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

Cùng với đó, giai đoạn 2017-2019, Chính phủ ban hành 40 văn bản về cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, trong 3 năm 2016-2018, Chính phủ đẩy mạnh việc cắt giảm điều kiện kinh doanh với việc rà soát cắt bỏ và đơn giản hoá được 55,3% trong tổng số 6191 điều kiện kinh doanh. Qua đó, môi trường đầu tư, kinh doanh liên tục được cải thiện, đạt những kết quả khá tích cực.

Với quan điểm đổi mới, mang tính đột phá về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp chuyển từ "Chọn - Cho" sang "Chọn - Bỏ", số lượng ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được thu gọn, từ 267 ngành nghề vào năm 2014 giảm xuống còn 227 ngành nghề vào năm 2020.

Ngày 12/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan tới hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.

Nỗ lực cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ trong hơn thập kỷ qua là yếu tố quan trọng tạo niềm tin, sự phấn khích, thúc đẩy cộng đồng doanh nhân vượt qua khó khăn, tìm kiếm ngành nghề, lĩnh vực phù hợp để thành lập doanh nghiệp. Đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trong 10 năm 2011-2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới hàng năm tăng gần 1,74 lần; Năm 2022 có 148.533 doanh nghiệp thành lập mới, tăng gần 1,92 lần so với số doanh nghiệp thành lập mới năm 2011. Bình quân 5 năm giai đoạn 2018-2022, mỗi năm có 133.945 doanh nghiệp mới thành lập. Tại thời điểm 31/12/2022, toàn nền kinh tế có 895.876 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng hơn 3 lần so với thời điểm đầu năm 2011, bình quân tăng gần 10,2%/năm.

Do hệ luỵ của dịch COVID-19 và biến cố khôn lường của kinh tế thế giới, năm 2023, doanh nghiệp nước ta rơi vào tình cảnh kinh doanh đầy khắc nghiệt, cùng một lúc phải đương đầu với hàng loạt khó khăn: Đơn hàng sụt giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy yếu; cạn kiệt và khó tiếp cận nguồn vốn; niềm tin của doanh nghiệp sụt giảm khi một bộ phận cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước ở các cấp chậm trễ trong thực thi công việc, mỗi nơi thực thi một kiểu gây khó cho doanh nghiệp. 

Trước thực tế này, ngày 21/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, với các giải pháp xử lý những khó khăn vướng mắc trước mắt, trong ngắn hạn cũng như trong trung và dài hạn của doanh nghiệp. 

Nghị quyết bao phủ toàn diện các giải pháp nhằm xử lý những vấn đề tồn đọng trong hầu hết các lĩnh vực. Tập trung tháo gỡ rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh; tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước; giảm tối đa hoạt động thanh tra, kiểm tra theo quy định, nhằm giảm thiểu việc gây phiền toái, nhũng nhiễu doanh nghiệp bấy lâu nay của một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước ở các cấp.

Việc ban hành và thực thi khẩn trương, hiệu quả Nghị quyết số 58/NQ-CP sẽ khơi thông các điểm nghẽn, hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Với nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách, hướng tới tạo dựng môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh minh bạch, bình đẳng, lành mạnh, tạo cơ hội cho mọi thực thể kinh tế là yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp ngoài nhà nước có được vai trò và vị thế quan trọng trong nền kinh tế như hiện nay.  

Đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới, đất nước vẫn thiếu vắng doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy vậy, đội ngũ doanh nhân Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, vẫn thiếu vắng những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng sâu, rộng trong nước và quốc tế là do một số nguyên nhân nội tại của nền kinh tế:

Một là, doanh nghiệp trong nước phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, năng suất và năng lực cạnh tranh thấp.

Trong tổng số 895.876 doanh nghiệp đang hoạt động của nền kinh tế, số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 98%, với quy mô vốn và lao động nhỏ bé; chậm đổi mới công nghệ và phương thức sản xuất; năng suất lao động thấp, tụt hậu so với các nước trong khu vực, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. 

Chỉ số quay vòng vốn và hiệu suất sinh lợi thấp. Năm 2019, hiệu suất sinh lợi của toàn bộ khu vực doanh nghiệp chỉ đạt 2,2%. Theo loại hình doanh nghiệp: Khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 2,2%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ đạt 1,2%, khu vực doanh nghiệp FDI đạt 5,5%. Chỉ số nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước là 3,6 lần, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước là 2,0 lần và khu vực doanh nghiệp FDI là 1,6 lần.

Hai là cơ cấu doanh nghiệp theo các ngành kinh tế không hợp lý.

Số doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ chiếm tới 66,8% trong tổng số doanh nghiệp của toàn nền kinh tế; trong khu vực dịch vụ, riêng số doanh nghiệp hoạt động trong ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và có động cơ khác chiếm trên 50%. Số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, xây dựng, nông lâm nghiệp và thuỷ sản chỉ chiếm 33,2% trong tổng số doanh nghiệp của toàn nền kinh tế.

Ba là, nguyên vật liệu sản xuất phụ thuộc vào bên ngoài.

Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nước ta phụ thuộc khá lớn, dễ bị tổn thương bởi các cú sốc từ bên ngoài với chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm tới 40,11% trong tổng chi phí nguyên vật liệu dùng trong sản xuất; tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành đóng vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng của đất nước chiếm tới 50,98%.

Bên cạnh đó, nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất phụ thuộc vào một số ít thị trường. Đây là rủi ro rất lớn đối với sản xuất trong nước khi các thị trường này xảy ra biến cố. Chẳng hạn, Trung Quốc là thị trường thương mại quốc tế chủ yếu, mỗi năm doanh nghiệp nước ta nhập khẩu tư liệu sản xuất từ Trung Quốc chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu tư liệu sản xuất của nền kinh tế.

Bốn là, cán cân thương mại quốc tế phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, dễ bị tổn thương từ bên ngoài.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực FDI chiếm 74,4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn nền kinh tế, khu vực này xuất siêu 41,9 tỷ USD; khu vực doanh nghiệp trong nước luôn nhập siêu. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 của Việt Nam xuất siêu 11,2 tỷ USD thì khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 30,7 tỷ USD. 

Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển khiến doanh nghiệp trong nước chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, viễn cảnh xuất siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước còn xa.

Năm là, quá trình mua bán, sáp nhập, đầu tư nước ngoài có thể lấy đi quyền kiểm soát sản xuất kinh doanh của doanh nhân Việt, doanh nghiệp Việt bị thôn tính.

Từ năm 2018 đến nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng chuyển dịch rất đáng chú ý với mua bán và sáp nhập ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và có tốc độ tăng nhanh, trong đó vốn từ Trung Quốc và Hồng Kông (TQ) tăng mạnh. Giá trị góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc và Hồng Kông tăng đột biến và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đăng ký của toàn nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.

Quá trình mua bán, sáp nhập và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đưa đến nguy cơ làm giảm, thậm chí làm mất quyền kiểm soát và sở hữu doanh nghiệp trong nước của cộng đồng doanh nhân Việt, đặt doanh nghiệp trong nước trước nguy cơ bị thâu tóm, đẩy con thuyền kinh tế Việt Nam ra xa bến bờ độc lập, tự chủ.

Sáu là, cộng đồng doanh nhân phải đối mặt với nhiều rào cản trong chính sách và thực thi chính sách.

Mặc dù đã có những đột phá về cải cách thể chế, hoàn thiện môi trường pháp lý về đầu tư kinh doanh với nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy vậy hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật vẫn chưa minh bạch, thiếu cụ thể và không ổn định. Môi trường pháp lý thiếu tính ổn định và khả năng tiên liệu dẫn đến rủi ro gia tăng cho các doanh nghiệp. 

Báo cáo tình hình phát triển doanh nhân, doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam do Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phản ánh trong năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được sự thay đổi trong quy định pháp luật của Trung ương lên tới 70,8%, trước đó năm 2021 là 68,8% và năm 2020 là 67,4%. Việc chính quyền địa phương thực thi chính sách, pháp luật của Trung ương cũng đang là vấn đề lớn với nhiều doanh nghiệp.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI cho thấy tỷ lệ dự đoán được của cộng đồng doanh nghiệp đối với việc thực thi pháp luật có chiều hướng suy giảm. Đa số doanh nghiệp không dự đoán được việc thay đổi và thực thi pháp luật của bộ máy quản lý nhà nước. Luật pháp kinh doanh bị hành chính hóa, can thiệp, nhũng nhiễu, trục lợi, gây rào cản, kìm hãm hoạt động của doanh nghiệp.

Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông báo động, đó là lý do ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 280/CĐ-TTg nhằm chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, tăng cường trách nhiệm, đẩy mạnh tinh thần dám nói, dám nghĩ, dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức tại các bộ, cơ quan, địa phương; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn; đồng thời xử lý nghiêm minh những hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng, tiêu cực, nhằm tạo dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nhân.

Xác định rõ nguyên nhân, thực hiện nghiêm các chế tài để bảo vệ đội ngũ doanh nhân

Trong những năm qua, một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hóa kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân. 

Nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ kẽ hở của môi trường pháp lý và cơ chế quản lý chưa đầy đủ, chưa cụ thể, chưa minh bạch, chưa đủ mạnh để ngăn ngừa doanh nhân vi phạm pháp luật. Các biện pháp chế tài chưa nghiêm để răn đe và trừng phạt vi phạm pháp luật của doanh nhân và hành vi nhũng nhiễu, bao che, câu kết của một bộ phận cán bộ suy thoái. 

Báo cáo tình hình phát triển doanh nhân, doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam phản ánh năm 2022 có tới 71,7% doanh nghiệp đồng ý với nhận định "Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến", cao đáng kể so với con số 57,4% của năm 2021. 

Tình trạng nhũng nhiễu diễn ra ở các cấp, vào các thời điểm có thể nhũng nhiễu. Chủ cửa hàng ăn tại một phường thuộc trung tâm thành phố Hà Nội cho biết họ thường xuyên nhận được các cú điện thoại từ cơ quan quản lý ở cơ sở đề nghị hỗ trợ cho các ngày lễ, tết, đi nghỉ mát, sinh nhật. Nếu chủ cửa hàng không biết điều, ngày hôm sau sẽ có chiếc xe của lực lượng chức năng đỗ ngay trước cửa, hết đường kinh doanh. 

Bên cạnh đó, đội ngũ vệ sinh an toàn thực phẩm cũng thường xuyên đến kiểm tra, nhũng nhiễu cửa hàng. Đây là hiện tượng được gắn mác "Tham nhũng vặt" nhưng với số lượng khá lớn cửa hàng kinh doanh trong phường và số lần phải nộp thì số tiền nhũng nhiễu không hề nhỏ.

Trong vụ đại án "Chuyến bay giải cứu" vừa qua, nhiều doanh nhân vướng vòng lao lý vì một bộ phận cán bộ thuộc các cơ quan Trung ương đã đẩy họ vào tình cảnh phải sai phạm. Nếu không có sự đồng ý, bắt tay trục lợi của một bộ phận cán bộ có chức quyền chắc chắn các doanh nhân nắm giữ các tập đoàn không dám tự tung tự tác lừa gạt Nhân dân, vướng vào vòng lao lý. 

Các vụ đại án vừa qua cho thấy hành vi phạm pháp không chỉ do các doanh nhân. Đây là lý do vừa qua Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước thông qua các vụ án tham nhũng lớn nghiêm trọng tại Công ty cổ phần tiến bộ Quốc tế; Vụ án "Chuyến bay giải cứu" Vụ án Việt Á; các vụ án liên quan tập đoàn Vạn Thịnh phát,… đánh giá rõ hơn về nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, qua đó các cơ quan quản lý rút ra các bài học kinh nghiệm để chấn chỉnh, ngăn chặn việc tương tự trong thời gian tới.

Doanh nhân ở bất kỳ đâu đều lợi dụng các kẽ hở của pháp luật kinh doanh để hưởng lợi. Trong những năm vừa qua, khu vực FDI đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật đầu tư và kinh doanh để chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước. 

Theo thống kê, thời gian qua cả nước có khoảng 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều doanh nghiệp kê khai thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Vì vậy, việc thường xuyên sửa đổi, hoàn thiện môi trường pháp lý về đầu tư kinh doanh và thực thi nghiêm minh các chế tài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giữ đạo đức kinh doanh, ngăn ngừa doanh nhân vướng vào vòng lao lý, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, nâng đỡ doanh nghiệp phát triển.

Cần làm gì để đội ngũ doanh nhân trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế nhanh, bền vững, độc lập, tự chủ, đảm bảo quốc phòng, an ninh

Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới với nhiều nội dung quan trọng, rất cần thiết để xây dựng đội ngũ doanh nhân phát triển lớn mạnh.

Nghị quyết đã xác định doanh nhân là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, bảo đảm quốc phòng an ninh.

Nghị quyết đưa ra bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thực hiện thành công mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể và tầm nhìn đến năm 2045 về phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Bảy nhóm giải pháp đề cập đầy đủ, toàn diện, cụ thể các nội dung cần triển khai thực hiện đồng bộ trong thời gian tới. 

Với những rào cản hiện nay về thể chế; với sự xuống cấp về đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ trong bộ máy nhà nước và đạo đức kinh doanh của một bộ phận doanh nhân là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. 

Vì vậy, nhóm giải pháp then chốt cần khẩn trương và ưu tiên thực hiện để xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng mạnh, trở thành lực lượng nòng cốt, trụ đỡ cho nền kinh tế đó là cần khẩn trương, ưu tiên triển khai thực hiện nhóm giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân cống hiến và phát triển. 

Việc hoàn thiện môi trường pháp lý theo quan điểm chuyển từ quản lý nhà nước sang quản trị quốc gia đối với doanh nghiệp, với phương thức quản lý bằng thể chế, cơ chế, quy trình, trên cơ sở tương tác, phối hợp dân chủ giữa Nhà nước với doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực quốc gia.

Cùng với việc hoàn thiện và đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách, Chính phủ cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung và thực thi nghiêm các chế tài để cảnh báo, ngăn ngừa, trừng phạt mọi hành vi gây nên rào cản hành chính, nhũng nhiễu, trục lợi và tham nhũng của một bộ phận cán bộ các cấp trong hệ thống quản lý nhà nước. 

Đồng thời khẩn trương bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, tạo niềm tin, sự yên tâm cho đội ngũ doanh nhân, góp phần công khai minh bạch và lành mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh.

Trong thế giới biến động, khó lường; không chắc chắn; trật tự kinh tế toàn cầu lỏng lẻo; kinh tế nước ta có độ mở lớn, mọi biến động của kinh tế thế giới đều tác động rất mạnh tới kinh tế trong nước. 

Để giữ vững ổn định vĩ mô trước các tác động từ bên ngoài, cùng với cải cách và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhóm giải pháp quan trọng đó là sự chủ động của Chính phủ trong dự báo các biến cố, xu hướng thay đổi của kinh tế thế giới; nhận diện, đánh giá tác động của những cơ hội và thách thức đến từ các thay đổi này đối với kinh tế nước ta; xác định những yếu tố ngoại sinh tạo ra sự đổi mới, từ đó chủ động đưa ra các giải pháp tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức giữ vững ổn định vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, phát triển sản xuất.

Thực hiện vai trò nhà nước kiến tạo trong bối cảnh đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ mới, Chính phủ cần tìm kiếm, hướng dẫn đội ngũ doanh nhân mở rộng không gian phát triển; tìm kiếm và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào những ngành, lĩnh vực mới của kinh tế thế giới để doanh nghiệp nhanh chóng hoà vào dòng chảy mới của kinh tế toàn cầu, không bị chậm và bỏ lại phía sau. 

Cùng với đó, Chính phủ cần thực thi các chính sách tài khóa và tiền tệ để ưu đãi, hỗ trợ vốn, công nghệ và lao động có kỹ năng, tay nghề phù hợp cho các doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh trong những ngành và lĩnh vực mới.

Đất nước đặt trọn niềm tin vào đội ngũ doanh nhân với sứ mệnh là lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Để thực hiện thành công sứ mệnh cao cả này, đội ngũ doanh nhân phải trau dồi để có trí tuệ, bản lĩnh; tư duy độc đáo, khác biệt; tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên. Coi trọng phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo, lấy ứng dụng khoa học công nghệ làm nền tảng, sức mạnh để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nhân cần tổng kết quá khứ, dựa vào hiện tại thị trường, nắm bắt xu hướng thay đổi khoa học công nghệ và tiêu dùng của khách hàng để dự báo tương lai. Từ đó hoạch định nguồn lực; chuẩn bị, bồi đắp các điều kiện cần và đủ để doanh nghiệp tự tin, không bị động trước những thay đổi của thị trường. 

Đồng thời, cộng đồng doanh nhân cần chủ động trau dồi thêm kiến thức pháp luật kinh doanh, nâng cao trình độ, kinh nghiệm, tính chuyên nghiệp trong quản lý; từng bước xây dựng văn hóa liêm chính, đạo đức kinh doanh, tạo thêm sự liên kết phát triển giữa các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong thế giới biến động, khó lường, biến đổi không ngừng, các doanh nhân và doanh nghiệp đã thành công, tạo dựng được vị thế và danh tiếng trên thị trường không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế mà cần bình tâm suy nghĩ về sự thành công của doanh nghiệp trên các lĩnh vực gì; sắp tới thế giới có những biến động gì; thị trường sẽ thay đổi và phát triển theo xu hướng nào khi chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo được ứng dụng mạnh mẽ trong sản xuất và đời sống; đối thủ cạnh tranh và khách hàng sẽ phản ứng ra sao? Để doanh nhân vững tâm, sáng suốt suy nghĩ, quyết định đổi mới trong tương lai. Nếu không đổi mới thì vị thế và danh tiếng của doanh nghiệp chỉ là quá khứ.

Với quan điểm chỉ đạo mang tầm chiến lược của Đảng: các nhiệm vụ, giải pháp toàn diện, đồng bộ; chỉ đạo tổ chức thực hiện cụ thể, rõ ràng và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, chúng ta tin tưởng Nghị quyết số 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới sẽ được khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ phát triển với quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế, góp phần quan trọng trong hiện thực hóa khát vọng "Việt Nam hùng cường" vào năm 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam./.