Liên quan đến vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến ô tô va chạm xe máy làm chết 3 người ở TP. Bắc Giang tối 2/6, tài xế ô tô được xác định là Nguyễn Đức Thịnh (SN 1987, là cán bộ Ban quản lý bảo trì đường bộ, thuộc Sở Giao thông vận tải Bắc Giang,).
Qua kiểm tra, công an xác định Nguyễn Đức Thịnh có nồng độ cồn 0,604mg/lít khí thở. Trước hậu quả nghiêm trọng của vụ tai nạn, nhiều người đặt câu hỏi về hình phạt mà vị cán bộ Sở GTVT có thể phải đối diện.
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ – Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính pháp) cho rằng tài xế Nguyễn Đức Thịnh sẽ phải đối diện với hình phạt nghiêm khắc.
Luật sư Cường đánh giá, đây là vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ yếu tố lỗi của người điều khiển xe ô tô để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
“Cơ quan điều tra sẽ phong tỏa hiện trường, vẽ sơ đồ hiện trường, thu thập các dấu vết và tiến hành giám định để xác định tốc độ của chiếc xe, xác định vị trí và chạm và khả năng kiểm soát tốc độ và mức độ quan sát của người lái xe này.
Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy người điều khiển chiếc xe ô tô đã thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến vụ TNGT xảy ra khiến 3 người chết thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ Luật Hình sự và khởi tố bị can đối với người điều khiển phương tiện này để xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường chỉ rõ.
Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải làm chủ tốc độ, chú ý quan sát, khi đi đến những ngã ba, ngã tư giao cắt thì phải giảm tốc độ và chú ý quan sát để tránh va chạm với các phương tiện khác.
Sáng 3/6, Công an thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang thực hiện tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với tài xế Nguyễn Quốc Thịnh (sinh năm 1987, trú tại phường Ngô Quyền, thành phố Bắc Giang) để điều tra làm rõ vụ tai nạn giao thông khiến 3 người chết.
Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ đi quá tốc độ, vượt đèn đỏ, thiếu chú ý quan sát khi qua những điểm giao nhau gây TNGT thì đây là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nếu hậu quả nghiêm trọng thì người điều khiển phương tiện trong tình huống này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đặc biệt, hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông gây TNGT sẽ là tình tiết để tăng nặng tính chất của sự việc cũng như có thể xác định là tình tiết định khung hình phạt.
“Người điều khiển phương tiện là người hiểu biết pháp luật, là cán bộ thì lại phải càng gương mẫu chấp hành, nếu có hành vi vi phạm thì đây cũng là yếu tố để xem xét nhân thân, tính chất của sự việc, người vi phạm sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội”, luật sư Cường phân tích.
Theo clip cắt từ camera giám sát ở ngã tư đường thì vị trí tai nạn là ở giữa ngã tư. Tốc độ của chiếc xe ô tô màu trắng là rất cao, tông trực diện vào xe máy khiến cả 3 người bị hất văng lên cao rồi rơi xuống...
Trong khi đó, chiếc xe máy di chuyển khá chậm sau khi dừng chờ đèn tín hiệu ở ngã tư. Có lẽ chủ quan do trời tối, đường vắng và trong người có hơi men nên người điều khiển chiếc xe này đã không làm chủ được tốc độ của mình và thiếu chú ý quan sát. Bởi vậy, rất có thể người điều khiển chiếc xe ô tô này đã vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ là thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến vụ tai nạn xảy ra.
Trường hợp người lái xe ô tô có lỗi và hậu quả khiến 03 người chết thì người điều khiển phương tiện giao thông trong tình huống này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Cụ thể tội danh và hình phạt được bộ luật hình sự quy định như sau:
Điều 260, Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo quy định của pháp luật thì người vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây ra tai nạn giao thông khiến 03 người chết trở lên thì hình phạt sẽ ở khoản 3 điều 260 BLHS là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
Đây là một vụ tai nạn thảm khốc và rất đau đớn khi nạn nhân đều là người trong một gia đình. Một điều cũng đáng chú ý là người gây tai nạn lại là cán bộ, công tác trong lĩnh vực giao thông, nhưng lại vi phạm về nồng độ cồn và đi xe với tốc độ cao qua ngã tư khiến vụ tai nạn xảy ra.
Ngoài việc có thể phải chịu mức hình phạt đến mười lăm năm năm tù nếu bị khởi tố thì người điều khiển phương tiện trong tình huống này sẽ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho gia đình nạn nhân bao gồm chi phí cứu chữa trước khi chết, tiền chi phí mai táng, tiền tổn thất về tinh thần đối với thân nhân của nạn nhân...Thiệt hại trong vụ án này là quá lớn, dù người gây ra sự việc có bồi thường thì cũng chỉ bù đắp được phần nào thiệt hại đối với gia đình nạn nhân.
Vụ việc một lần nữa cho thấy tai nạn giao thông do rượu bia gây ra là rất thảm khốc, bởi vậy việc tăng cường kiểm soát sử dụng tiêu thụ rượu bia cũng như xử lý vi phạm giao thông là cần thiết để giảm thiểu những vụ tai nạn tương tự có thể xảy ra.