Theo đó, học sinh đã được thông tin nâng cao cảnh giác đối với phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm, về các loại ma túy hiện nay; những âm mưu thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy; những nguyên nhân chủ yếu của người nghiện ma túy; đi sâu tìm hiểu về những tác hại do ma túy gây ra đối với bản thân người nghiện, với gia đình và cả xã hội. Đặc biệt ma túy làm băng hoại đạo đức, ảnh hưởng to lớn đến thuần phong mỹ tục, giống nòi, ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của người nghiện; ma túy là nguyên nhân sâu xa của các loại tội phạm.
Thiếu tá Hoàng Văn Bộ - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm về ma túy Công an thành phố Đà Lạt, cho biết: “Thực tế đối với các em học sinh là lứa tuổi đang phát triển thường có sự tò mò, hiếu kỳ khi các em nghe đến các loại ma túy. Từ đó các đối tượng thường lợi dung xâm nhập ma túy vào học đường. Để trang bị cho các em thì chúng tôi phải ngăn ngừa, tuyên truyền cho sâu rộng giúp các em học sinh biết được ma túy là cái gì, tác hại của ma túy đối với con người như thế nào, đối với gia đình và xã hội như thế nào. Từ đó, để làm công tác phòng ngừa xã hội và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn”.
Tham gia buổi tuyên truyền, học sinh bậc THCS và bậc THPT còn được thông tin hiện nay tình trạng bạo lực học đường hiện nay có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Vấn nạn bạo lực học đường đã gây nhức nhối lớn đối với ngành giáo dục và toàn xã hội. Bạo lực học đường hiện nay đang trở thành điểm nóng đáng được quan tâm của nhiều phụ huynh, thầy cô và nhà trường, là nỗi trăn trở của toàn xã hội vì những hậu quả gây ra. Bạo lực học đường là những hành vi thô bạo, ngang ngược, bất chấp công lý, đạo lý, xúc phạm trấn áp người khác gây nên những tổn thương về tinh thần và thể xác diễn ra trong phạm vi trường học.
Những nguyên nhân gây ra bạo lực học đường, chủ yếu là mâu thuẫn cá nhân giữa học sinh với học sinh; học sinh với thầy, cô giáo và ngược lại. Do vậy, phải có cách phòng, tránh bạo lực học đường, trong đó đối với học sinh: tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo; chấp hành tốt nội quy trường lớp. Đối với giáo viên thường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình của các em học sinh trong lớp mình chủ nhiệm hoặc tham gia giảng dạy đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm và giáo viên tham gia dạy kỹ năng sống…
Cùng với đó, học sinh cũng được tuyên truyền về các quy định đảm bảo trật tự ATGT đường bộ, như: đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, tuân thủ tốc độ, phần đường, làn đường theo quy định; học sinh không trực tiếp điều khiển xe moto, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi theo quy định; thông tin về một số vụ tai nạn thông cụ thể, điển hình xảy trên địa bàn TP Đà Lạt trong thời gian gần đây do học sinh là người trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm các quy định đảm bảo ATGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Thiếu tá Bùi Thị Hà - Cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự công an thành phố Đà Lạt, nói: “Tình hình hiện nay đối với các em học sinh tham gia giao thông tăng nhanh. Qua đó thì Đội CSGT - trật tự công an TP Đà Lạt cũng đã có nhiều biện pháp tăng cường xử lý vi phạm đối với học sinh; đồng thời phối kết hợp với các nhà trường và các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức đảm bảo ATGT cho các em, nhất là những kiến thức cơ bản khi các em tham gia giao thông. Qua đó, mong rằng các em cùng nhà trường, gia đình cũng ý thức chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đảm bảo ATGT, để giúp các em mỗi ngày đến trường được bình an, vui vẻ và hoàn thành tốt việc học của mình”.
Qua các buổi tuyên truyền pháp luật cũng đã giúp học sinh các trường bậc THCS và bậc THPT trên địa bàn TP Đà Lạt có thêm kiến thức, kỹ năng và nói không với tội phạm, vi phạm pháp luật, ma túy và bạo lực học đường để có tương lai tươi sáng hơn; Đồng thời, tích cực tham gia thực hiện các quy định đảm bảo TTATGT, góp phần bảo vệ sự an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh; đặc biệt giúp các em có được mỗi ngày đến trường là một ngày vui và an toàn.
Em Nguyễn Ngọc Kim Khánh - Học sinh lớp 6 A1, trường THCS và THPT Chi Lăng, TP Đà Lạt, bày tỏ: “Qua buổi tuyên truyền ngày hôm nay bản thân em đã có được những kiến thức rất là bổ ích để giúp em cùng các bạn trong trường và gia đình cùng mọi người xung quanh phòng tránh tệ nạn xã hội, ma túy, bạo lực học đường và đảm bảo ATGT. Ví dụ như phòng tránh tai nạn giao thông thì chúng ta phải đội mũ bảo hiểm, đi đúng làn đường, không tự đi mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, tuân theo pháp luật, tránh trường hợp tự đi xe gây ra tai nạn; không sử dụng ma túy, không tỏ vẻ với các bạn để tạo môi trường học tập được vui tươi và không bị ảnh hưởng bởi những tác động đó”.
Em Đăng Đào Bảo Ngọc- Học sinh lớp 8 A 5, Trường THCS và THPT Chi Lăng, TP Đà Lạt, thì chia sẻ: “Thông qua buổi tuyên truyền em đã học được rấ nhiều kiến thức bổ ích về phóng chống tệ nạn xã hội, sự nguy hiểm do ma túy đem đấy gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Và em cũng nhận thức được những ảnh hưởng của bạo lực học đường trong trường học và cần có cách ứng xử đúng mực với bạn bè. Từ đó mối quan hệ của học sinh chúng em được trở nên thân thiết và nói không với bạo lực học đường. Bản thân em và các bạn cũng chấp hành tốt nội quy về ATGT khi tham gia giao thông và không sử dụng xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi”.
Xác định được ý nghĩa quan trọng của việc giúp học sinh nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, nênchương trình tuyên truyền công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, HIV/AIDS, ma túy, đảm bảo an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường đang được các trường học bậc THCS và bậc THPT trên địa bàn TP Đà Lạt tiếp tục tích cực phối hợp với Công an TP Đà Lạt cùng Công an các phường, xã tổ chức nhằm thu hút được sự tham gia đông đảo học sinh và góp phần giúp các em được giáo dục kiến thức, nhân cách và kỹ năng toàn diện hơn nữa./.