Bộ GD&ĐT đề xuất tăng học phí đại học như thế nào?

Đinh Thảo
Bộ GD&ĐT vừa có tờ trình gửi Chính phủ đề xuất về việc cho phép tăng học phí bậc đại học, giữ nguyên học phí bậc phổ thông.
de-xuat-1695088973.png
Bộ GD&ĐT đề xuất điều chỉnh tăng học phí đại học (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã có Tờ trình số 1418/TTr-BGDĐT gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81.

Trong tờ trình về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định cơ chế thu, quản lý học phí các trường đại học và địa phương cả nước, Bộ GD&ĐT nêu khó khăn, nếu học phí năm học 2023-2024 thực hiện theo Nghị định 81, mức trần sẽ tăng cao, trở thành gánh nặng rất lớn với xã hội.

Trong các năm 2021, 2022, 2023, Chính phủ đã yêu cầu các trường đại học, các địa phương không tăng học phí so với năm 2020 nhằm hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng nặng nề trong và sau dịch COVID-19. Do vậy, lộ trình học phí theo Nghị định 81 kể từ khi ban hành năm 2021 đến nay chưa được áp dụng, mức thu học phí đã giữ nguyên trong 3 năm học vừa qua.

Tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ GD&ĐT lấy ý kiến của các địa phương, các trường đại học, chuyên gia về việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 81 cho phù hợp tình hình thực tế.

Đa số các ý kiến đều cho rằng, học phí năm học 2023-2024 cần phải được điều chỉnh tăng để bảo đảm nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm.

Đặc biệt, với các trường đại học công lập, nguồn thu từ học phí chiếm tỷ trọng chủ yếu (trên 80% tổng nguồn thu của trường), khả năng khai thác từ các nguồn thu khác còn hạn chế. Nhiều trường đại học đề nghị phải tăng học phí để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất mức trần học phí với đại học công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên là 1,2 - 2,45 triệu đồng/tháng.

Với những trường đã tự chủ (tự chi lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất...) được thu tối đa khoảng 2,4 đến 6,15 triệu đồng/tháng. Mức đề xuất này tuy tăng so với hiện hành nhưng thấp hơn mức quy định ban đầu trong Nghị định 81.

Bộ GD&ĐT giữ nguyên các quy định về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí với học sinh, sinh viên diện chính sách, nhằm đảm bảo công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục.

Đối với học phí phổ thông, mức trần học phí với các trường chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 dao động từ 30.000 - 650.000 đồng/tháng tùy cấp học và khu vực. Mức này đã được nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, TP.HCM, áp dụng từ năm học vừa qua. Với cơ sở giáo dục đã tự chủ, mức trần tối đa gấp 2-2,5 lần mức trên.

Theo như tờ trình, lộ trình học phí sẽ lùi 1 năm so với lộ trình học phí tại nghị định 81.

Bộ GD&ĐT cũng nêu rõ từ năm học 2024-2025, khung và mức học phí được điều chỉnh phù hợp theo điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng không quá 7,5%/năm.

Phương Thảo - TH