Bộ được lập thanh tra tổng cục, tỉnh được lập thanh tra sở

Việc thành lập thanh tra tổng cục, cục, sở không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế.

Sáng 14/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi) với hơn 92% đại biểu tán thành. Luật Thanh tra (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023.

Ba trường hợp được thành lập thanh tra tổng cục, cục

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Thanh tra (sửa đổi) là được thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.

Theo quy định của luật hiện hành, các tổng cục, cục thuộc bộ không thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu quản lý, Luật Thanh tra cho phép Chính phủ xem xét giao một số cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

nlntv-p3-bai-luatthanhtra-14112022-1115-1668469616.jpg
Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua luật sáng 14/11. Ảnh: QH

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tổng kết thi hành luật cho thấy ở một số nơi, tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành như trên đã bộc lộ bất cập, hạn chế.

Không thành lập cơ quan thanh tra tại các cục ở địa phương
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trên cơ sở ý kiến của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định thành lập cơ quan thanh tra tại các cục thuộc tổng cục được tổ chức theo ngành dọc ở địa phương. Việc này nhằm tránh xáo trộn lớn về tổ chức bộ máy, biên chế, tăng chi phí, ảnh hưởng đến hoạt động.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý, Chính phủ xem xét, giao các cơ quan này thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành tương tự với trường hợp các cơ quan cấp tổng cục, cục thuộc bộ không đáp ứng điều kiện thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tiếp tục kế thừa quy định của luật hiện hành để chỉnh lý dự thảo luật về các quy định liên quan đến cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Cạnh đó, một số luật được ban hành sau Luật Thanh tra năm 2010 đã quy định thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ.

Vì vậy, trong dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chính phủ đã đề nghị thành lập thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ để có cơ sở sắp xếp, kiện toàn một bước tổ chức bộ máy làm công tác thanh tra chuyên ngành theo hướng tăng cường tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.

Theo Điều 18, thanh tra tổng cục, cục được thành lập trong ba trường hợp: Theo quy định của luật; theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Việt Nam là thành viên; tại tổng cục, cục thuộc bộ có phạm vi đối tượng quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội theo quy định của Chính phủ.

Việc thành lập thanh tra tổng cục, cục không được làm tăng số lượng đầu mối đơn vị trực thuộc và biên chế của tổng cục, cục thuộc bộ.
“Theo các tiêu chí và quy định này thì không phải tổng cục, cục nào ở trung ương cũng có cơ quan thanh tra chuyên ngành” - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Mặt khác, những nơi đã được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nhưng không đáp ứng đủ điều kiện hoặc chưa được Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành thì tiếp tục tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo quy định của Chính phủ.

Ngoài ra, Luật Thanh tra (sửa đổi) cũng quy định Chính phủ xem xét, quyết định việc thành lập cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ khi đáp ứng đủ hai điều kiện: được giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước; được luật giao nhiệm vụ thanh tra.
UBND tỉnh được quyết định thành lập thanh tra sở

Một điểm mới đáng chú ý khác, đạo luật vừa được Quốc hội thông qua đã giao quyền chủ động cho UBND tỉnh trong việc thành lập thanh tra sở (trừ một số trường hợp đặc thù).

“Quy định như vậy bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong thực hiện quản lý nhà nước trên địa bàn” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.

Theo Điều 26, thanh tra sở được thành lập trong ba trường hợp: Theo quy định của luật; tại sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ; tại sở do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý nhà nước tại địa phương và biên chế được giao.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết quy định này nhằm đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của thanh tra sở. Thực tế hiện nay, mỗi tỉnh, TP trực thuộc trung ương hiện có từ 15 đến 19 tổ chức thanh tra sở nhưng biên chế rất ít, nhiều tỉnh chỉ có khoảng trên dưới 50 người, cá biệt có tỉnh chỉ có 25 biên chế.

“Do biên chế mỏng, cơ quan thanh tra được thành lập dàn trải ở nhiều sở, nhu cầu về thanh tra giữa các sở không đồng đều nên một số thanh tra sở chỉ được bố trí từ một đến hai biên chế” - ông Tùng nêu lý do khiến thanh tra sở thường bị đánh giá là “hoạt động nặng về hình thức” và “hiệu quả thấp”.

Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được thông qua cũng quy định tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thanh tra tỉnh được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra.