Bộ Công Thương lập 3 tổ kiểm tra, giám sát kinh doanh xăng dầu

Bộ Công thương vừa có quyết định thành lập 3 tổ công tác chỉ đạo kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên cả nước.

Tổ công tác số 1 do ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương làm tổ trưởng, có nhiệm vụ đôn đốc, chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu của Tổng cục Quản lý thị trường, các Cục Quản lý thị trường, sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị liên quan tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Tổ cũng tiếp nhận thông tin, phản ánh và chỉ đạo kịp thời hoạt động kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các địa bàn nêu trên.

bo-cong-thuong-lap-3-to-kiem-tra-giam-sat-kinh-doanh-xang-dau-1662030116.jpg
Bộ Công Thương thành lập 3 tổ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên cả nước. (Ảnh minh họa)

Tương tự, Tổ công tác số 2 do ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương làm tổ trưởng sẽ phụ trách chỉ đạo kiểm tra, giám sát tại các tỉnh miền Trung (từ Quảng Bình trở vào) và các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa.

Tổ công tác số 3 do ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương làm tổ trưởng phụ trách chỉ đạo kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam và các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Thời gian thực hiện nhiệm vụ của 3 tổ công tác trên đều kết thúc vào ngày 31/12/2022.

Trước đó, đó, ngày 30/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo thành lập 3 đoàn công tác để kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu ở 3 miền Bắc - Trung - Nam.

Đoàn công tác có nhiệm vụ kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu, bao gồm cả thương nhân, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu… 

Ông Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo, trong quá trình kiểm tra, các đoàn công tác không được gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp hoạt động bình thường, chấp hành đúng pháp luật, chỉ tập trung vào những đơn vị làm không đúng, có dấu hiệu vi phạm, thoái thác nhiệm vụ, nghĩa vụ cung ứng xăng dầu.

Hoạt động của các đoàn công tác không chỉ thể hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu mà còn thông qua việc thực hiện giám sát để “truy” gốc rễ vấn đề, từ có có những giải pháp tháo gỡ phù hợp, kịp thời.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng giao cho Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các địa phương phối hợp với các đoàn công tác, xử lý nghiêm sai phạm.

"Hiện chúng ta khẳng định là không thiếu nguồn thì tại sao lại không có nguồn, đến cửa hàng thì phải đi vào tận nơi để làm cho rõ", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trên diễn đàn về xăng dầu, nhiều cửa hàng, đại lý cho rằng, mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 0 đồng khiến doanh nghiệp bán lẻ rơi vào thua lỗ. Không những thế, nguồn hàng lại khó nhập, khiến nhiều đại lý xăng dầu khó chồng khó.

Thêm nữa, quy định đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy hàng của một nhà phân phối khiến các đại lý xăng dầu tư nhân bị động về nguồn cung. Do đó, doanh nghiệp bán lẻ cho rằng cơ quan quản lý cần cho phép đại lý bán lẻ được mở rộng quyền mua từ 2 nhà cung cấp trở lên, giúp đa dạng nguồn hàng, kho đầu mối này đứt nguồn thì họ có thể nhập từ kho đầu mối khác, tránh tình trạnh đứt nguồn buộc đóng cửa…

Trước thực trạng này, nhiều cửa hàng, đại lý kinh doanh bán lẻ xăng dầu "dọa" sẽ nghỉ bán hoặc bán cầm chừng để tránh rơi vào cảnh thua lỗ nặng.