Bộ Công an: Phát hiện, xử lý 12 vụ, 85 đối tượng sinh hoạt 'Hội thánh đức chúa trời mẹ'

Đinh Thảo
Bộ Công an khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo khi tiếp nhận các thông tin về hội thánh này, tránh bị lợi dụng, gây ra nhiều hệ luỵ cho bản thân, gia đình và xã hội.
bo-cong-an-1688113820.jpg
Họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm 2023 - Ảnh: VGP/PL

Ngày 30/6, tại Hà Nội, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã chủ trì Họp báo thông báo tình hình, kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm 2023.

Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, cuộc họp báo nhằm thông báo kết quả công tác Công an 6 tháng đầu năm 2023, nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII.

Trước đó có 2 sự kiện đáng quan tâm của ngành Công an là ngày 15/6, Đảng uỷ Công an Trung ương tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác, với sự tham dự của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư đã khẳng định, lực lượng CAND cơ bản hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, khẳng định được vai trò, vị thế, uy tín của mình, thực hiện đúng lời chúc của đồng chí là "năm sau tốt hơn năm trước". Sự kiện thứ 2 là Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra tại TP. Đà Nẵng ngày 26/6/2023.

Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2023 và nửa nhiệm kỳ qua, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an ghi dấu ấn, gương mẫu đi đầu trong việc quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tham mưu Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 12; gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách về bảo đảm trật tự an toàn xã hội; gương mẫu đi đầu trong chuyển đổi số quốc gia, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là Đề án 06; gương mẫu đi đầu trong hội nhập quốc tế và đối ngoại CAND.

Bộ Công an tham gia giữ gìn hoà bình không chỉ trong nước, khu vực mà cả những vấn đề mang tính chất quốc tế, nổi bật là phối hợp Lào, Campuchia đấu tranh phòng chống tội phạm ma tuý...

Thông tin về nhóm 'Năng lượng gốc Trống Đồng'

Trả lời câu hỏi của báo chí về nhóm đối tượng hoạt động năng lượng gốc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa cho biết, trước đây, Bộ Công an đã nắm được thông tin về tình hình, hoạt động của nhóm Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam do ông Lê Văn Phúc lập ra tại Mỹ. Theo ông Phúc, ông ta là người được lựa chọn kết nối nguồn năng lượng gốc ngoài vũ trụ, đưa các nguồn năng lượng gốc ngoài không gian vào cơ thể, nâng cấp tầng suất hoạt động của não bộ, kích hoạt các tế bào gốc, giúp thể chất và tinh thần hoàn thiện...

Quá trình tuyên truyền về năng lượng gốc, ông Phúc đề cập nhiều nội dung liên quan tâm linh, tín ngưỡng, quan niệm thế giới vô hình song hành với cuộc sống của mỗi con người... Tại Việt Nam, ông Lê Văn Phúc mở rộng hoạt động nhóm này, bên cạnh việc học tập, tuyên truyền, năng lượng gốc có thể chữa bách bệnh.

Ông Phúc cũng lợi dụng giáo lý của một số tôn giáo để tuyên truyền luận điệu mang màu sắc mê tín dị đoan, lôi kéo số lượng lớn người Việt Nam tham gia.

Trước thông tin về hoạt động của nhóm Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp Công an các địa phương xác minh, xử lý hành chính một số đối tượng có hoạt động lôi kéo, tập trung sinh hoạt trái phép.

Bộ Công an cũng phối hợp, trao đổi các bộ, ngành tuyên truyền, vận động người dân không tin theo các hoạt động mê tín dị đoan; chỉ đạo Công an các các đơn vị, địa phương rà soát các thông tin liên quan hoạt động này để tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân tuân thủ pháp luật, không gây ra những hành vi phức tạp về an ninh trật tự.

"Đối với thông tin nhóm Năng lượng gốc Trống Đồng Việt Nam có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bộ Công an đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương xác minh thông tin, nếu có căn cứ xác định hành vi vi phạm pháp luật sẽ tiến hành điều tra, xử lý theo quy định", Đại tá Đinh Việt Dũng nhấn mạnh.

bo-cong-an-2-1688113820.jpg
Đại tá Đinh Việt Dũng trả lời tại họp báo - Ảnh: VGP/PL

Phát hiện, xử lý các đối tượng sinh hoạt 'Hội thánh đức chúa trời mẹ'

Liên quan đến hoạt động của "Hội thánh đức chúa trời mẹ", Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa cho hay, Bộ Công an cho hay đã nhiều lần cảnh báo về phương thức hoạt động cũng như hệ luỵ mang lại.

"Đây là giáo phái chưa được công nhận tổ chức tại Việt Nam, giáo lý hoạt động mang tính tà đạo, mê tín dị đoan, lợi dụng giáo lý để trục lợi cá nhân, trái với văn hoá truyền thống và thuần phong mỹ tục của Việt Nam", Đại tá Đinh Việt Dũng cho biết.

Do bị đấu tranh mạnh nên hoạt động của "hội thánh" tại Việt Nam đã được kiềm chế, nhiều người đã tự nguyện bỏ sinh hoạt đạo.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số địa phương, hoạt động của "Hội thánh đức chúa trời mẹ" có dấu hiệu phục hồi trở lại; các đối tượng cầm đầu, cốt cán của hội thánh đã có sự điều chỉnh về phương thức, thủ đoạn để đối phó công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý của cơ quan chức năng.

"6 tháng đầu năm 2023, lực lượng đã phát hiện, xử lý 12 vụ, 85 đối tượng hoạt động, sinh hoạt theo "Hội thánh đức chúa trời mẹ", gây mất ANTT" - Đại tá Đinh Việt Dũng thông tin.

Trước tình hình đó, Bộ Công an cũng đã trao đổi, đề nghị Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ có văn bản thông báo đến "Hội thánh đức chúa trời mẹ" không được phép hoạt động tại Việt Nam vì có hoạt động trái với văn hoá, truyền thống của Việt Nam, vi phạm pháp luật Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền, lôi kéo sinh hoạt của "Hội thánh đức chúa trời mẹ"; tiến hành xác minh đơn tố cáo của công dân, vận động để công dân từ bỏ không tham gia tổ chức; kiểm tra, giải tán, xử lý các địa điểm thuê, mượn mở văn phòng, công ty để kinh doanh nhưng thực chất làm nơi bình phong cho tổ chức này hoạt động.

Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa lưu ý thêm: "Bộ Công an khuyến cáo người dân cần hết sức tỉnh táo khi tiếp nhận các thông tin về hội thánh này, tránh bị lợi dụng, gây ra nhiều hệ luỵ cho bản thân, gia đình và xã hội".

Điều tra việc giá sách giáo khoa 'cao hơn khả năng của người lao động'

Bộ Công an cho biết lực lượng chức năng đang điều tra giá sách giáo khoa hiện nay theo dư luận là cao hơn với khả năng chi trả của người lao động.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành - phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an), vấn đề giá sách giáo khoa, sách giáo khoa giả nhiều năm qua gây bức xúc, nhiều ý kiến trái chiều trong xã hội. Trước vấn đề này, Bộ Công an đã giao C03 vào cuộc điều tra.

Sau khi vào cuộc điều tra, C03 đã chủ động đấu tranh sai phạm trong sách giáo khoa lậu, giá sách, lợi ích nhóm liên quan đến phát hành sách.

Đến tháng 2/2023, C03 đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

"Sau khi khởi tố, chúng tôi nhận được kết luận của thanh tra. Chúng tôi cũng khởi tố sai phạm liên quan đến khâu giá thành. Còn việc phát hành các bộ sách, trong đó có tài liệu tham khảo cũng đang được mở rộng điều tra.

Chúng tôi tập trung làm rõ vấn đề giá thành sách giáo khoa hiện nay theo dư luận là cao hơn với khả năng chi trả của người lao động", Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành nêu rõ.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết quả thanh tra về sách giáo khoa. Theo đó, từ năm 2014 đến hết tháng 8/2019, 73/193 cuốn sách giáo khoa học sinh có thể viết vào sách đã được in, phát hành và bán hơn 303 triệu bản.

Trường hợp 65% giá sách giáo khoa có các trang học sinh có thể viết vào không dùng lại được, gây lãng phí cho gia đình học sinh và xã hội số tiền tạm tính là hơn 2.374 tỉ đồng.