Bình Định: Tỉ lệ thất nghiệp giảm, nhiều hộ gia đình ở nông thôn đã thoát khỏi hộ nghèo

Đinh Thảo
Ngày 29/12, Cục Thống kê tỉnh Bình Định họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2022.
anh-hop-bao-19-12-2022-1672388983.jpg
Buổi họp báo (Ảnh: Cục thống kê Bình Định)

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ, Cục trưởng Cục Thống kê Bình Định, năm 2022 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của kinh tế tỉnh Bình Định với tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, GRDP ước đạt 106.349 tỷ đồng, tăng 8,57% (kế hoạch tăng 6,0 - 6,5%). Tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Bình Định năm 2022 ước hơn 16.551 tỷ đồng, vượt 35,6% dự toán năm và tăng 13,7% so với cùng kỳ.

Dân số trung bình tỉnh Bình Định năm 2022 ước tính 1.504,3 nghìn người; trong đó, nam có 747,9 nghìn người, chiếm 49,7%, nữ có 756,4 nghìn người, chiếm 50,3% trong tổng số dân. Quy mô dân số thành thị của tỉnh có 619,6 nghìn người, chiếm 41,2% quy mô dân số nông thôn có 884,6 nghìn người, chiếm 58,8%.

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các khu vực kinh tế năm 2022 ước đạt 832,2 nghìn người, tăng 2,2% so với năm trước. Lao động làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 30,4% trên tổng số lao động đang làm việc; lao động làm việc trong nhóm ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 30,2%; lao động làm việc trong nhóm ngành dịch vụ chiếm 39,4%

Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp khoảng 2,1%, giảm 0,65 điểm phần trăm và tỷ lệ thiếu việc làm 1,82%, giảm 0,34 điểm phần trăm so với năm trước.

lao-dong-nu-1516760377978-1672389767.png
Thu nhập bình quân ở vùng nông thôn tỉnh Bình Định chỉ đạt khoảng 3,3 triệu đồng/người/tháng (Ảnh: Báo Người Lao động)

Cục Thống kê tỉnh Bình Định khẳng định đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn trong năm 2022 được cải thiện hơn so với năm trước. Tuy nhiên, thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn dù được nâng lên nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với khu vực thành thị, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nhiều hộ gia đình ở nông thôn tuy đã thoát khỏi hộ nghèo, nhưng thực tế thu nhập chỉ cao hơn mức chuẩn nghèo không đáng kể.

Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người ở Bình Định năm 2022 đạt khoảng 3,9 triệu đồng/người/tháng (tăng 364 nghìn đồng/người/tháng so với năm 2021). Thu nhập bình quân đầu người khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng (tương ứng thành thị 4,8 triệu đồng/người/tháng, nông thôn 3,3 triệu đồng/người/tháng).

Tình trạng phân hóa giàu nghèo ở tỉnh Bình Định vẫn còn ở mức cao, chênh lệch về thu nhập giữa nhóm 5 (nhóm người có mức thu nhập ổn định và giàu có) so với nhóm 1 (người nghèo, hộ nghèo) khoảng 6,9 lần (nhóm 5 cao hơn nhóm 1 khoảng 7 triệu đồng/người/tháng).

Hơn 760 tỷ đồng cho an sinh xã hội

Tỉnh đã tổ chức triển khai các Dự án của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 trong năm 2022 với tổng kinh phí: 129.241 triệu đồng (đầu tư phát triển, kinh phí: 84.449 triệu đồng; hỗ trợ sự nghiệp, kinh phí: 44.792 triệu đồng).

Hỗ trợ tiền điện cho 27.873 hộ nghèo về thu nhập, hộ chính sách xã hội có lượng tiêu thụ điện dưới 50 kwh/hộ/tháng và hộ chính sách xã hội ở vùng chưa có điện lưới, tổng số tiền là 18.324 triệu đồng.

Thực hiện cấp 192.505 thẻ bảo hiểm y tế năm 2022 cho các đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn,...

Thực hiện huy động Quỹ “Vì người nghèo” 26.647 triệu đồng. Xuất “Quỹ Cứu trợ”, Quỹ “Người nghèo” tỉnh số tiền 561,5 triệu đồng để trao tặng quà cho 658 hộ nghèo, hộ khó khăn, học sinh, người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của tỉnh huy động từ các nhà hảo tâm giúp đỡ 60.867 lượt bệnh nhân nghèo, và đồng bào nghèo; trao tặng 597.047 suất ăn tình thương; xây dựng 14 nhà tình thương và 1 công trình nước sạch; xây dựng 17 hồ bơi và thiết bị phòng chống đuối nước. Tổng giá trị hoạt động là 70.412,3 triệu đồng.

Chi trả trợ cấp thường xuyên hàng tháng cho 97.912 đối tượng bảo trợ xã hội với kinh phí hơn 530 tỷ đồng/năm. Thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên đối với 32.897 người có công với cách mạng, kinh phí bình quân hàng tháng trên 53,6 tỷ đồng/tháng.

Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng tiêu cực của tình hình dịch bệnh Covid-19, biến đổi khí hậu, tình hình xung đột quân sự và biến động kinh tế, chính trị ở một số quốc gia trên thế giới, tình hình lạm phát, giá cả nguyên vật liệu tăng,... song nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định, duy trì tăng trưởng khá và đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Phương Thảo - TH