Bế mạc Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau 6,5 ngày làm việc

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành 6,5 ngày làm việc với 15 nội dung và chia thành hai đợt để xem xét, cho ý kiến các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và một số vấn đề lớn.
be-mac-phien-hop-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-sau-65-ngay-lam-viec-01-1648120864.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 24/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 9.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương và trách nhiệm cao, tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành 6,5 ngày làm việc với 15 nội dung và chia thành hai đợt để xem xét, cho ý kiến các nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và một số vấn đề lớn thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 3 dự án luật, 1 nghị quyết trình Quốc hội; thảo luận và thông qua 1 pháp lệnh, 2 nghị quyết theo thẩm quyền.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và Luật Điện ảnh (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3. Hai dự án luật này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến cùng hai dự án luật khác, trên tinh thần chuẩn bị nhiều vòng, nhiều bước kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng dự án luật cao nhất để tiết kiệm tối đa thời gian họp của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; về sự cần thiết xây dựng dự án luật này để thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế về dân chủ ở cơ sở, khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong công tác này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm dự án luật đạt chất lượng cao nhất ngay từ khi trình Quốc hội lần đầu.

Về dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá dự thảo nghị quyết đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 3 theo quy trình một kỳ họp.

Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc giảm 50% thuế môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để góp phần kịp thời bình ổn thị trường xăng, dầu. trong bối cảnh nguồn cung xăng, dầu khan hiếm, giá dầu thô có xu hướng tăng cao, góp phần tích cực cho hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 và hỗ trợ cho chương trình phòng, chống dịch cũng như là chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết và Chính phủ đang tổ chức triển khai thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc tăng giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động theo đề nghị của Chính phủ theo hướng vừa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện nay trong điều kiện các đơn hàng cần phải được giải quyết gấp đồng thời bảo đảm được sức khỏe cho người lao động và giải quyết hài hòa quan hệ lao động trong doanh nghiệp, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của giới chủ cũng như lợi ích của người lao động.

Trong công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian xem xét và cho ý kiến về kết quả bước đầu của 3 Đoàn giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021”; “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021."

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thường trực các Đoàn giám sát phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều hòa chương trình, kế hoạch hoạt động giám sát tại các địa phương, các bộ, ngành, cơ quan và đơn vị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời gian và địa điểm, nhằm bảo đảm việc thực hiện giám sát chuyên đề ngày càng thiết thực trong bối cảnh vẫn phải tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

be-mac-phien-hop-cua-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-sau-65-ngay-lam-viec-02-1648120864.jpg
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 2 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho rằng chất lượng báo cáo công tác dân nguyện ngày càng được nâng lên; đánh giá cao các cơ quan hữu quan, nhất là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện các kiến nghị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận tại Phiên họp thứ 8. Qua đó, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân, giải quyết kiến nghị cử tri có những chuyển biến tích cực hơn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành một ngày để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn với 2 lĩnh vực là công thương và tài nguyên, môi trường. Chỉ trong 1 ngày, 48 đại biểu đã tham gia chất vấn và 10 đại biểu tranh luận.

Ngay sau phiên họp này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành và thành viên Chính phủ cần thực hiện quyết liệt, triển khai ngay những nội dung đã cam kết trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cử tri cả nước. Các cơ quan của Quốc hội tổ chức giám sát việc thực hiện những nội dung được quyết định trong Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 9, chủ động tổ chức các phiên giải trình về lĩnh vực phụ trách nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của đồng bào, cử tri và nhân dân cả nước.

Về xem xét một số vấn đề quan trọng khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước, nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài năm 2020 và 2021 để bảo đảm các khoản viện trợ không hoàn lại của nước ngoài đủ điều kiện hạch toán quyết toán ngân sách nhà nước. Đây là các khoản bổ sung dự toán nên cần phải trình Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm đúng thẩm quyền.

Trước khi bế mạc, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021."

Cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu số lượng địa phương cần đi giám sát để vừa bảo đảm tính phổ quát, vừa bảo đảm tính đại diện.

Thường trực Đoàn giám sát cần tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ rõ các mô hình, cách làm hiệu quả; tập trung lựa chọn những vấn đề nóng, trọng tâm được dư luận quan tâm để tổ chức giám sát; yêu cầu xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để thất thoát, lãng phí nguồn lực nhà nước; muốn vậy, phải lượng hóa tình trạng thất thoát, lãng phí bằng số liệu.

Đoàn giám sát sẽ xây dựng báo cáo bằng hình ảnh về tình trạng dự án treo, bỏ hoang hóa đất sản xuất nông nghiệp, những công trình gây lãng phí tài sản công để báo cáo Quốc hội…/.