Để có được kết quả đó, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, tỉnh Lâm Đồng là đơn vị đang được giao nhận quản lý tổng diện tích trên 1.424 ha rừng và đất rừng thuộc địa bàn phường 3 và 4, TP Đà Lạt thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm Đà Lạt, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng và UBND phường 3 và 4 thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm “4 tại chỗ”, trước tiên là thường xuyên tổ chức tuần tra, kịp thời phát hiện xử lý các nguy cơ có thể gây ra cháy rừng.
Trên thực tế, tài nguyên rừng khu vực hồ Tuyền Lâm chủ yếu là rừng thông ba lá, cây lá kim có chứa tinh dầu với đặc điểm là vật liệu dễ cháy nên khả năng cháy rừng là rất cao trong mùa khô hanh. Hiện nay, Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm có 39 dự án đầu tư đầu UBND tỉnh chấp thuận đầu tư, giao đất, cho thuê rừng; 13 doanh nghiệp đã đưa vào khai thác hoạt động du lịch. Lượng khách du lịch hàng năm đến Khu du lịch rất lớn, đặc biệt những ngày nghỉ cuối tuần, nhiều đoàn khách dã ngoại đốt lửa trong rừng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến cháy rừng.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trong quá trình thi công xây dựng dự án tại khu vực bất cẩn trong quá trình dùng lửa, thực hiện đốt dọn vật liệu cháy không đúng quy trình dễ gây ra cháy rừng làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường trong Khu du lịch. Hơn nữa, đời sống người dân sống gần rừng chủ yếu gắn liền với các hoạt động lâm nghiệp, như làm nương, rẫy, đốt than, đốt ong… sử dụng nguồn lửa bừa bãi là nguyên nhân dễ gây cháy lan vào rừng.
Ông Phạm Quang Thuần - Phó trưởng Phòng Quản lý hạ tầng, quản lý bảo vệ rừng Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Theo quy trình làm giảm vật liệu cháy đối với rừng cảnh quan môi trường thì toàn bộ diện tích sau khi đã phát dọn với chiều cao gốc phát thấp hơn 10 cm sẽ được gom ra những vị trí đất trống không có ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường để xử lý vật liệu cháy. Còn đối với rừng trồng giai đoạn 2 thì chúng tôi đã thực hiện việc phát dọn thực bì gom ra chỗ trống để xử lý vật liệu cháy, không làm ảnh hưởng đến đối tượng rừng trồng của đơn vị”.
Cụ thể, ngay đầu mùa khô năm 2022 - 2023, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm phối hợp cùng Hạt Kiểm lâm thành phố Đà Lạt ban hành văn bản hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng, cam kết thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt nội dung cam kết. Bố trí đủ lực lượng trực, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ cháy rừng ngay từ khi mới phát sinh; phối hợp các Hạt Kiểm lâm, Ban Lâm nghiệp, các hộ nhận khoán tổ chức tốt công tác trực và chữa cháy rừng; tập huấn nâng cao nghiệp vụ xử lý các vụ cháy rừng; đồng thời tích cực hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2022 - 2023.
Bên cạnh đó, chú trọng tuyền truyền giáo dục phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy rừng với mục đích để mọi người dân trong cộng đồng dân cư, khách du lịch và những doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu du lịch hiểu rõ tác hại của lửa rừng ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của rừng. Đồng thời, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mọi người dân tham gia tốt trong sự nghiệp bảo vệ phát triển rừng. Đóng các biển báo “cấm lửa” nơi có nhiều người qua lại, các trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng hàng năm. Tích cực hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị tập thể, hộ nhận khoán trong việc thực hiện trách nhiệm hợp đồng bảo vệ rừng làm tốt hơn nữa công tác phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm.
Trong đó, đối với Công ty cổ phần đầu tư Lan Anh đã và đang thực hiện có hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng với khoảng 70 ha đất, rừng mà doanh nghiệp này đã được nhận bàn giao. Ông Nguyễn Văn Dũng - Đại diện Công ty Cổ phần đầu tư Lan Anh - Đà Lạt, chia sẻ: “Về công tác PCCCR hàng năm thì Công ty Lan Anh đã lập phương án theo hướng dẫn của Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Về lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng, Công ty có 10 thành viên và được trang bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định, như: cuốc, xẻng, bình xịt… Chúng tôi cũng thường xuyên chú ý cắt dọn thực bì, sau đó gom lại tổ chức đốt có quản lý”.
Cùng với đó, Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm mua sắm dụng cụ và sửa chữa phương tiện phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng như can đựng nước; cào sắt, dao phát, cuốc; sửa chữa, bảo dưỡng xe máy để phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng; sửa chữa, bảo dưỡng bình chữa cháy. Tổ chức lực lượng trực, tuần tra phòng cháy trong và ngoài giờ hành chính, nhằm phát hiện sớm các điểm cháy rừng và tham gia chữa cháy kịp thời. Triển khai kế hoạch xây dựng các giải pháp làm giảm vật liệu cháy khu du lịch là những diện tích rừng trồng thay thế đã hết giai đoạn chăm sóc đạt yêu cầu về diện tích, chất lượng cây trồng theo quy định. Theo đó làm giảm vật liệu cháy mùa khô năm 2022 - 2023 nhằm bảo vệ diện tích rừng trồng, bảo vệ cảnh quan môi trường Khu du lịch quốc gia, với tổng diện tích thiết kế trên 105 ha. Đồng thời, giả định tình huống cháy phức tạp nhất để có phương án chữa cháy bằng lực lượng trực gác tại chỗ hay huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ từ bên ngoài ứng cứu chữa cháy rừng có thể xảy ra.
Mặc dù hiện nay đã bước vào thời điểm đầu mùa mưa năm 2023, khả năng cháy rừng ít có nguy cơ xảy ra, tuy nhiên công tác phòng cháy, chữa cháy rừng vẫn luôn được ban Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm đặc biệt chú trọng phối hợp thực hiện, nhằm góp phần bảo vệ “lá phổi xanh” cho khu vực hồ Tuyền Lâm nói riêng và TP Đà Lạt nói chung./.