Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Nước ta là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng internet cao nhất thế giới. Dữ liệu cá nhân của phần lớn dân số nước ta cũng đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ và thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức và mức độ chi tiết khác nhau. Vấn đề bảo mật thông tin cá nhân trên không gian mạng, giải pháp trong ngăn chặn việc mất, lộ, lọt thông tin cá nhân... là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) nêu thực trạng, hiện nay, tình hình thông tin cá nhân bị lộ, lọt như số điện thoại, họ tên, địa chỉ, số căn cước công dân, số tài khoản cá nhân của người dân đang rất phổ biến. Bên cạnh đó, người dân còn nhận những thông tin, tin nhắn lừa đảo, những đường link giả mạo, bị làm phiền vì các cuộc gọi mời chào, giới thiệu các loại dịch vụ khác nhau. Liên quan tới vấn đề này, tại nghị trường Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an thừa nhận, tình trạng lộ, lọt, mua bán dữ liệu cá nhân hiện nay ở nước ta rất nghiêm trọng. Trong năm 2023, riêng Bộ Công an đã phải cảnh báo, xử lý hàng chục triệu vụ việc có liên quan đến việc xâm phạm cơ sở dữ liệu, trong đó liên quan đến việc ăn cắp dữ liệu cá nhân, xâm nhập các cơ sở dữ liệu cá nhân.

nlntv-dulieu-1700351476.jpg
Cần bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ảnh minh họa: TTXVN

Có thể thấy, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến; việc buôn bán dữ liệu cá nhân được tiến hành có hệ thống, tổ chức; nhiều loại dữ liệu bị lợi dụng để lừa đảo và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Một trong số nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do ý thức người dân trong việc bảo vệ dữ liệu chưa cao. Người dân còn dễ dàng cung cấp dữ liệu cá nhân cho người khác, cho doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch dân sự. Cùng với đó, nhiều hành vi vi phạm pháp luật về dữ liệu cá nhân đang thiếu các quy định để xử lý.

Trong bối cảnh internet bùng nổ, dữ liệu cá nhân trở thành tài nguyên quý, quan trọng, phục vụ cho hoạt động của các ngành nghề, dịch vụ, tạo ra giá trị lợi nhuận cao. Song, việc sử dụng dữ liệu cá nhân là vấn đề liên quan chặt chẽ tới quyền con người, quyền công dân nên dữ liệu cá nhân cần được bảo vệ và sử dụng hiệu quả. Trước tiên, cần hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền đối với dữ liệu thông tin của cá nhân. Theo đó, phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm quản lý và sử dụng của từng đối tượng, không chỉ tránh để phát lộ mà còn ngăn chặn việc lạm dụng dữ liệu cá nhân. Đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao sự chủ động trong bảo vệ thông tin, dữ liệu của mình, đặc biệt trên mạng xã hội. Người sử dụng cần có biện pháp lưu trữ, phân loại và chia sẻ thông tin phù hợp (thông tin nào có thể chia sẻ, chia sẻ với đối tượng nào); luôn có thói quen kiểm tra, định kỳ thay đổi các thông tin xác thực để làm giảm nguy cơ lộ, lọt, mất an toàn thông tin...