Báo Thụy Sĩ đánh giá cao thành tựu kinh tế, ngoại giao của Việt Nam năm 2023

Trước thềm sự kiện Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại thành phố Davos (Thụy Sĩ), ngày 12/1, học giả - nhà báo Thụy Sĩ Guy Mettan đã có bài viết đăng trên báo điện tử bonpourlatete.com, đánh giá cao chính sách "ngoại giao cây tre" của Việt Nam và nỗ lực sản xuất chip "Make in Vietnam”.
ban-dan-22122023-1705113143.jpg
Dây chuyền sản xuất bản mạch điện tử tại Công ty TNHH Nexcon Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Bắc Ninh. Ảnh tư liệu: Danh Lam/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, nhà báo Guy Mettan cho biết đầu những năm 2000, ông đã đến Việt Nam nhiều lần để chuẩn bị viết cuốn sách về Hiệp định Geneva chấm dứt Chiến tranh Đông Dương năm 1954. Diện mạo và tầm vóc của  Việt Nam đã thay đổi đáng kinh ngạc kể từ đó đến nay.

Tác giả  nhấn mạnh năm 2023 là một năm bận rộn của Việt Nam với chính sách “ngoại giao cây tre” và nỗ lực trở thành trung tâm mới của ngành bán dẫn. Tranh thủ tối đa các cơ hội mà tình hình quốc tế mang lại, Việt Nam đã tăng cường hoạt động đối ngoại và củng cố quan hệ đối tác. Ông nhận định đất nước Việt Nam vững chắc và linh hoạt, mềm mại và dẻo dai như một cây tre, đón từng làn gió nhẹ và vượt qua những cơn bão làm rung chuyển địa cầu.

Năm ngoái, Việt Nam đã có một loạt các hoạt động ngoại giao cấp cao với các nước, trong đó có các chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Bide và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam. Ông Mettan cũng nhắc tới việc lần đầu tiên Tòa thánh Vatican có một Đại diện thường trú ở Việt Nam và đây là thời khắc lịch sử trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Vatican.

Theo tác giả bài viết, Việt Nam dự kiến sẽ đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 6 - 6,5% trong năm 2024 nhờ xuất nhập khẩu cũng như hoạt động sản xuất mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam còn đặt mục tiêu trở thành trung tâm mới của ngành bán dẫn với hàng loạt dự án đầu tư có quy mô hàng tỷ USD. Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ 100% các công đoạn sản xuất chip “Make in Vietnam” và dự kiến đào tạo 50.000 kĩ sư chuyên ngành tới năm 2030.

Tác giả cho biết Việt Nam đang thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn lớn từ Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Hiện nay, Việt Nam chiếm hơn 10% tổng lượng chip bán dẫn nhập khẩu vào Mỹ, đứng thứ 3 về xuất khẩu chip sang Mỹ, sau Malaysia và Đài Loan.