Bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết

Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Ðể bảo đảm cho người dân đón Tết vui tươi, nhất là an toàn về thực phẩm, các cơ quan chức năng tại các địa phương đang tập trung thanh tra, kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm trên địa bàn.
bao-dam-an-toan-thuc-pham-trong-dip-tet-1643163033.jpeg
Lực lượng liên ngành thành phố Ðà Nẵng kiểm tra, lấy mẫu test nhanh thực phẩm tại chợ Cẩm Lệ.

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP Hà Nội có hơn 83 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Năng lực sản xuất thực phẩm của thành phố hiện mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và từ nước ngoài. Thành phố đã phối hợp 21 tỉnh, thành phố xây dựng được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đồng thời đã xây dựng được hơn 140 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, sản phẩm được cấp mã truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn của thành phố. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Trần Thị Nhị Hà cho biết: Thực hiện kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2022 của UBND thành phố Hà Nội, chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đã thành lập 676 đoàn, trong đó có 14 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến thành phố, 83 đoàn tuyến quận, huyện, thị xã và 579 đoàn kiểm tra tuyến xã, phường, thị trấn. Ðến nay, các đoàn đã thanh tra, kiểm tra được 9.173 cơ sở, trong đó phát hiện 947 cơ sở vi phạm, phạt 366 cơ sở, với tổng số tiền gần 2,8 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu là cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; thiếu giấy khám sức khỏe người lao động; giấy phép kinh doanh...

Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy: Do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng thực phẩm cho nên lượng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm cung cấp đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bị ảnh hưởng. Trong khi đó, số doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng có trung tâm trung chuyển, kho hàng lớn để tập trung hàng hóa cung cấp đến các điểm bán lẻ còn ít. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phần lớn có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ, phân phối qua nhiều khâu trung gian, nguồn lực cho phát triển còn hạn chế, trình độ quản lý thấp, liên kết sản xuất, tiêu thụ còn lỏng lẻo, chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn được quy định như: VietGAP, VietGHAP, GMP, HACCP, ISO 22000...

Ðáng chú ý, một bộ phận chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa có ý thức về sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt mà thực hiện các hành vi không bảo đảm  an toàn thực phẩm. Một số địa phương chưa thật sự chú trọng đến công tác an toàn thực phẩm, nhất là cấp xã, phường, cho nên việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa nghiêm minh, chủ yếu là nhắc nhở cho nên tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm ít được cải thiện...

Tại TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ: Ðể bảo đảm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, thành phố đã sớm thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành tập trung kiểm tra những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các đoàn sẽ kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như: thịt, các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh mứt, kẹo, rau củ, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu… Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải bảo đảm tuân thủ quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

tram-y-te-bac-binh-huyen-lap-thach-01-1643163021.jpg
Cán bộ Trạm Y tế xã Bắc Bình, huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) kiểm tra mẫu thực phẩm chế biến tại chợ dân sinh. Ảnh: TRƯỜNG KHANH 

Tương tự, các lực lượng chức năng trên địa bàn TP Ðà Nẵng cũng đang tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, với các nội dung cụ thể như: giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm; điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ, con người theo quy định hiện hành… Thành phố phấn đấu không để xảy ra tình trạng mất an toàn thực phẩm cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán. Phó Chủ tịch UBND  thành phố Ðà Nẵng, Ngô Thị Kim Yến yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối; kiên quyết đình chỉ tiêu thụ hàng hóa thực phẩm không  bảo đảm an toàn; có biện pháp giải quyết triệt để việc kinh doanh hàng rong ở các tuyến đường chung quanh các chợ, tăng cường quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe cho người dân dịp này. Các đơn vị tiếp tục lấy mẫu giám sát ô nhiễm thực phẩm nhằm cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các sản phẩm không  bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường, truy xuất nguồn gốc; đồng thời thanh tra và xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Trong chuyến khảo sát kiểm tra nguồn cung và bảo đảm an toàn thực phẩm trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trần Thanh Nam đề nghị TP Hồ Chí Minh  và các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về thực phẩm an toàn, thực phẩm có nguồn gốc của các doanh nghiệp cũng như những quy định về nhãn mác hàng hóa... để người dân dễ dàng nhận biết khi mua, sử dụng. Ðồng thời, chủ động trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường...