Báo chí phải nhanh, nhạy, chính xác, chuyên nghiệp, sát với thực tiễn hơn

Sáng 31/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Báo Nhân Dân tổ chức hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão 2023.

Sự kiện đã trở thành truyền thống đầu năm mới của những người làm báo trong cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Quốc Minh; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Trung ương, các bộ, ngành đoàn thể, cơ quan chủ quản báo chí, cùng nhiều nhà báo lão thành dự giao ban.

bao-chi1-31123-1675154732.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu. Ảnh: TTXVN

Cần chủ động phản ánh những bất cập, khó khăn

Phát biểu tại giao ban, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gửi đến các cơ quan quản lý báo chí, cũng như lãnh đạo các cơ quan báo chí, các nhà báo lão thành cách mạng lời chúc tốt đẹp nhất.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2022, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thậm chí là những thách thức có tính sống còn, mang tính toàn cầu, như: đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, hạn chế của các mô hình phát triển…, từ đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải thay đổi từ tư duy, nhận thức, đến hành động, để phát triển.

Phó Thủ tướng chia sẻ, những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, khi tháp tùng Thủ tướng Chính phủ đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ các con đường giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam, ông cảm nhận được không khí hồ hởi, phấn khởi của người dân, chính quyền, doanh nghiệp trước những cơ hội phát triển mới. Dù phải nhường nhà, nhường ruộng đất để làm đường, người dân vẫn thể hiện sự tin tưởng, gắn bó, ủng hộ các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, vì sự phát triển của đất nước. Phó Thủ tướng tin tưởng với những kết quả, thành tựu đã đạt được trong năm 2022, cùng nhiều bài học sâu sắc rút ra từ quá trình phát triển, chống dịch và trong cả hoạt động của báo chí, của cả nước, bước sang 2023, dù còn nhiều khó khăn, nhưng sẽ là một năm kiến tạo, đồng hành.

bao-chi3-31123-1675154733.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Nhân Dân và Hội Nhà báo Việt Nam đồng chủ trì Giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: TTXVN

Giao ban báo chí đầu xuân hàng năm là cơ chế quan trọng để Đảng, Nhà nước định hướng, đồng hành cùng các cơ quan báo chí đối với sự phát triển của đất nước. Cơ hội, quyết tâm của các cơ quan báo chí đã có, sự ủng hộ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và cơ chế cũng đã có nhưng trong một thế giới chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay cũng đặt ra những thách thức rất to lớn. Để đáp ứng yêu cầu này, các cơ quan báo chí phải đổi mới để có đủ sức mạnh, năng lực cạnh tranh với các loại hình, phương thức truyền thông mới, mạng xã hội... nhằm thu hút, đáp ứng được yêu cầu của độc giả - Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng cho rằng trước hết, báo chí phải nhanh, nhạy, chính xác, chuyên nghiệp, sát với thực tiễn hơn. Không chỉ đơn thuần thông tin, phản ánh, các cơ quan báo chí cần xây dựng đội ngũ có tính chuyên nghiệp, là những nhà lý luận, ngoại giao, kinh tế, nghệ thuật, công nghệ, chuyển đổi số. Thứ hai là phải làm rõ vấn đề cơ chế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa trong hoạt động báo chí. Cụ thể, các cơ quan báo chí phải xây dựng được nhiều tác phẩm, ấn phẩm; đầu tư nhiều hình thức thể hiện, chuyển tải đa dạng, phong phú để trở thành "món ăn tinh thần hàng ngày" không thể thiếu của độc giả, không chỉ người dân mà cả các nhà quản lý. 

giao-ban-31323-1675154733.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Giao ban báo chí đầu Xuân Quý Mão 2023. Ảnh: TTXVN

Thể hiện quan điểm các cơ quan báo chí cần thêm nhiều phương thức, hình thức chuyển tải thông tin qua mạng xã hội để đến được với người dân nhiều hơn, với sự thống nhất về tư tưởng, chính trị, chủ trương, Phó Thủ tướng gợi mở các cơ quan báo chí không chỉ thông tin thuần túy, cần chủ động phản ánh những bất cập, khó khăn, vướng mắc để cơ quan quản lý có phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy; có các chuyên đề, nghiên cứu rất hệ thống, đồng bộ, đưa ra những mô hình, cách làm hay, nhân rộng những cơ chế, chính sách mới, thậm chí đề xuất cách tháo gỡ vướng mắc.

Mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành với Chính phủ, các bộ ngành, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, cơ quan phải gắn bó hơn nữa với báo chí, "chọn mặt gửi vàng", là cầu nối để thông tin về định hướng, nhiệm vụ, công việc thuộc lĩnh vực quản lý tới người dân. Đồng thời, năm 2023, các cơ quan báo chí cần tập trung thực hiện tốt hoạt động lấy ý kiến, phản hồi của nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để xây dựng được một đạo luật mang tính chính trị, xã hội, kinh tế, ngoại giao…, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân, trở thành nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Càng khó khăn càng cần nhà báo có tâm huyết, giàu dũng khí

bao-chi2-31123-1675154733.jpg
Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang phát biểu. Ảnh: TTXVN

Tại buổi giao ban, các đại biểu đều thể hiện sự nhất trí với nội dung báo cáo đã chỉ rõ những nỗ lực của các cơ quan báo chí trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước. Tổng Giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang cho rằng, thời gian qua, các cơ quan báo chí, trong đó có TTXVN, đã vượt qua các khó khăn, thách thức, bám sát, thông tin việc triển khai các đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, hoạt động của Chính phủ, Quốc hội... TTXVN và các cơ quan báo chí đã cùng vào cuộc, thông tin chuẩn xác; đồng thời phản bác lại các thông tin sai lệch. Tổng giám đốc TTXVN Vũ Việt Trang khẳng định, với vai trò là cơ quan báo chí chủ lực, TTXVN cũng như các cơ quan báo chí đã bám sát định hướng, triển khai hiệu quả, phong phú thông tin, góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Về định hướng báo chí thời gian tới, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn cho biết, 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021- 2025. Bên cạnh những thuận lợi, báo chí phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức mới để cùng đất nước vượt qua, hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu 2023 và cả nhiệm kỳ XIII của Đảng. Những người làm báo cần tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang và sứ mạng lớn lao của báo chí đối với tương lai của Đảng, của đất nước; thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, kiên quyết chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót đã chỉ ra tại Hội nghị báo chí toàn quốc; chủ động, sáng tạo thông tin toàn diện, sâu sắc, trung thực, kịp thời công cuộc đổi mới của đất nước. Báo chí cần nêu cao ngọn cờ tiên phong trong công tác tuyên giáo của Đảng, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước, trước nhân dân; tập trung tuyên truyền đầy đủ, sâu sắc, trách nhiệm về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa của Đảng, của đất nước... Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần sâu sát, gắn với đời sống xã hội, bám sát hơi thở thực tiễn của cuộc sống để mỗi tin, mỗi chương trình được viết bằng tâm huyết của những người cầm bút, cầm máy và sự thôi thúc, đúc kết từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn...

"Càng trong khó khăn, thách thức, càng cần báo chí, đặc biệt là báo chí chủ lực phải tiên phong đi đầu, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp, kinh nghiệm để xây dựng hiệu quả nội dung tuyên truyền có trọng tâm, cốt lõi những điểm mới nêu trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước, lịch sử của Đảng, Nhà nước, làm điểm tựa định hướng, dẫn dắt, lan tỏa sức mạnh cho các cơ quan báo chí cả nước, để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận trong các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Càng khó khăn càng cần nhà báo có tâm huyết, giàu dũng khí, cần nhiều hơn các bài viết kiến giải, giải pháp, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất, niềm tin. Góp ý phản biện phải khoa học, giải pháp phải khả thi - không chỉ đưa ra các sản phẩm báo chí mang tâm lý bi quan, chán nản trước khó khăn thách thức, cần nhiều hơn các bài viết, chương trình truyền năng lượng, cảm hứng tích cực, cần nhiều hơn các tác phẩm viết với cái tâm trong sáng, viết với trách nhiệm, bản lĩnh, sự thấu hiểu và chia sẻ. Hơn ai hết báo chí phải tạo ra dòng thông tin chủ lực, tích cực, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc" - Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nói.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý báo chí, các cấp hội, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần chủ động, tổ chức quán triệt triển khai, thực hiện tốt quy định về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với lãnh đạo cơ quan báo chí sau khi Ban Bí thư ban hành; chuẩn bị chu đáo, xây dựng kế hoạch, chương trình, điều kiện cơ sở vật chất để bảo đảm tổ chức trang trọng, thiết thực các hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025).