Từ căn phòng nhỏ xíu, đầy khói…
Lê Đức Nguyên, một chàng trai trẻ sinh năm 1994, cùng chị Nguyễn Ngọc Băng Tâm (SN 1995) đã xây dựng nên thương hiệu Bánh mì Khói từ những điều tưởng chừng như đơn giản nhất: niềm đam mê ẩm thực và tinh thần dám thử, dám sai. Câu chuyện của Nguyên bắt đầu vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trong một căn phòng chỉ rộng chừng 20m2 tại Đà Nẵng, Nguyên và Tâm đã sử dụng thời gian giãn cách để lên kế hoạch cho dự án kinh doanh mới của mình.
Với tình yêu đối với ẩm thực và mong muốn tạo dựng một thương hiệu bánh mì độc đáo, Nguyên bắt đầu nghiên cứu về các loại bánh mì và thị hiếu của người tiêu dùng. Anh nhận thấy rằng, trong thị trường bánh mì truyền thống với những sản phẩm như pate, chả lụa và trứng, vẫn có không gian cho sự sáng tạo. Hơn hết, Nguyên và Tâm đã sử dụng chính sản phẩm của quê hương Phan Rang đó chính là Chả Cá để làm ra món: Bánh mì Chả Cá thơm ngon. Đó là lúc ý tưởng về thương hiệu Bánh mì Khói được hình thành. Với những công thức độc đáo cùng sự kết hợp sáng tạo giữa các nguyên liệu, đặc biệt là gia vị “Khói” – một hương vị mới lạ mà Nguyên và cộng sự phát triển, bánh mì Khói nhanh chóng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
Khởi nghiệp đúng vào đợt dịch Covid-19, ban đầu, Nguyên và Tâm phải đối mặt với nhiều khó khăn khi mỗi ngày chỉ bán được khoảng 10-20 ổ bánh mì. Nhưng với tinh thần không bỏ cuộc và sự kiên trì, chỉ sau một tháng, số lượng bán đã tăng lên 300 ổ mỗi ngày. Thành công bước đầu đã tạo nền tảng cho Nguyên mở chi nhánh đầu tiên tại Đà Nẵng và bắt đầu phát triển thương hiệu trên toàn quốc.
Bánh mì Khói không chỉ là câu chuyện về một sản phẩm bánh mì truyền thống được làm mới mà còn là ví dụ điển hình về việc áp dụng công nghệ và chiến lược marketing hiện đại vào kinh doanh. Với nền tảng marketing từ trước, Nguyên đã nhanh chóng tận dụng các công cụ trực tuyến để tiếp cận khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh. Anh xây dựng website, liên kết với các nền tảng bán hàng trực tuyến như ShopeeFood, GrabFood, Baemin, và Loship để người tiêu dùng có thể dễ dàng đặt hàng và nhận bánh mì tại nhà. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vận hành mà còn đảm bảo nguồn khách hàng ổn định.
Nguyên cũng khéo léo sử dụng mạng xã hội như Facebook và Instagram để chia sẻ những câu chuyện thú vị về quá trình làm bánh, hành trình tìm kiếm nguyên liệu và phản hồi từ khách hàng. Cách tiếp cận này không chỉ tạo dựng mối liên kết gần gũi giữa thương hiệu và người tiêu dùng mà còn lan tỏa thông điệp về sự tận tâm và sáng tạo của Bánh mì Khói.
Nhờ sự kết hợp giữa công nghệ và chiến lược tiếp thị thông minh, Bánh mì Khói đã không chỉ vượt qua khó khăn của đại dịch mà còn phát triển mạnh mẽ sau đó, mở ra cơ hội để Nguyên thực hiện bước đi táo bạo hơn trong việc phát triển mô hình nhượng quyền thương hiệu.
Thời gian qua, bánh mì Khói nhận được vô số đánh giá 5 sao từ khách hàng, không chỉ vì hương vị thơm ngon mà còn nhờ vào sự chăm chút trong từng chi tiết. Khách hàng khen ngợi: “Bánh mì ngon, đóng gói đẹp, giá rẻ”, đặc biệt ấn tượng với việc sử dụng “gói giấy bảo vệ môi trường”, thể hiện trách nhiệm của thương hiệu đối với môi trường. Nhiều người cũng đánh giá cao sự đa dạng với “nhiều combo để lựa chọn” và phong cách phục vụ nhanh chóng, tận tình của nhân viên. Tất cả những yếu tố đó khiến khách hàng khẳng định rằng “sẽ quay lại ăn vì chất lượng” mà Bánh mì Khói mang đến.
“Bánh mì Khói khác biệt so với các thương hiệu bánh mì khác trên thị trường, có thể đó là do mặt chỉnh chu hình ảnh về thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm luôn được đồng đều giữa các hệ thống. Khói luôn có những chính sách tốt cho đối tác nhượng quyền cũng như luôn đồng hành trong suốt thời gian hợp tác bằng việc giám sát định kỳ để đảm bảo chất lượng, hỗ trợ truyền thông để hình ảnh thương hiệu luôn ở mức tốt nhất”, Nguyên khẳng định.
Đến chuỗi nhượng quyền thương hiệu nổi tiếng toàn quốc
Thành công của Bánh mì Khói tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận đã khuyến khích đôi bạn mở rộng mô hình nhượng quyền ra các thành phố lớn khác như Hà Nội, Nha Trang, Thái Bình, Hải Phòng, Nghệ An, Huế, Quảng Nam và Tp.Hồ Chí Minh. Ekip đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc này, không chỉ về mặt sản phẩm mà còn về chiến lược marketing phù hợp với từng thị trường địa phương. Vào tháng 12/2021, chỉ sau một năm xây dựng thương hiệu, các bạn quyết định triển khai mô hình nhượng quyền để mở rộng số lượng cửa hàng.
Bước đầu, Nguyên và đội ngũ đã tiến hành khảo sát và nghiên cứu thị trường tại nhiều tỉnh thành như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế. Kết quả từ những nghiên cứu này đã giúp Nguyên điều chỉnh công thức, khẩu vị, và thiết kế bao bì sao cho phù hợp với người tiêu dùng ở từng địa phương. Nhờ vậy, mô hình nhượng quyền Bánh mì Khói nhanh chóng thành công và đến tháng 8/, thương hiệu đã có hơn 80 điểm nhượng quyền trên 9 tỉnh, thành Việt Nam.
Yếu tố then chốt góp phần vào thành công của Bánh mì Khói là sự chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Nguyên luôn đảm bảo các nguyên liệu được chọn lọc kỹ lưỡng, với nguồn gốc từ các đặc sản vùng miền như chả cá Phan Rang và xá xíu. Bên cạnh đó, công thức chế biến gia vị và nước sốt "Khói" đặc biệt đã tạo nên hương vị riêng biệt và hấp dẫn cho sản phẩm. Chính vì điều này đã giúp các chi nhánh nhượng quyền giữ vững uy tín mà còn thu hút lượng khách hàng ổn định.
Ngoài ra, sự đổi mới và sáng tạo liên tục cũng là điểm nhấn quan trọng. Bánh mì Khói không ngừng cải tiến thực đơn để phù hợp với xu hướng và sở thích của khách hàng hiện đại. Các sản phẩm mới luôn được thử nghiệm và phát triển để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
Chị Vy Vy, đối tác nhượng quyền, chia sẻ: “Tôi biết đến thương hiệu Bánh mì Khói thông qua Facebook và sau khi ăn thử, tôi mới quyết định lựa chọn hợp tác. Tôi đặc biệt ấn tượng với hương vị bánh, bên cạnh đó giá cả phải chăng, phù hợp cho sinh viên và giới trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là sự hỗ trợ nhiệt tình từ đội ngũ Bánh mì Khói đối với các điểm bán. Sau gần một năm kinh doanh cùng các bạn, tôi thấy lựa chọn của mình là đúng đắn và vô cùng hợp lý”. Ngoài ra, chị Vy cũng tin tưởng trong tương lai thương hiệu Bánh mì Khói sẽ còn “tiến xa hơn trên thị trường quốc tế”.
Không chỉ dừng lại ở việc phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường trong nước, Bánh mì Khói còn đặt ra tầm nhìn lớn hơn: trở thành đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nhượng quyền bánh mì tại Việt Nam và tiến ra thị trường quốc tế. Với tầm nhìn này, Nguyên và đội ngũ của mình không chỉ tập trung vào việc xây dựng thương hiệu mạnh mà còn đầu tư vào quy trình đào tạo và hỗ trợ cho các đơn vị nhượng quyền. Mỗi đối tác của Bánh mì Khói đều được hỗ trợ toàn diện, từ khâu huấn luyện về sản phẩm, quản lý cửa hàng cho đến chiến lược tiếp thị. Điều này giúp thương hiệu duy trì sự đồng nhất về chất lượng và dịch vụ trên toàn hệ thống, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tác trong việc vận hành và phát triển kinh doanh.
Chàng trai trẻ cùng cộng sự không giấu tham vọng đưa Bánh mì Khói “ra khỏi biên giới”. Với nền tảng vững chắc về sản phẩm và thương hiệu, cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt chiến lược, Bánh mì Khói có đủ tiềm năng để chinh phục thị trường quốc tế. Nguyên cho biết đội ngũ của anh đang tập trung nghiên cứu thị trường nước ngoài, đặc biệt là những quốc gia có cộng đồng người Việt đông đảo hoặc có nền văn hóa ẩm thực tương đồng với Việt Nam.
Từ con số 02 người đến nay, Bánh mì Khói đã có hơn 50 nhân viên làm việc chính thức. Đối với đội ngũ lao động của công ty, Nguyên luôn tâm niệm họ là tài sản quý giá, quyết định sự thành công và phát triển bền vững của công ty trong tương lai. Nhờ được sự quan tâm động viên của "ông chủ", nhân viên của Bánh mì khói, hầu hết là các bạn trẻ, rất gắn bó và coi công ty như ngôi nhà thứ hai của mình.
“Chúng tôi dự kiến sẽ phát triển hơn 200 cửa hàng trong nước vào năm 2025 và mở rộng ra thị trường quốc tế vào năm 2026. Có thể chúng tôi sẽ kết hợp với một vài đối tác quốc tế để giới thiệu thương hiệu và triển khai tại các thị trường mới”, Nguyên chia sẻ.
Quá trình chuẩn bị này bao gồm việc điều chỉnh thực đơn để phù hợp với khẩu vị của từng quốc gia, đồng thời nghiên cứu các phương thức tiếp cận khách hàng tại thị trường quốc tế. Nguyên cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo đảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ khi “xuất ngoại”, bởi anh hiểu rằng uy tín của thương hiệu là yếu tố quyết định thành công trong việc tồn tại và cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Câu chuyện của Bánh mì Khói là minh chứng rõ ràng cho việc khởi nghiệp thành công từ những bước đi nhỏ bé nhưng dũng cảm, kiên trì và sáng tạo. Từ một căn phòng nhỏ 20m2 đầy khói, Nguyên và cộng sự đã biến ý tưởng của mình thành một thương hiệu nhượng quyền lớn mạnh, không chỉ thành công trong nước mà còn đang hướng đến mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế. Với cam kết về chất lượng sản phẩm, sự sáng tạo trong kinh doanh cùng tầm nhìn dài hạn, Bánh mì Khói hứa hẹn sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vươn tầm trong tương lai.