Trước hết, không nhìn thấy, thấy mà không nhận ra nhân tài là tội nhỏ. Nhân tài thường giấu mình. Núi cao thường khuất ngọn, sông sâu thường lặng sóng. Nhìn mà không thấy nhân tài, do kém, không trách, nhưng vì hẹp hòi, kỳ thị thì người nắm trọng trách trong việc này nên tự đi làm việc khác, sẽ lợi hơn. Người được giao bổn phận kén chọn nhân tài mà chỉ có con mắt hạt đậu, lại kém tinh tế, khi người có thể cùng nói chuyện mà không nói, thế là bỏ lỡ người; người không thể bàn chuyện cùng mà lại nói, thế là uổng lời, thì thật càng đáng tội với người với việc, tuy nhỏ, thì cũng nên thôi, đừng làm việc liên quan tới con người. Nếu dùng người đúng khả năng, chọn đúng người thực tài, nhất là thái độ chí công vô tư trong tuyển dụng, dù ở giai đoạn cường thịnh hay khó khăn, đã không để cho kẻ bất tài, gian nịnh có cơ hội lộng hành, người thực tài lại trở nên bất đắc chí...
Nhớ thời Lê Thánh Tông, việc tuyển lựa quan xét xử càng trở nên nghiêm ngặt. Các quan chức đương nhiệm mà không cử được người giỏi thì cũng xử biếm hoặc phạt tiền. Trong việc sách hạch quan lại, định khá rõ ràng, với ba tiêu chuẩn quan trọng nhất để xét có tuyển chọn và sử dụng lại hay không. Đó là: Có yêu thương và chăm lo cho dân hay không, có được nhân dân yêu mến hay không, và dân trong hạt cai quản có trốn đi nơi khác hay không. Bên cạnh đó còn có những quy định khác như: đối với quan tại chức, không đến nơi làm việc mà không có lý do thì bị xử phạt biếm hoặc bãi chức, nếu ở sở làm mà ngồi không đúng phép sẽ bị xử tội biếm hoặc phạt tiền.
Sử chép, vì trọng tài nên nhà Trần chọn và dùng người không kể thân sơ. Vua Anh Tông đối với người tôn thất như Bảo Hưng thân yêu hết mực, nhưng không trao cho việc chính sự, vì không có tài. Nguyễn Sĩ Cố và Chu Bộ, vốn là cận thần của thái tử Mạnh (sau này là vua Minh Tông), lại phục vụ Thượng hoàng Anh Tông khó nhọc lâu ngày, nhưng vì “tài không thể dùng được, nên đặt họ vào chức nhàn tản và đều cho bổng lộc tước trật ưu hậu mà không trao cho thực quyền”. Trần Quang Khải được phong làm tướng vì giỏi cầm quân, thay cho Trần Quốc Khang vì Khang tuy lớn tuổi, anh vua nhưng tài năng tầm thường. Nếu tôn trọng thực tài, công tư phân minh nhất định khiến cho những người tài không phải chịu bất công, ấm ức.
Hai, tội to hơn là, biết là nhân tài mà không dùng. Kinh nghiệm ở đời xác tín, nhân tài mời được, nhưng không dụ được; bỏ được, nhưng không khinh được. Không thành tín thì không gặp được, chứ chưa nói tới việc tuyển mộ, trọng dụng được nhân tài. Dụng nhân như dụng mộc. Như thế, càng không thể đem lòng tỵ hiềm, mang cái tiểu kỷ, nhất là lấy sự ghen ghét mà đối đãi với nhân tài. Chớ vì một vài chỗ mục mà bỏ cả cây lớn. Nhất là đối với người có tài đức to, thì đừng xăm soi, chê bai những nết nhỏ mọn; đối với người có danh dự lớn, thì đừng chỉ trích những lỗi cỏn con. Trái thế, chửa kịp dùng, nhân tài đã ngoảnh mặt quay lưng và tự bỏ đi. Và, sự lộng quyền, lạm quyền trong tuyển chọn nhân tài, nhất định phải bị phạt. Và, đến lượt mình, không tự bỏ việc thì chắc chắn cũng chẳng được tin dùng, tất bị đào thải, và đắc tội với người, với tổ chức.
Lại nhớ, dưới triều Vua Lê Thánh Tông, bộ máy quan lại từ triều đình tới các huyện, tổng (cụm xã) được quy định thống nhất, nghiêm minh, không thêm bớt dù chỉ một chức quan nhỏ. Nếu thừa một viên (quan) phạt (người đứng đầu) 60 trượng - gậy, biếm hai tư (hạ bậc 2 chức) hoặc bãi chức; thừa hai viên xử tội đồ và người đặt vào chức ấy bị phạt 50 roi. Bộ Luật Hồng Đức thời Lê dành 30 điều khoản quy định chế tài áp dụng cho các hành vi tham nhũng, nhất là tệ ăn hối lộ trong tuyển chọn nhân tài.
Lại chẳng hạn, ở triều Nguyễn, một trong những nhiệm vụ của Đô Sát Viện là giám sát hành vi của các quan lại trong triều kể cả hoàng thân quốc thích về những hành vi khuất tất, không công bằng, không giữ phép, dối trá, bưng bít, chuyên quyền trong việc thi cử tuyển chọn nhân tài.
Hiện nay, càng cần phải xử lý nghiêm cách những ai nhân danh tổ chức và công việc được giao, rắp mưu tư tâm tự ý che lấp người hiền, dung túng kẻ gian, vì lợi lộc cá nhân và phe nhóm.
Ba, tội to hơn là, dùng mà không tin nhân tài. Nói như cổ nhân, bậc làm chúa không có người hiền tài giúp đỡ, thì cũng như kẻ mù lòa không người dẫn dắt. Người trí thức không bỏ lỡ người và không uổng lời. Vì thế, đối với nhân tài, đã tin thì phải dùng, và đã dùng thì phải tin. Nhân tài ngại ngùng nhất và sợ hãi nhất là thái độ ngờ vực, tệ hại hơn là nửa tin nửa ngờ của người cùng với họ. Kẻ sĩ có liêm sỉ chỉ có thể giết họ chứ không thể làm nhục họ.
Nhớ thời Trần, biết Trần Quốc Tuấn có mối thù tư gia với triều đình, nhưng vua Trần vẫn tin tưởng giao cho ông trọng trách đánh giặc giữ nước, giữ vị trí Quốc công tiết chế thống lĩnh toàn quân bởi ông là bậc “anh tài kiệt xuất”. Không thành kiến với xuất thân của người tài. Nhiều hiền sĩ trong nhân gian, không kể xuất thân, đã được triều đình biết đến và có cơ hội thi thố tài năng. Lê Phụ Trần không thuộc hàng tôn thất, nhưng có tài năng, được nhà Trần cho giữ chức Thiếu sư kiêm chức Sử cung giáo thụ (thầy dạy của thái tử). Đoàn Nhữ Hài giữ chức Sử trung tán, Đinh Củng Viên làm Hàn lâm viện học sĩ phụng chỉ... đều xuất thân bình dân. Và, tiêu biểu nhất là Phạm Ngũ Lão, từ thân phận nông dân, trở thành người được giao trọng trách trong những cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên, nhiều lần được thăng chức...
Phạm lỗi này, tội rất to, nhất định gây nên và tự chuốc lấy họa kép: Thân mình rước họa, nhân tài bỏ đi.
Bốn là trọng tội, khi trọng dụng mà không bảo vệ được nhân tài. Xưa nay, kinh nghiệm cho thấy, dùng nhân để trị người, dùng nghĩa để trị ta thường nhất định thành công. Vì, không gì hơn, dùng người tài phải dựa theo nghĩa mà an định bốn phương. Nên phải dùng nhân nghĩa mà đối đãi với nhân tài, chính là bảo vệ nhân tài vậy. Cổ nhân răn: Chớ mang nhốt những người quân tử vào chung một rọ với bọn tiểu nhân. Dân gian lại có câu: Chớ mang bỏ ếch vào giỏ cua. Tất cả cũng là vì vậy. Đó cũng là cách bảo vệ nhân tài. Nhưng, ngay trong nhân tài cũng phân chia thành chân nhân tài và ngụy nhân tài, nên để bảo vệ nhân tài càng cần loại bỏ những người nói năng khéo léo, nét mặt giả bộ niềm nở, vì đây thường là hạng người ít có lòng nhân. Những kẻ tính hay hồ nghi, chớ cùng lo toan việc lớn. Những kẻ đại gian lại giống như người trung, kẻ đại nịnh tuồng giống người thành tín, nhất là với những kẻ miệng lưỡi, thì đem danh lấy lợi làm bả mà nhử, qua đó để làm trong sạch đội ngũ nhân tài. Đó cũng chính là cách rất hữu nghiệm để bảo vệ nhân tài.
Thực tiễn xác tín, nghe và tin theo những kẻ xúc xiểm nhân tài, những kẻ manh tâm bôi nhọ nhân tài, rồi thoái thác trách nhiệm, xa lánh người ngay, bỏ mặc người trung, thì không chỉ tự hạ nhục nhân tài mà còn hạ nhục mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo, đã kiêu ngạo thì ắt ghét những người tài giỏi hơn mình; ưa những kẻ nịnh hót mình; thân cận là những kẻ vô tài bất lực, nhưng khéo nịnh hót a dua; xa cách hoặc dìm hãm những người tài có đức hay bàn ngay, nói thẳng; làm Đảng bớt mất nhân tài. Do thế, bảo vệ nhân tài một cách cương quyết không chỉ sự phồn vinh của quốc gia xã tắc bừng lên, không chỉ để cho nhân tài nảy nở, phúc ấm dân tộc mãi mãi dài lâu mà còn lấp lánh mãi trí huệ, danh dự, nhân nghĩa và liêm sỉ của người mang trọng trách tuyển chọn, trọng dụng, đối đãi với nhân tài. Làm trái đi, thì đấy chính là việc không đao mà hạ sát nhân tài và tự giết chết chính mình.
Năm, cộng cả 4 cái tội ấy cũng không nặng bằng tội đem cái mũ của bậc nhân tài đội lên đầu kẻ bất tài, vô hạnh; còn trù dập, sát hại nhân tài là đại trọng tội. Kỵ nhau còn gì bằng nước với lửa, thế mà khéo dùng, đem lửa đun nước, thì được bao nhiêu việc. Đó là sự khéo léo, cái kỳ tài trong việc tuyển, dụng nhân tài. Nhưng trong trọng dụng nhân tài, gặp người hiền mà không thể cất nhắc lên được hay cất nhắc được mà không kính cẩn đã là khinh mạn họ; gặp người không thiện mà không thể đuổi đi được hay đuổi đi mà không đuổi xa, ấy chính là lầm lỗi. Đó là tội đáng dành cho cả hai. Nhân tài rũ áo khoanh tay!
Trong việc dùng, không cất nhắc người căn cứ vào lời nói, không bỏ lời nói căn cứ vào người. Nếu không thích lời “trung ngôn nghịch nhĩ” mà bỏ đi người ngay, tin dùng kẻ biết nói lời xiểm nịnh, ton hót, cơ hội, lại dốt nát và tham lam, thì họa không ập ngay tới trước mắt mới lạ. Phải trái không rõ ràng, tiết nghĩa không giảng xét, thiên hạ sở dĩ loạn là tại thế. Nhất định tự mình rước lấy tội rồi! Sử sách từng ghi, thời mạt Trần, do trọng dụng kẻ bất tài, gian nịnh, đã trù dập tài năng, khiến cho không ít người tài trở thành những nhân tài cô đơn, nhân tài cô độc: Chu Văn An, Trần Nguyên Đán, Đỗ Lễ, Trương Đỗ, Nguyễn Bẩm... Nhân tài ngoảnh mặt!
Nguy ngập hơn, những kẻ đức nhỏ mà tuyển vào địa vị cao; trí cạn mà tham lam vô độ lại chọn vào nơi màn trướng, để lo việc lớn, thì việc chưa tàn canh, họa lớn quốc gia ắt rình ngay trước cửa. Vì những loại như thế giống như cọp. Nếu nuôi cọp thì phải cho nó ăn, bằng không tất nó ăn thịt mình. Tuyển chọn, sử dụng nhân tài mà vì lợi lộc, lại mặc cả đổi chác, sa vào bán tước mua quan, thì quốc gia tự chuốc cái loạn rồi! Đến lượt những người giữ trọng trách trong việc này không tự diệt mới là chuyện lạ! Tất nhiên, trù dập, sát hại nhân tài, mắc vào đại trọng tội!
Xin nhắc lại ý tưởng của người xưa, cách đây dù gần 2.400 năm: Trên mà không chính thì dưới có chính cũng thành ngụy, người hiền lành cũng biến thành kẻ gian tà. Và, cách đây hơn 200 năm, lời chiêm nghiệm của tiền nhân vẫn mang ý nghĩa thời sự: Dân chủ là chế độ chính trị khó nhất, vì nó đòi phải có dân trí thật cao, nhưng người ta thường quên nâng cao dân trí của chính mình, khi nắm được chủ quyền. Và, nếu người ta chà đạp công lý, bạc đãi nhân tài, thì đó chính là sự sỉ nhục đức hạnh hàng đầu của người cầm quyền.
Điều đó cảnh tỉnh những biểu hiện của thói “kiêu ngạo cộng sản”, “đầu óc ông tướng, bà tướng”, “vua con”... đang là “huyệt điểm chí tử” hiện nay trong việc chiêu hiền đãi sĩ ở mọi cấp và trên tất cả các phương diện.
Nói khái lược, chỉ nhân tài mới nhìn thấy, mới mời gọi, thu nạp được nhân tài và phục tùng lẫn nhau. Không nên để những bậc nhân tài cùng một “trướng” với những kẻ tiểu kỷ, tham lam. Trái thế, ắt “cỏ thường tươi tốt hoa thường héo”, nhân tài ngoảnh mặt và bỏ đi!
Khi ấy, dẫu nghìn lần tạ tội, cũng không sao còn kịp nữa rồi.
Lịch sử hơn 1.000 năm trước của ta xác tín: Nước trị hay loạn cốt ở trăm quan, người giỏi thì nước trị, người xấu thì nước loạn, các bậc đế vương sở dĩ hưng nghiệp được là nhờ dùng người quân tử, bị mất nước là bởi dùng kẻ tiểu nhân.
Hiện nay, vị thế, vai trò dẫn dắt quốc gia khó ai thay thế, trước hết thuộc về đội ngũ tinh hoa dù lãnh đạo hay quản lý, bao gồm các nhà chính trị gia, quản trị gia, kỹ trị gia, doanh gia có tầm nhìn xa rộng, là tấm gương về nhân cách chính trị, văn hóa và liêm chính; trước hết đội ngũ cán bộ đứng đầu bộ máy các cấp của Đảng, Nhà nước phải thật sự là những người trung thành với lợi ích quốc gia, những phần tử ưu tú, tinh hoa, liêm chính, tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân tộc, là tấm gương mẫu mực, nhân văn trọng thị và trọng đãi nhân tài. Đây là nhân tố căn bản, nguồn lực trung tâm thúc đẩy các nguồn lực cầm quyền của Đảng phát triển, phát huy vốn thiêng của dân tộc.
Các cơ quan đảng, các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức thành viên của hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội… phải thực sự là những cơ quan tinh hoa về đối đãi với con người, xứng đáng là môi trường chính trị, văn hóa để nuôi dưỡng, phát triển và tiến cử nhân tài mang tầm chiến lược phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước. Đây là nhân tố quyết định trực tiếp bổ sung nguồn lực con người vô giá trong cuộc cầm quyền của Đảng, sự quản trị quốc gia của Nhà nước, sức mạnh và thanh danh của nước nhà.