AI đã giúp nâng cao năng suất và hiệu quả công việc, trở thành “trợ thủ” đắc lực của người lao động trong nhiều công đoạn, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, song cũng đi kèm với những nguy cơ. Đặc biệt, sau sự xuất hiện của chatbot ChatGPT đình đám, ngày càng có nhiều lo ngại rằng công nghệ AI tạo sinh có thể “cướp đi” việc làm của con người.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Nghĩa, chuyên gia về AI từng giảng dạy tại Đại học UTS (Australia), nhận định rằng, AI có thể hiệu quả hơn con người trong một số lĩnh vực cụ thể, nhất là những lĩnh vực đòi hỏi xử lý lượng lớn dữ liệu, tính toán nhanh với tính chính xác cao, như phân tích dữ liệu, điều khiển máy móc trong sản xuất và quản lý hệ thống thông tin.
Trong các ngành sản xuất, logistics và dịch vụ, AI và robot đã thay thế con người trong các hoạt động thực hiện nhiều lần theo chu trình một cách chính xác và hiệu quả, giúp giảm thiểu rủi ro và tăng năng suất. Với khả năng tự động hóa quá trình thu thập và phân tích dữ liệu lớn, AI cũng có thể thay thế các nhà phân tích dữ liệu truyền thống trong lĩnh vực tài chính và tiếp thị. Ngoài ra, các chatbot tự động xử lý các yêu cầu và truy vấn của khách hàng sẽ giảm thiểu nhu cầu nhân lực cho dịch vụ khách hàng trực tiếp.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Nghĩa khẳng định, AI khó có thể thay thế được một số kỹ năng của con người, nhất là liên quan đến tương tác và cảm xúc. Khả năng sáng tạo và đổi mới cũng là hạn chế của AI. Quan trọng hơn, AI không có khả năng hiểu và xử lý đầy đủ các yếu tố phi logic liên quan đến nhận thức con người, bối cảnh văn hóa, xã hội hay đạo đức. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được thực hiện trên phạm vi toàn cầu cũng chỉ ra rằng, tác động lớn nhất của AI có thể là những thay đổi tiềm ẩn với chất lượng công việc, đặc biệt là cường độ làm việc và tính tự chủ, chứ không phải đảm nhận hoàn toàn, “xóa sổ” vai trò của người lao động, bởi hầu hết các công việc và các ngành nghề chỉ tiếp xúc một phần với tự động hóa.
Các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp có nguy cơ cao nhất rơi vào tay AI, nhưng theo thời gian, AI sẽ dần có tác động tích cực, tạo ra khoảng 69 triệu việc làm vào năm 2027, như dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). AI đang mở ra các cơ hội việc làm trong các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn hóa và kỹ năng cao như phân tích dữ liệu, bảo mật mạng và phát triển phần mềm. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp AI càng phát triển thì càng cần đến những chuyên gia, nhà khoa học dữ liệu, các kỹ sư phần mềm, các nhà nghiên cứu và quản lý AI. Sự hỗ trợ của AI, như tính năng tự động hóa những công việc thủ công, thu thập hay tổng hợp dữ liệu, cũng sẽ giúp người lao động có thêm thời gian cho hoạt động sáng tạo.
“Bức tranh toàn cảnh sẽ đem đến nhiều điều tích cực hơn là tiêu cực, với lợi ích chính là có thêm nhiều việc làm được tạo ra trong các lĩnh vực như giáo dục và nông nghiệp.” Giám đốc điều hành WEF, bà Saadia Zahidi dự báo, đồng thời khẳng định “AI sẽ đem đến rất nhiều cơ hội mở rộng và tăng trưởng”. Hơn thế nữa, AI cũng có thể trở thành cú hích tạo ra các ngành công nghiệp mới, kích thích tăng trưởng của các nền kinh tế.
Theo số liệu của ILO, công nghệ tự động hóa có khả năng ảnh hưởng tới 5,5% tổng số việc làm ở các nước có thu nhập cao, trong khi ở các nước có thu nhập thấp, con số này chỉ ở mức khoảng 0,4%. Mặt khác, tiềm năng tăng cường của công nghệ AI là gần như ngang nhau giữa các quốc gia. Điều này đồng nghĩa, nếu áp dụng các chính sách đúng đắn, làn sóng chuyển đổi công nghệ mới này có thể mang lại lợi ích quan trọng cho các nước đang phát triển.
So với các nước giàu, các nước đang phát triển được đánh giá là cởi mở và nhạy bén hơn trong việc ứng dụng AI trong mọi lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, phần lớn các công việc ứng dụng hoặc liên quan đến AI lại là các công việc cấp thấp, ít có cơ hội thăng tiến và thường không liên quan đến bằng cấp của người lao động. Chẳng hạn, nhiều công ty phương Tây đã chuyển các công việc phổ thông như dịch vụ kỹ thuật và hỗ trợ khách hàng thông qua việc đặt các trung tâm tổng đài chăm sóc khách hàng tại các nước đang phát triển như Ấn Độ, Philippines, Ghana, Uganda, Nigeria và Brazil để tiết kiệm chi phí hoạt động. Dù giúp tạo ra thêm hàng triệu việc làm mới, song những công việc này gần như không giúp người lao động trang bị thêm các kỹ năng để tận dụng hết lợi thế của công nghệ.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực và tận dụng cơ hội từ AI, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Nghĩa cho rằng, cần có chính sách mạnh mẽ trong việc cập nhật chương trình giáo dục, tăng cường đào tạo kỹ năng mới và hỗ trợ học tập suốt đời. Chính phủ và các tổ chức cần hỗ trợ và đào tạo lại người lao động, đặc biệt là những người ở độ tuổi trung niên và lớn tuổi, giúp họ thích nghi với công nghệ mới và chuyển đổi sang các ngành nghề có nhu cầu cao hơn. Bản thân người lao động cần tự trang bị cho mình một bộ kỹ năng đa dạng, từ kỹ năng kỹ thuật, gồm tư duy lập trình, kiến thức về máy học và học sâu… cho đến các kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý, và quan trọng nhất là nhận thức đạo đức để đảm bảo sử dụng công nghệ một cách có trách nhiệm.
Đồng quan điểm, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Geneva, nhà nghiên cứu cao cấp của ILO, ông Paweł Gmyrek khẳng định, người lao động cần được đào tạo các kỹ năng chuyển đổi kỹ thuật số. Ông nêu rõ: “Thực tế lịch sử từ những lần chuyển đổi công nghệ trước đây cho thấy, sự tham gia của người lao động vào quá trình phát triển công nghệ có thể mang lại kết quả rất tích cực. Xét về mặt năng suất, những công ty vượt lên trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số với năng suất cao hơn chính là những công ty, nơi công nghệ không bị áp đặt mà được thiết kế đồng bộ với lực lượng lao động.”
Rõ ràng, các tác động kinh tế xã hội của AI tạo sinh sẽ phụ thuộc phần lớn vào cách thức các chính phủ quản lý sự phổ biến của công nghệ này. Các quốc gia cần phải xây dựng những chính sách hỗ trợ quá trình chuyển đổi có trật tự, công bằng và có tham vấn. Việc định hướng chính sách sao cho phù hợp sẽ quyết định đáng kể đến khả năng của một xã hội trong việc tối ưu hóa lợi ích từ AI, đồng thời giảm thiểu những rủi ro về tỷ lệ thất nghiệp cao. Theo Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, “đầu tư vào cơ sở hạ tầng và kỹ năng kỹ thuật số, cũng như mạng lưới an toàn xã hội mạnh mẽ, sẽ quyết định tốc độ áp dụng AI và tác động của công nghệ này đến năng suất lao động.” Nhìn chung, sự phát triển của AI sẽ tiếp tục mang lại cả thách thức và cơ hội. Điều quan trọng là các cá nhân và cộng đồng cần được chuẩn bị và đào tạo để có thể thích nghi với những thay đổi này, đảm bảo rằng công việc của họ không chỉ duy trì mà còn có thể phát triển trong kỷ nguyên của AI.