Lời thì thầm buồn của tượng gỗ
Một ngày giữa mùa gió chướng tháng 3, chúng tôi theo chân già làng Rơ Châm Nglun ở làng Kép I, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah (Gia Lai) tới thăm khu nhà mồ tại làng Kép I, làng Kép II nằm phía cuối làng. Cách trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ia Mơ Nông khoảng chừng 500 mét về phía Tây Bắc, đi qua những ngôi nhà sàn xinh xắn nép mình bên con đường đất trải dài, Rơ Châm Nglun dẫn đi tham quan quang cảnh của làng và giới thiệu một vài nét về phong tục tập quán cũng như đời sống sinh hoạt của bà con Jrai nơi đây.
Đã không còn trẻ, nên bằng những am hiểu tường tận các thiết chế văn hóa của làng, già Rơ Châm Nglun cho biết: “Linh hồn của người Jrai chính là khu vực nhà mồ! Bởi đó là nơi bắt đầu cho một cuộc sống mới ở thế giới khác. Khi bắt đầu bước chân vào "thế giới bên kia”, những người con của làng cũng cần được chia phần của cải, những vật dụng thiết yếu nhất để sinh hoạt, cũng như cần đến sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cháu như khi đang còn sống. Chính vì thế, để giúp người sang thế giới bên kia được vui vẻ cùng với Yang - Atau (ông bà, tổ tiên), những bức tượng gỗ, tượng nhà mồ chính là những người hầu để “đưa đường” cho những linh hồn đã khuất”.
Dưới những gốc cây cổ thụ rêu phong, những bức tượng hình người, vật với đủ hình thù kì dị đứng yên lặng trong bóng chiều quạnh hiu, u tịch. Không gian trầm lặng càng làm cho những bức tượng gỗ có hồn, có cảm xúc đặc biệt, với các cung bậc cảm xúc, lòng tiếc thương như của người sống đối với người đã khuất. Các tượng gỗ với rất nhiều hình tượng phong phú, đa dạng về cách thể hiện xung quanh quan niệm về sự sinh thành. Một cặp tượng trai gái đang giao hoan, bên cặp tượng trai gái đó là tượng người đàn bà đang mang thai, còn các góc quanh rào là tượng những hài nhi đang ngồi khóc trong hoài tưởng…
Bao đời rồi, người Tây Nguyên như những già làng luôn đau đáu nỗi niềm tượng gỗ. Những thân gỗ vô tri qua bàn tay và tâm hồn của những người nghệ nhân già như già Uế đã biến thành những người phụ nữ giã gạo, dệt vải, là cánh đàn ông vào rừng săn bắn, đi rẫy, là không khí lễ hội rộn ràng của buôn làng cùng những khuôn mặt tươi vui khi biểu diễn nhạc cụ, nhảy múa, uống rượu cần... là người đàn ông đàn bà đang yêu, là người mẹ bồng con chờ chồng đi chiến trận...
"Mỗi bức tượng là cả một trời thương nhớ mà người nghệ nhân khắc vào đó lòng mình, sự hi vọng của mình. Đó là cả tâm tưởng, cả nền văn hóa, cả sự dồn nén bao năm tạc nên thành thân tượng!", già Rơ Châm Nglun mông lung nói thế trong nắng cao nguyên vàng rực. Nhưng lão buồn, vì có nhiều nghệ nhân dân gian hiện nay thích làm cho tượng của mình giống với thực tế cuộc sống hơn, sống động hơn, gần gũi hơn nên vô tình đánh mất tính trầm tư, khái quát và hoành tráng vốn có của tượng nhà mồ truyền thống. Nội dung thì ngày càng nhiều thêm, trong khi đó tính nghệ thuật lại ngày một mất đi. Già Rơ Châm Nglun tiếc lắm.
Miên man dưới những gốc cây cổ thụ rêu phong, những bức tượng hình người, vật với đủ hình thù kì dị đứng yên lặng trong bóng chiều quạnh hiu, u tịch. Không gian trầm lặng càng làm cho những bức tượng gỗ có hồn, có cảm xúc đặc biệt, với các cung bậc, lòng tiếc thương như của người sống đối với người đã khuất.
Các tượng gỗ với rất nhiều hình tượng phong phú, đa dạng về cách thể hiện xung quanh quan niệm về sự sinh thành, là một cặp tượng trai gái đang giao hoan, là tượng người đàn bà đang mang thai, hay là tượng những hài nhi đang ngồi khóc trong hoài tưởng… Với trí tượng tưởng cũng như những quan niệm đã có từ lâu, những bức tượng nhà mồ được tạo nên đều lấy hình ảnh từ cuộc sống thường ngày, rất gần gũi và thân quen. Với cộng đồng nơi đây, tượng nhà mồ mang tất cả thông điệp, hơi thở cuộc sống buôn làng cho những linh hồn sang thế giới của Yang – Atâu.
Day dứt miền hư ảo
Tôi đã đi nhiều buôn làng ở Tây Nguyên, gặp nhiều người đẽo tượng nhà mồ. Hiểu rằng với cộng đồng nơi đây, tượng nhà mồ mang tất cả thông điệp, hơi thở cuộc sống buôn làng cho những linh hồn sang thế giới của Yang – Atâu. Những người đẽo tượng đã thổi hồn vào những thớ gỗ, biến những thớ gỗ thành hình dáng con người, thổi vào đó hồn cốt của những nỗi niềm mang chở khao khát và ý nguyện của tộc người mình trên khắp dải đất nắng gió này.
Những bức tượng nhà mồ được tạo nên từ đôi bàn tay trần trụi rám nắng, bằng tình cảm nén chìm tròng lòng qua bao mùa rẫy, để rồi bật lên là dáng hình người đàn bà ôm mặt khóc thể hiện sự hoài niệm về cuộc sống, người trai trẻ rộn tiếng ching chiêng trong không khí hồ hởi, âm vang trong sinh hoạt cộng đồng hay tượng thể hiện hình những con vật trung thành, gần gũi được gửi theo để phục vụ người chết…
Từng nhát búa, nhát đục, nhát rìu, của người nghệ nhân vung lên là cả một tâm tư mà họ muốn gửi vào trong những thớ gỗ. Để rồi, qua từng thời khắc, họ gửi gắm vào trong đó những điều mơ ước về một thế giới bên kia khoáng đạt, bao la và đầy vui sướng. Mỗi bức tượng được tạo tác không chỉ từ đôi bàn tay tài hoa, mà còn là cả sự tâm tình như với người đã khuất, được dựng lại trong trí nhớ và trong cả niềm tin tưởng không bao giờ mờ phai.
Chỉ buồn một nỗi tượng nhà mồ hiện đang dần thay đổi. Sau giờ phút huy hoàng của lễ Pơthi (lễ bỏ mả), cùng với thời gian với năm tháng, nắng mưa đã làm những bức tượng gỗ mục nát, tan biến vào với đất. Dẫu biết rằng với cộng đồng dân tộc Tây Nguyên, thì tượng nhà mồ đã trở thành một nét văn hoá tâm linh không thể tách biệt, gắn chặt với cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây, nhưng nhìn những bức tượng đang dần mục nát kia, nhiều người không khỏi cảm thông cho nỗi buồn của những thân tượng mang ý nghĩa tâm linh dọc theo suốt hành trình cuộc sống ở thế giới A tâu. Không chỉ thế, thời gian gần đây, những thay đổi lớn trong đời sống sinh hoạt cộng đồng các dân tộc thiểu số phần nào tác động đến quan niệm nghệ thuật tạc tượng nhà mồ. Một nguyên nhân khác khiến tượng mồ ngày càng thưa vắng, đó là các loại gỗ được chọn để làm tượng là cà chít, căm xe… đã trở nên khan hiếm. Và lại càng buồn hơn bởi hiện nay ở các khu nghĩa địa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, là những ngôi mộ xây bằng bê tông cốt thép đang thay thế nhà mồ truyền thống đang ngày một nhiều lên.
Khi những ngôi nhà mồ ngày càng bị “Kinh hóa”, hay “Tây hóa” và đang dần mai một đi những nét văn hóa đặc trưng, khu biệt của văn hóa bản địa tây nguyên. Tượng nhà mồ được làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả và chỉ có tác dụng trong những ngày lễ hội mà thôi.
Cứ thế, chỉ sau lễ bỏ mả, tượng mồ dần dần bị lãng quên và năm tháng, nắng mưa sẽ dần dà làm hư hỏng, tan biến những tác phẩm nghệ thuật tượng mồ vào với đất. Cứ thế, trong mênh mang chiều đại ngàn khi nói chuyện với người khách lạ đến từ đồng bằng, thi thoảng lão nghệ nhân già Uế lại chỉ vào ngực trái, nơi trái tim già đang buồn da diết mà thở dài.
Mùa này đã qua tháng 3, nhiều tượng gỗ vẫn thâm trầm chở những nỗi niềm của mùa Ning Nơng, mùa của lễ hội chốn đại ngàn tới những A Tâu, nhưng, như già Rơ Châm Nglun nói, thì lo là đúng...