Đây là nhận định mới được Trưởng đoàn thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts đưa ra trong bản báo cáo cuối năm được công bố ngày 31/12, trong đó có lưu ý cần cẩn trọng trong khi ứng dụng công nghệ mới nổi này.
Trong báo cáo cuối năm, ông Roberts cho rằng AI có thể giúp các đương sự gặp khó khăn có nhiều cơ hội tiếp cận tư pháp hơn, cách mạng hóa các nghiên cứu pháp luật và hỗ trợ các tòa án giải quyết các vấn đề nhanh và tiết kiệm chi phí hơn. Tuy nhiên, AI cũng gây ra những lo ngại về tính riêng tư và không có khả năng đưa ra những suy xét chín chắn như con người. Ông dự báo AI sẽ có tác động đáng kể tới các công việc tư pháp, đặc biệt là ở cấp độ xét xử dù vai trò của các thẩm phán vẫn tồn tại.
Hiện nay, nhiều tòa án cấp thấp hơn ở Mỹ cũng đang cân nhắc cách để ứng dụng AI tốt nhất trong lĩnh vực pháp lý. Theo ông Roberts, việc sử dụng AI cần đi kèm với sự cẩn trọng và khiêm tốn, tránh để những thông tin "ảo" do AI sáng tạo len lỏi vào các hồ sơ tòa án. Những sự cố này trên thực tế đã xảy ra ở Mỹ như sự việc mới đây, cựu luật sư đại diện cho cựu Tổng thống Donald Trump, Michael Cohen, cho biết từng vô tình cung cấp trích dẫn không đúng sự thật do chương trình AI tạo ra cho người được ủy quyền và thông tin này sau đó đã được đưa vào hồ sơ chính thức đưa lên tòa án.
Tháng trước, tòa phúc thẩm cấp liên bang ở New Orleans đã đề xuất văn bản luật nhằm quản lý việc các luật sư làm nhiệm vụ trước tòa này sử dụng các công cụ AI, đánh dấu tòa phúc thẩm liên bang đầu tiên trong số 13 tòa ở Mỹ đề xuất một dự luật như vậy. Theo đó, các luật sư phải có chứng nhận không sử dụng các chương trình AI để soạn thảo các văn bản trình lên tòa hoặc nếu có thì những tài liệu này đã được người có thẩm quyền đánh giá tính chính xác.