Tính đến nay, công tác thu thập dữ liệu dân cư đã đạt 98% dân số cả nước, gần 70 triệu hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chip đã được thực hiện và gần 65 triệu thẻ CCCD gắn chip đã được in và trả cho người dân.
Thủ tướng cũng đã ký quyết định phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là đề án).
Đáng chú ý, trong năm 2022, đề án đặt mục tiêu bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân bằng việc tích hợp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó người dân chỉ cần sử dụng thẻ CCCD và ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID).
Trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, y tế, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức...
Cũng trong năm 2022, 100% dữ liệu công dân sẽ được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được cấp số định danh cá nhân và được cấp thẻ CCCD gắn chip trong độ tuổi
Đặc biệt, đề án đặt mục tiêu hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu thuế để phục vụ xác thực thông tin về người nộp thuế trong giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực thuế, giúp 100% người nộp thuế không phải khai báo lại các thông tin thay đổi đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Giấy chứng minh nhân dân (CMND) và thẻ CCCD là những giấy tờ quan trọng đối với tất cả mọi người. Hiện nay rất nhiều công dân đều đã được làm thủ tục đổi từ CMND sang thẻ CCCD.
Có một số người dùng CMND loại 9 số đổi sang thẻ CCCD sẽ được cấp mã số định danh mới (12 số).
Về lâu dài, Dữ liệu Quốc gia về dân cư sẽ được liên thông đến tất cả các lĩnh vực nên sữ liệu trên CCCD sẽ được cập nhật đến tất cả các giấy tờ khác. Tuy nhiên, hiện nay khi việc chia sẻ Dữ liệu Quốc gia về dân cư chưa được liên thông hết các lĩnh vực thì những giấy tờ của công dân sử dụng CMND loại 9 số trước đây để đăng ký, đứng tên…nay khi đổi sang thẻ CCCD mới (12 số) thì người dân nên chủ động cập nhật để tránh gặp rắc rối không đáng có. Những loại giấy tờ đó có thể kể đến như:
Hộ chiếu
Hộ chiếu là giấy tờ quan trọng của mỗi công dân khi làm thủ tục xuất, nhập cảnh. Do trên hộ chiếu thể hiện thông tin cá nhân của mỗi người, trong đó có số CMND/CCCD nên khi công dân đổi từ CMND 9 số sang thẻ CCCD thì nên đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú, tạm trú để làm thủ tục sửa đổi hộ chiếu.
Cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng
Khi số CMND thay đổi thì thông tin cá nhân trong các hồ sơ tài khoản ngân hàng cũng không còn trùng khớp. Trong khi việc chia sẻ Dữ liệu Quốc gia về dân cư chưa được liên thông hết các lĩnh vực thì việc thay đổi thông tin của tài khoản ngân hàng ảnh hưởng không nhỏ đến các giao dịch.
Do đó, để đảm bảo thống nhất, trùng hợp trong các giấy tờ thì người dân sau khi đổi từ CMND 9 số sang thẻ CCCD thì nên đi cập nhật, điều chỉnh thông tin tài khoản ngân hàng.
Thay đổi thông tin đăng ký thuế
Khoản 2, Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019 quy định người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế thì phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.
Do đó, trong trường hợp người nộp thuế là cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì khi thay đổi thông tin đăng ký thuế (ví dụ CMND, CCCD…) thì phải thông báo đến cơ quan thuế để được cập nhật, chỉnh sửa.
Giấy tờ nhà đất: Sổ đỏ, sổ hồng
Điểm a, khoản 1, Điều 5, Thông tư 23/2014 của Bộ Tài nguyên mà Môi trường (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4, Điều 6 Thông tư 33/2017) có quy định về việc ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận.
Thông tin ghi trên giấy chứng nhận bao gồm: Cá nhân trong nước thì ghi “Ông” (hoặc “Bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú.
Giấy tờ nhân thân là giấy chứng minh nhân dân thì ghi “CMND số:…”; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi “CMQĐ số:…”; trường hợp thẻ Căn cước công dân thì ghi “CCCD số:…”; trường hợp chưa có Giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân thì ghi “Giấy khai sinh số…”.
Như vậy, thông tin số CMND/CCCD của người sử dụng, sở hữu đất đai được ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Việc thay đổi số CMND/CCCD không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất, không bắt buộc người sử dụng đất phải cập nhật thay đổi. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro giao dịch mua bán sau này (nếu có) nên cân nhắc thay đổi lại cho khớp số trên thẻ CCCD gắn chip.
Sổ bảo hiểm xã hội, sổ bảo hiểm y tế
Sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) của công dân không thể hiện trực tiếp thông tin số CMND/CCCD trên sổ, thẻ nên công dân không phải làm thủ tục đổi sổ BHXH, thẻ BHYT mới khi đổi từ CMND 9 số qua thẻ CCCD gắn chip 12 số.
Tuy nhiên, để thực hiện các thủ tục liên quan như tra cứu quá trình tham gia BHXH, hạn sử dụng BHYT…thì công dân cần làm thủ tục cập nhật thông tin hồ sơ BHXH, thẻ BHYT.
Hiện nay, trong số gần 65 triệu thẻ CCCD gắn chip đã được in và trả cho người dân, Bộ Công an đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích hợp 36 triệu dữ liệu thẻ BHYT lên thẻ CCCD nhằm phục vụ người dân và cơ quan y tế xác thực thông tin công dân khi tham gia khám, chữa bệnh được thuận tiện.