40 tỉnh, thành phố được phủ sóng 5G

Thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, kể từ khi được cấp phép thử nghiệm mạng và dịch vụ 5G, đến tháng 6-2022, ba nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đã thử nghiệm dịch vụ 5G tại 40 tỉnh, thành phố.

Trong đó, Viettel dẫn đầu với số lượng vị trí trạm thu phát sóng 5G (gấp 2 lần nhà mạng đứng thứ 2) trong cả nước, tiếp sau là các nhà mạng VNPT-VinaPhone, MobiFone. Trong năm nay, Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng phạm vi, quy mô thử nghiệm 5G tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc phù hợp với kế hoạch phát triển 5G của mỗi nhà mạng.

nlntv-mang5g-1658277288.jpg
Viettel là đơn vị tiên phong trong triển khai mạng 5G tại Việt Nam. Ảnh: Trần Thọ.

Cùng với đó, các nhà mạng đẩy nhanh tiến độ phủ điểm lõm sóng băng rộng di động (3G, 4G, 5G). Tính đến ngày 4-7, các doanh nghiệp đang triển khai đồng bộ các trạm đến giai đoạn lắp đặt hạ tầng truyền dẫn, dự kiến đến 30-7 tới sẽ phủ sóng được toàn bộ 355 thôn còn lại.

Bộ TT&TT cũng cho biết, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang ước tính chiếm 72%, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021; mục tiêu đạt 75% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang vào năm 2022 theo kế hoạch.

Số thuê bao băng rộng cố định ước đạt 20,5 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 21 thuê bao/100 dân), tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái; mục tiêu đến tháng 12-2022 đạt 22 thuê bao/100 dân. Số thuê bao băng rộng di động (3G, 4G, 5G) đạt 82 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 83 thuê bao/100 dân), tăng 20% so với cùng kỳ; mục tiêu đến tháng 12-2022 đạt 85 thuê bao/100 dân.

Theo dự thảo báo cáo tóm tắt kết quả hoạt động của ngành TT&TT 6 tháng đầu năm của Bộ TT&TT, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin ước đạt 72,5 tỷ USD tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử ước đạt 57 tỷ USD (tăng 16,4% so với cùng kỳ), trong đó xuất khẩu máy tính ước đạt 29,1 tỷ USD (tăng 21,8%) và xuất khẩu điện thoại ước đạt 27,9 tỷ USD (tăng 11,2% so với cùng kỳ).

Đặc biệt, trong cơ cấu doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin 6 tháng qua, tỷ lệ giá trị Make in VietNam đạt hơn 26,7% với giá trị ước đạt khoảng 19,4 tỷ USD.

Trong dự thảo báo cáo, Bộ TT&TT cho biết, số doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến nay ước đạt 67.300, tăng 3.422 doanh nghiệp so với tháng 12-2021, đạt tỷ lệ xấp xỉ khoảng 0,69 doanh nghiệp/1.000 dân (bằng 98% kế hoạch năm là 0,7 doanh nghiệp/1.000 dân).

Như vậy, trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã liên tục tăng trưởng, từ mức 45.600 doanh nghiệp năm 2019 lên 58.000 năm 2020 và đạt 64.000 doanh nghiệp năm 2021. Mục tiêu kế hoạch đặt ra năm 2022 Việt Nam sẽ đạt 70.000 doanh nghiệp.

Còn theo Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030, mục tiêu đến năm 2025 sẽ phát triển 80.000 doanh nghiệp công nghệ số.

Tuy nhiên, việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại các địa phương không được đồng đều. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tập trung chủ yếu vào 4 địa phương với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 rất cao như: TP Hồ Chí Minh (3,19), Hà Nội (2,29), Đà Nẵng (2,24) và Bắc Ninh (1,02). Tổng số doanh nghiệp công nghệ số của 4 tỉnh, thành phố này chiếm hơn 72% tổng số doanh nghiệp công nghệ số của cả nước.

Trong khi đó, có nhiều tỉnh, thành tỷ lệ này còn ở mức rất thấp, với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân chỉ ở mức 0,07 so với tỷ lệ trung bình chung (0,677) nên chưa đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.