128 người tử vong do tai nạn giao thông trong 3 ngày nghỉ đầu tiên

Trong 3 ngày nghỉ Tết Quý Mão đầu tiên có hơn 11.500 ca khám, cấp cứu liên quan tai nạn giao thông, 128 trường hợp tử vong.

Thông tin từ Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chiều mùng 2 Tết Quý Mão 2023, trong 3 ngày nghỉ Tết đầu tiên (từ 7h sáng 29 đến 7h sáng mùng 2), có hơn 11.500 ca khám, cấp cứu liên quan tai nạn giao thông. Hơn 1/3 trong số này phải nhập viện điều trị. Đây cũng là loại hình tai nạn có số bệnh nhân cao nhất trong tổng khám, cấp cứu chung (8%).

Đặc biệt, 128 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, tăng 12 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022.

tai-nan-giao-thong-494-1674467851.png
Cấp cứu, điều trị bệnh nhân tai nạn giao thông tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: D.N

Riêng từ sáng mùng 1 đến sáng mùng 2, hơn 3.300 người vào khám, cấp cứu, tăng nhẹ 3,7% so với cùng ngày Tết năm ngoái. Trong 24 giờ, 41 ca tử vong do tai nạn giao thông, gồm cả tử vong trước khi đến viện và tiên lượng nặng xin về, tăng 7 ca so với cùng ngày năm ngoái.  

Như vậy, liên quan đến tai nạn giao thông, số liệu về bệnh nhân khám, cấp cứu; bệnh nhân phải nhập viện; chuyển tuyến trên và tử vong đều tăng so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022. 

Cùng ghi nhận sự gia tăng về số lượng ca bệnh là tai nạn pháo nổ. Theo đó, sau 3 ngày nghỉ, 311 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, nhiều hơn 103 ca so với cùng kỳ Tết Nhâm Dần 2022. 29 trường hợp cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, ghi nhận 2 trường hợp tử vong.

4 người tử vong vì đánh nhau ngày Tết

Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, so với năm trước, số ca cấp cứu do đánh nhau năm nay giảm. Tổng 3 ngày nghỉ Tết có hơn 1.500 ca cấp cứu vì đánh nhau, 42% trong số đó phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 4 trường hợp tử vong.

Riêng từ sáng mùng 1 đến sáng mùng 2, có 447 trường hợp cấp cứu; trong đó 204 ca phải nhập viện, 29 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên. Ngày đầu tiên của năm mới cũng có 2 ca tử vong vì đánh nhau, trong khi cùng ngày năm ngoái không có ca nào. 

68 ca ngộ độc say rượu vào ngày đầu tiên của năm mới

Tổng số ca khám, cấp cứu rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn từ sáng mùng 1 đến sáng mùng 2 là 119 trường hợp, tăng 21,4% so với cùng ngày Tết Nhâm dần 2022. 

Trong đó, 68 trường hợp được xác định là ngộ độc/say rượu, bia giảm gần 3% so với cùng ngày Tết năm ngoái. Ghi nhận 5 trường hợp khai do ngộ độc thức ăn tự chế biến, chưa phát hiện vụ ngộ độc thực phẩm.

Trong 3 ngày nghỉ Tết đã có 306 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, chiếm 0,2% trong tổng số khám, cấp cứu. 3 ca tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, nhận định tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Quý Mão 2023, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu cho nhân dân.

Các đơn vị đã tổ chức thường trực 24/24 giờ; có phương án bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị (máy thở, oxy y tế ...) để tổ chức điều trị người bệnh Covid-19, cấp cứu do tai nạn giao thông, đánh nhau, tai nạn sinh hoạt, lao động, ngộ độc thực phẩm, sinh đẻ, sẵn sàng cấp cứu ngoại viện hỗ trợ tuyến dưới khi cần trong dịp nghỉ Tết.