10 nữ nhân Việt Nam toàn năng tự cổ chí kim

Theo dòng chảy lịch sử Việt Nam, người phụ nữ vẫn luôn được ngợi ca với nét đẹp truyền thống và tài trí phi thường. Nếu trong thời chiến họ là những người phụ nữ kiên cường bất khuất, thì trong thời bình, họ sử dụng trí tuệ, sự khéo léo của mình để chứng tỏ bản lĩnh trên thương trường lẫn chính trị. Dù là ai thì người phụ nữ nào cũng xứng đáng được tôn vinh.

1. Hai Bà Trưng – những vị nữ vương đầu tiên trong lịch sử

Nhắc đến hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị là nhắc đến tấm gương điển hình về người phụ nữ Việt Nam anh hùng. Ngay từ thuở sơ khai lịch sử, Hai Bà Trưng đã vượt qua mọi định kiến hà khắc về phụ nữ của lễ giáo phong kiến để đứng lên cầm vũ khí ra trận, đánh đuổi quân xâm lược, giành lại độc lập. Đại Việt sử ký toàn thư xem Trưng Trắc là một vị vua trong lịch sử, với tên gọi Trưng Nữ vương. Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng hiện nay là Di tích lịch sử Quốc gia.

10-nu-nhan-viet-nam-toan-nang-tu-co-chi-kim-1-1666251826.jpg
Đền thờ Hai Bà Trưng ở Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội

2. Bà Triệu Thị Trinh

Bà Triệu Thị Trinh sinh nǎm 226 trong một gia đình hào trưởng. Từ nhỏ, bà sớm tỏ ra có chí khí hơn người. Năm 248, Bà Triệu phất cờ khởi nghĩa ở vùng núi Nưa (Triệu Sơn, Thanh Hóa). Đông đảo nhân dân khắp hai quận Cửu Chân, Giao Chỉ nổi dậy hưởng ứng. Dù sau đó cuộc khởi nghĩa không thành công, Bà Triệu vẫn để lại hình ảnh người con gái kiên trinh bất khuất, người nữ anh hùng dân tộc giành lại giang sơn.

10-nu-nhan-viet-nam-toan-nang-tu-co-chi-kim-2-1666251926.jpg
Bà Triệu với hào khí hơn người đã chỉ huy nghĩa quân đánh đuổi quân Ngô

3. Nữ tướng Bùi Thị Xuân

Nữ tướng Bùi Thị Xuân là một trong Tây Sơn ngũ phụng thư, là chính thất của Thái phó Trần Quang Diệu. Tương truyền bà vừa có sức mạnh, vừa có sắc đẹp, nữ công khéo léo, chữ viết đẹp, giỏi múa kiếm đi quyền. Với tài nghệ kiếm thuật cộng với lòng dũng cảm, Bùi Thị Xuân cùng chồng nhanh chóng trở thành những tướng lĩnh trụ cột, góp công lớn trong công cuộc dựng nghiệp của nhà Tây Sơn ngay từ buổi đầu.

10-nu-nhan-viet-nam-toan-nang-tu-co-chi-kim-3-1666252309.jpg
Nữ tướng Bùi Thị Xuân văn võ song toàn

4. Hồ Xuân Hương – Bà chúa thơ Nôm

Trong lĩnh vực thi ca thì Hồ Xuân Hương là nhà thơ Nôm nổi tiếng nhất ở giai đoạn cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Bà để lại nhiều bài thơ độc đáo với phong cách thơ đặc trưng được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Hồ Xuân Hương được coi là một trong những nhà thơ tiêu biểu, độc đáo có một không hai trong lịch sử văn học dân tộc Việt Nam. Đặc điểm của thơ Hồ Xuân Hương là không bao giờ dửng dưng và lạnh nhạt, mà luôn ấm áp cháy bỏng và đầy xúc cảm như đang xúc động cho chính bản thân mình.

10-nu-nhan-viet-nam-toan-nang-tu-co-chi-kim-5-1666251826.png
Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương

5. Sương Nguyệt Anh - nữ Tổng biên tập đầu tiên

Sương Nguyệt Anh tên thật là Nguyễn Ngọc Khuê, sinh ngày 8/3/1864 tại Ba Tri (Bến Tre). Bà là con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Sương Nguyệt Anh để lại trong tâm trí người Việt Nam hình ảnh đẹp về một nữ chủ bút đầu tiên, một nhà thơ đa tài và một người tiên phong trong cuộc sống đấu tranh vì quyền lợi, địa vị của phụ nữ nước nhà. Ngày nay, tên bà được đặt cho nhiều đường phố, trường học, hội bút, câu lạc bộ... với niềm trân trọng, tự hào sâu xa.

10-nu-nhan-viet-nam-toan-nang-tu-co-chi-kim-6-1666251825.jpg
Nữ chủ bút Sương Nguyệt Anh của tờ Nữ giới chung

6. Nữ tướng Nguyễn Thị Định – nữ tướng đầu tiên của Quân đội Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Định xuất thân từ một gia đình nông dân tại tỉnh Bến Tre và bắt đầu tham gia Cách mạng từ năm 1936 với vai trò liên lạc, rải truyền đơn, vận động bà con chống lại sự áp bức, bóc lột ở địa phương. Bà được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938 và tiếp tục tham gia các phong trào cách mạng. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước. Bà được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1995.

10-nu-nhan-viet-nam-toan-nang-tu-co-chi-kim-4-1666251825.jpg
Nữ tướng đầu tiên của Quân đội Việt Nam Nguyễn Thị Định

7. Tôn Nữ Thị Ninh – người đàn bà thép của ngành ngoại giao

Bà là một trong những người phụ nữ nổi tiếng nhất trong thời kỳ Đổi mới của Việt Nam. Xuất thân trong một gia đình gốc Huế gia giáo, bà Tôn Nữ Thị Ninh đã học tập ở những ngôi trường danh tiếng như Đại học Cambrige (Anh), Đại học Sorbon (Pháp). Năm 1972, bà về nước làm việc theo tiếng gọi của Mặt trận giải phóng dân tộc. Công tác trong ngành ngoại giao hơn 20 năm, bà trở thành chiếc cầu nối thế giới và Việt Nam. Bà Tôn Nữ Thị Ninh là điển hình vượt qua mọi định kiến. Mỗi khi xuất hiện, bà cũng luôn gây ấn tượng về sự lịch thiệp, duyên dáng và đặc biệt là tầm vóc trí tuệ.

10-nu-nhan-viet-nam-toan-nang-tu-co-chi-kim-7-1666251826.jpg
 

8. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là nữ Chủ tịch Quốc Hội đầu tiên của Việt Nam. Bà là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất về mặt chính trị. Bà Ngân sinh năm 1954 tại tỉnh Bến Tre. Trước khi trở thành Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Phó Giám đốc Sở Tài chính Bến Tre, Giám đốc Sở Tài chính; Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương; Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Bộ Chính trị.

10-nu-nhan-viet-nam-toan-nang-tu-co-chi-kim-8-1666251826.jpeg
Nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

9. Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên

Doanh nhân Mai Kiều Liên sinh ngày 01/09/1953 tại Paris, Pháp. Bà sinh ra trong một gia đình trí thức với cả bố và mẹ đều là bác sĩ. Bà Mai Kiều Liên được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á và là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất Việt Nam. Bà Liên hiện đang giữ chức Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Là một người phụ nữ tài giỏi và quyết đoán, bà Liên đã chèo lái và đưa công ty sữa Vinamilk ngày một vững mạnh, trở thành một công ty sữa hàng đầu tại Việt Nam.

10-nu-nhan-viet-nam-toan-nang-tu-co-chi-kim-9-1666251826.jpg
Nữ doanh nhân Mai Kiều Liên

10. Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo sinh ngày 7/6/1970 tại Hà Nội, là một nữ doanh nhân, nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam. Bà Phương Thảo hiện nay là Chủ tịch Sovico Holdings, Tổng Giám đốc Vietjet Air. Bà Thảo từng học kinh tế và tài chính tại Nga, sau đó khởi nghiệp kinh doanh hàng hóa tại Đông Âu và châu Á. Quay về Việt Nam, bà mở hãng hàng không mang tên Vietjet Air, làm thay đổi thị trường hàng không Việt Nam. Thành công của Vietjet đã giúp bà Thảo trở thành tỷ phú Việt Nam và trở thành một trong những phụ nữ quyền lực nhất hiện tại. Bà cũng là nữ doanh nhân xuất sắc tại khu vực ASEAN và được Forbes vinh danh là một trong 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

10-nu-nhan-viet-nam-toan-nang-tu-co-chi-kim-2-10-1666251826.jpg
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo được mệnh danh là người phụ nữ quyền lực nhất Việt Nam

Theo dòng chảy lịch sử đầy vẻ vang của Việt Nam, người phụ nữ vẫn luôn được ngợi ca với nét đẹp truyền thống và tài trí phi thường. Nếu trong thời chiến họ là những người phụ nữ kiên cường bất khuất, thì trong thời bình, họ sử dụng trí tuệ, sự khéo léo của mình để chứng tỏ bản lĩnh trên thương trường lẫn chính trị. Dù có được đề cập hay không thì bất cứ người phụ nữ nào cũng xứng đáng được tôn vinh.

Bích Liên