Yêu cầu cơ bản đặt ra cho báo chí, truyền thông trong đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam hiện nay

KTDN
Trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay, việc phân định được đâu là những thông tin chuẩn xác, đâu là ảo tin, trá tin… quả là không dễ. Lợi dụng đặc điểm này mà các lực lượng thù địch dùng mọi thủ đoạn tấn công mạnh mẽ vào chế độ xã hội chúng ta, nhằm bôi nhọ chế độ, hạ bệ chính quyền, gây hoang mang trong nhân dân, tạo sự suy giảm lòng tin của dân với hệ thống chính trị. Báo chí, truyền thông là công cụ quan trọng của Đảng và chế độ trong việc định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ. Những yêu cầu cơ bản đặt ra cho báo chí, truyền thông trong việc đấu tranh có hiệu quả với những quan điểm sai trái, thù địch ở nước ta hiện nay được tác giả đề cập trong bài viết.

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, lý luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung quan trọng của cuộc đấu tranh giai cấp. Công tác này được các chính đảng của giai cấp công nhân đặc biệt quan tâm ngày từ những ngày đầu mới thành lập. Ý thức được những vấn đề đó, ngay từ khi ra đời, chủ nghĩa Mác - Lênin đã phải đấu tranh liên tục, không khoan nhượng với các quan điểm sai trái, tả khuynh, hữu khuynh, núp dưới các hình thức khác nhau. Bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Việt Nam được chúng ta chú ý từ ngày Đảng ra đời. Trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng qua các thời kỳ, đặc biệt là ở những thời kỳ vô cùng khó khăn của lịch sử, Đảng càng phải tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng; đấu tranh đẩy lùi các quan điểm sai trái, thù địch, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, đưa cách mạng đến thành công. Bảo vệ, duy trì và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách của toàn hệ thống chính trị và mọi lực lượng xã hội, trong đó báo chí, truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

anh-bai-yeu-cau-dat-ra-1-1716874322.jpeg
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số" ngày 27/10/2023. (Ảnh: Tuyengiao.vn)

Việc chống phá của các thế lực thù địch đối với học thuyết Mác - Lênin, đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội đã diễn ra từ khi học thuyết ra đời. Quá trình chống phá của kẻ thù ở các thời điểm có mức độ khác nhau. Sau khi chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, các thế lực thù địch tăng cường tấn công, phê phán chủ nghĩa Mác - Lênin, hạ thấp vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh, bôi nhọ, xuyên tạc quan điểm đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Trong thời gian gần đây khi Đảng và Nhà nước chủ động đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, các thế lực thù địch đã tăng cường mọi thủ đoạn, hình thức mới để xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng và hệ tư tưởng của Đảng. Đứng trước tình hình đó, ngày 22.10.2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới gắn với bối cảnh sự bùng phát mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Quán triệt tinh thần của Nghị quyết, xuất phát từ chức năng và nhiệm vụ là công cụ phục vụ chế độ, đồng thời bằng trách nhiệm với Đảng, chế độ, xã hội và nhân dân, báo chí, truyền thông đã thể hiện là một lực lượng quan trọng trên mặt trận tư tưởng hiện nay.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và truyền thông, hiện nay Việt Nam hiện có 808 cơ quan báo chí, bao gồm 138 báo và 670 tạp chí. Trong đó có 06 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực gồm: Báo Nhân dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam. Ngoài ra nước ta có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí trong đó có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học và 72 tạp chí văn học nghệ thuật. Đội ngũ nhân lực hoạt động trong lĩnh vực báo chí khoảng 41000 người, trong đó báo in và báo điện tử khoảng 24000 người, khối phát thanh truyền hình khoảng 16500 người. Như vậy, báo chí được xem là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Hoạt động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay phải được triển khai nghiêm túc, đồng bộ, rộng khắp trong toàn xã hội, trong đó vai trò của báo chí, truyền thông đặc biệt quan trọng, thể hiện trong việc lan tỏa và định hướng dư luận xã hội. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một nhiệm vụ thường xuyên được các cơ quan báo chí quán triệt, nghiêm túc thực hiện.

anh-bai-yeu-cau-dat-ra-2-1716874851.jpeg
Hội nghị Trung ương 4 khoá XIII ( Ảnh: Báo chính phủ)

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII tiếp tục chỉ rõ vai trò của báo chí trong tình hình mới là: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí và nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch…nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, quản lý chặt chẽ các trang tin điện tử, nhất là mạng xã hội”. Có thể thấy, trong bối cảnh hiện nay, sự bùng nổ các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã tác động rất lớn đến nhiều quốc gia trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, an ninh, chính trị. Sự tác động theo nhiều chiều, nhiều hướng cả tích cực lẫn tiêu cực. Đối với đất nước, từ khi chế độ mới được xây dựng, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đã tìm mọi cách để chống phá chế độ xã hội của chúng ta. Chúng muốn xóa bỏ thành quả mà nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đổ biết bao máu xương giành được để tạo dựng được như ngày hôm nay. Do đó, việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch là một nội dung đặc biệt quan trọng được Đảng ta hết sức quan tâm. Việc đấu tranh ngăn chặn những quan điểm sai trái, thù địch của các thế lực thù địch trên báo chí, truyền thông đang là một cuộc đấu tranh gay go, phức tạp và lâu dài. Trong cuộc đấu tranh này, các cơ quan báo chí, truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Để đảm bảo cho các cơ quan báo chí, truyền thông phát huy tối đa vai trò đặc biệt quan trọng của mình trong công cuộc đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch, cần phải chú ý thực hiện những yêu cầu cơ bản sau đây:

Thứ nhất, báo chí, truyền thông phải đảm bảo thông tin một cách rộng rãi và kịp thời các vấn đề, sự kiện mới nảy sinh

Thực tế cho thấy, khi nảy sinh các vấn đề chính trị, xã hội, nếu báo chí, truyền thông không thông tin kịp thời cho công chúng biết để thỏa mãn sự mong mỏi thì tất yếu họ sẽ tự tìm mọi cách để kiếm tìm thông tin. Và khi đó những thông tin, bình luận, đánh giá của các trang mạng, của các kênh truyền thông không chính thống sẽ khỏa lấp, đáp ứng nhu cầu của độc giả. Trong thời gian chưa có thông tin chính thống thì đây là cơ hội cho những thông tin sai lệch, bóp méo của các thế lực thù địch truyền bá đến độc giả một cách hiệu quả. Do đó, khi có các vụ việc nảy sinh, các cơ quan báo chí, truyền thông phải cung cấp nhanh nhất, thống nhất và khách quan nhất. Khi những thông tin chính thống được công bố sẽ là cơ sở cho các trang mạng xã hội có những “nguyên liệu” để chia sẻ tới cộng đồng, tiếp cận đến công chúng. Do đó, việc thông tin càng sớm, càng rộng rãi tới các đối tượng sẽ càng tạo hiệu ứng cao nhằm ngăn ngừa, chặn đứng những biểu hiện lợi dụng để xuyên tạc, bôi nhọ, kích động của các thế lực thù địch.

Thứ hai, báo chí, truyền thông khi đưa tin phải đặc biệt chú ý định hướng dư luận xã hội

Định hướng dư luận là chức năng quan trọng của báo chí, truyền thông. Do đó, việc đăng tải các nội dung thông tin phải tính đến khả năng dư luận xã hội sẽ tỏ thái độ ra sao? Điều này đòi hỏi trình độ chuyên môn, sự nhạy cảm chính trị và sự tinh tế nghề nghiệp của các phóng viên và ban biên tập, mà cụ thể hơn là tổng biên tập của các tờ báo, tạp chí, kênh truyền thông hay những người phụ trách bộ phận truyền thông của các cơ quan, đơn vị. Để thực hiện định hướng dư luận, đòi hỏi phải phát huy đạo đức nghề nghiệp của nhà báo một cách nghiêm túc. Định hướng do các cơ quan chức năng như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông đặt ra như một nguồn tin đúng đắn và sẽ được các nhà báo, ban biên tập chọn lựa sử dụng bài, tin, câu, chữ, ý tứ… mang tính chủ đích. Những định hướng thông tin này nhằm dẫn dắt dư luận xã hội, làm cho công chúng tin tưởng, tránh xa được những thông tin méo mó của các trang mạng không chính thức, bị lợi dụng bởi các thế lực thù địch. Để định hướng được dư luận thì cần phải có những chiến lược với những sản phẩm truyền thông phù hợp kết hợp với việc cung cấp, phân tích, định hướng thông tin đúng đắn.

Thứ ba, báo chí, truyền thông khi đưa tin phải chính xác, chân thực nhằm tạo dựng lòng tin với công chúng

Chính xác là một trong những tiêu chí cơ bản rất quan trọng của báo chí và các hãng truyền thông nếu không nói là quan trọng bậc nhất. Ngoài tính nhanh nhạy, kịp thời thì tính chính xác là những yếu tố quan trọng để tạo nên uy tín của tờ báo và hãng truyền thông. Đặc biệt thông tin chống chiến tranh tâm lý lại càng nhấn mạnh tính chính xác, có người lầm tưởng rằng để tuyên truyền thắng các thế lực thù địch, có thể dùng tất cả mọi thủ đoạn, kể cả nói không đúng sự thật.

Lý do, trước hết vì các thế lực thù địch thường thông tin dối trá, nếu chúng ta cũng thông tin không chính xác, thì ra cũng chẳng khác gì chúng. Chúng ta bị tầm thường hóa. Thứ hai, như đã nói ở trên, thế giới “đang thu hẹp”, những sự thật trước sau cũng sẽ được phơi bày, không ai có thể che giấu, kể cả báo chí. Thứ ba, như một hệ quả tất yếu, khi công chúng biết rằng báo chí, truyền thông nếu thông tin thiếu chính xác, sẽ làm mất uy tín và độc giả sẽ quay lưng ngay tức khắc là điều xảy ra.

Bởi vậy, thông tin khi công bố phải đảm bảo chân thực, chính xác đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc gìn giữ và mở rộng công chúng, tạo dựng uy tín và thương hiệu của các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống. Đây chính là chỗ để níu kéo độc giả trước những thông tin sai lệch, xấu độc của các thế lực thù địch mà ngày càng được che đậy hết sức tinh vi.

Thứ tư, nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức của báo chí, truyền thông

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại”

Muốn tuyên truyền bất cứ vấn đề gì trên báo chí, truyền thông thì trước hết các sản phẩm đó phải có nội dung hay, hình thức trình bày phải hấp dẫn. Điều này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng, các nội dung thông tin. Bên cạnh đó, hình thức của truyền tải thông tin phải thay đổi. Các phương tiện truyền tin phải đa dạng, phù hợp với yêu cầu của những người thụ hưởng. Do đó, việc đổi mới nội dung và hình thức nhằm nâng cáo chất lượng chuyển tải thông tin đến công chúng phù hợp với những thay đổi của xã hội là nhu cầu tất yếu. Các nội dung chuyển tải phải được chắt lọc, hàm lượng thông tin phải cao, đắt giá và cập nhật. Trong bối cảnh hiện nay với sự bận rộn của cuộc sống, độc giả, công chúng khó có thể dành thời gian đọc một bài viết quá dài, xem một đoạn clip quá lâu. Do đó, nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức của báo chí, truyền thông còn phải chú ý đến sự chắt lọc, cô đọng, ngắn gọn tới mức tối đa để công chúng dễ dàng tiếp nhận.

Thứ năm, nâng cao tư cách, đạo đức, nhân cách của những người làm báo chí, truyền thông

Điều ngày thể hiện trong công việc, trong bài viết, trong các tác phẩm báo chí và trong văn phong của các phóng viên, biên tập viên. Tư cách của phóng viên còn thể hiện trên từng câu, chữ trong bài viết. Những ngôn ngữ đả kích chua cay, trắng trợn hoặc thô thiển để phản bác các thông tin sai trái, thù địch không gây được tác dụng bằng những từ ngữ nhẹ nhàng, sâu sắc, văn hóa. Tư cách, đạo đức, nhân cánh của những người làm báo chí, truyền thông dần dần tạo thành uy tín trong lòng công chúng. Những tác phẩm báo chí, truyền thông của các tác giả có uy tín có tác động rất lớn đến nhận thức, tạo dựng niềm tin của độc giả để dẫn dắt họ ra khỏi những trận đồ bát quái của những âm mưu, thủ đoạn do các thế lực thù địch tạo ra.

Đạo đức, phong cách của đội ngũ những người làm báo chí, truyền thông đóng vai trò quyết định trong việc hình thành các sản phẩm truyền thông mang tính văn hóa, lành mạnh, chuẩn mực… góp phần định hướng dư luận và tạo cơ sở cho nền, phông văn hóa xã hội.

Thứ sáu, các bài viết, bài nói, các sản phẩm truyền thông phải thể hiện phong cách bút chiến: mạnh mẽ, quyết liệt phản công tận gốc, triệt để, sâu sắc đối với những thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật

Tính phê phán mạnh mẽ của báo chí, truyền thông phải thông qua các sản phẩm có chất lượng với những lý lẽ sắc bén, nội dung chặt chẽ.

Bằng cách khai thác ưu thế của Internet, của mạng xã hội… cần đưa các sản phẩm báo chí, truyền thông của chúng ta ra nước ngoài, đến được với đa số người Việt ở nước ngoài, nhất là Việt kiều. Chính việc đọc được các bài báo từ trong nước lâu dần cũng “ngấm” vào họ, không nhiều thì ít, rồi sẽ tác động đến nhận thức và hành vi của họ. Những sản phẩm truyền thông của chúng ta sẽ dần có chỗ đứng trong lòng công chúng nước ngoài, nơi sào huyệt nảy sinh của những tư tưởng sai trái, thù địch.

Như vậy, báo chí đóng vai trò định hướng chính cho mạng xã hội và hình thành dư luận xã hội. Báo chí, truyền thông chính thống đóng vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận, ảnh hưởng rất lớn đến công chúng, đây chính là lợi thế cơ bản. Do đó, việc chủ động và nâng cao chất lượng đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch của báo chí và các cơ quan truyền thông đóng vai trò quyết định. Những yêu cầu cơ bản đặt ra cho các cơ quan báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng cho việc đấu tranh hiệu quả với những luận điệu, quan điểm thù địch, sai trái của các thế lực thù địch đang hằng ngày, hằng giờ chống phá chế độ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trong tình hình mới./.

Ths Phan Thị Tâm; Ths Nguyễn Thu Hằng; Khoa LLCT & KHXHNV, Học viện An ninh nhân dân