Ngày 25/6 tại Hà Nội, TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam và gia đình Danh nhân Văn hoá Vũ Ngọc Phan đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông. Đến tham dự Lễ kỷ niệm có: Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Cố vấn cấp cao Nhà nước; NSND Lê Tiến Thọ, Uỷ viên Chấp hành TW Hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam; GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam; GS. Hồ Ngọc Đại; ông Bùi Duy Tảo, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực Nhân tài Việt Nam; Trung tướng, GS,TS Nguyễn Đình Chiến, Phó Chủ Tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực Nhân tài Việt Nam; thường trực TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực Nhân tài Việt Nam cùng các vị đại biểu là các Nhà khoa học, Viện sỹ, GS -TS, các nhà quản lý Doanh nghiệp lớn tại Việt Nam; các Uỷ viên BCH, Ủy viên TV Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực Nhân tài Việt Nam và ông Vũ Ngọc Phương, Chủ tịch TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực Nhân tài Việt Nam, đại diện Gia đình Danh nhân Văn Hóa Vũ Ngọc Phan.
Vũ Ngọc Phan xuất thân trong gia đình có truyền thống Nho giáo lâu đời, thủa nhỏ ông học chữ Hán rồi chuyển sang học chữ Pháp. Học rộng biết nhiều, là một trí thức yêu nước, ông sớm tham gia hoạt động xã hội. Trong các tác phẩm Văn học của ông, năm 1935 ông viết 2 tập sách Những trận đánh Pháp. Ông bị mật thám Pháp bắt và quản thúc một thời gian tại Hà Nội. Ông và vợ - Nhà thơ Hằng Phương, nguyên quán xã Gò Nổi, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bà là cháu ngoại nhà thơ Hoàng Diệu, cả hai ông bà đã giữ vững ý chí suốt đời của người Việt Nam yêu nước, của nhà trí thức Cách mạng chân chính. Nhà thơ Hằng Phương (Lê Hằng Phương) cũng là một Danh Nhân Văn hóa của Việt Nam.
Chia sẻ tại buổi lễ, Giáo sư Phong Lê: “Bác Phan là một trong những bậc thầy của tôi và là một trong những người sáng lập Viện Văn học vào năm 1959. Năm 1966, Vũ Ngọc Phan được Đại hội Văn nghệ dân gian lần I tin cậy giao trách nhiệm Tổng thư ký của Hội. Với vốn kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp phong phú, ở phần cuối đời, bác còn tiếp tục mở rộng việc hoạt động của mình sang đến hồi ký văn học. Cùng với bộ Nhà văn hiện đại và tập phê bình qua những trang văn cho ta nhận diện Vũ Ngọc Phan với tư cách tuy là người có gốc tổ Hải Dương nhưng am hiểu rất kĩ về Hà Nội 36 phố phường.
Cuộc đời trên dưới 60 năm hoạt động không ngừng nghỉ của Vũ Ngọc Phan đã để lại cho chúng ta những giá trị đồ sộ, trong đó phải kể đến bộ sách Nhà văn hiện đại và bộ Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam. Quả thực là một cuộc đời đáng kính trọng và một sự nghiệp đáng biết ơn.
Khoảng 30 năm gần đây khi chủ trì một số công trình về văn học Việt Nam hiện đại, khi hướng dẫn và chấm các luận án tiến sĩ, thạc sĩ về lý luận văn học, tôi luôn luôn nhắc nhở và nhấn mạnh bộ sách Nhà văn hiện đại là tài liệu không được phép vắng thiếu trong các thư mục của các học viên. Những ý kiến, đánh giá, nhận xét của Vũ Ngọc Phan luôn luôn là cơ sở, điểm tựa cho sự phát triển hoặc điều chỉnh luận điểm của các công trình luận án.
Vậy là ở tuổi 40 với đột phá của Nhà văn hiện đại và trở về với văn học dân gian khi tuổi đã 60, có thể nói 60 năm hành trình nghề nghiệp của Vũ Ngọc Phan là 60 năm gắn bó với các giá trị tinh thần trong di sản văn chương, học thuật dân tộc. Một điều ông từng kết luận trong tập Nhà văn hiện đại đó là “Văn chương tuy không bổ ích trực tiếp cho người đời như cơm, gạo nhưng nó chính là một thứ đồ ăn về tinh thần của một dân tộc văn minh. Nó chính là hồn của dân tộc biết suy nghĩ, biết nhận xét và luôn luôn có hy vọng chen vai, sát cánh cùng với những dân tộc hùng cường trên thế giới. Một dân tộc không biết trọng văn chương của mình chỉ có thể là một dân tộc man ri hay sắp đến ngày diệt vong”.
GS,TS Hồ Ngọc Đại tâm sự tại buổi lễ “Từ khi tôi mở trường thực nghiệm thì một trong những quan tâm lớn nhất và cũng là yếu nhất đối với tôi là cách dạy văn cho trẻ con. Quan điểm của tôi là trẻ con phải làm quen với văn học Việt Nam ngay từ lớp 1, vì vậy tôi đã tìm hiểu rất nhiều về các tác phẩm, tác giả và cuối cùng tôi chọn Vũ Ngọc Phan, bắt đầu từ ca dao tục ngữ. Khi tôi đọc bộ sách của Vũ Ngọc Phan thì bản thân tôi cũng học được rất nhiều điều, biết được dân tộc mình, biết được nền văn hóa của mình và đặc biệt học sinh của chúng tôi ở trường thực nghiệm đều rất yêu văn học Việt Nam và kính trọng các tác giả. Đến với dịp này tôi cũng muốn bày tỏ rằng những danh nhân văn hóa bất kì thời nào thì vẫn mãi là tượng trưng linh hồn của dân tộc, của thời đại”. Đại diện gia đình, ông Vũ Ngọc Phương gửi lời cảm ơn và bày tỏ tâm tư đến toàn bộ bộ quý quan khách đã đến tham dự buổi lễ “Trong ngày lễ trọng thể này, tôi vô cùng cảm kích quý vị đã dành thời gian có mặt tại đây cũng như đã tưởng nhớ đến người cha của chúng tôi, xin trân trọng cảm ơn!”
Với sự nghiệp văn học gần 60 năm của ông đã để lại một khối lượng đồ sộ các tác phẩm trước tác và dịch thuật, nhiều bài viết báo và tạp chí với nhiều thể loại văn học. Ông cũng là người có công mở đầu cho phê bình văn học hiện đại nước nhà và là người đầu tiên nghiên cứu phân loại văn hoá dân gian một cách có hệ thống, có khoa học.