Ông Nguyễn Văn Long, quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đầu tháng 11/2019, các nhà khoa học của Hoa Kỳ đã công bố nghiên cứu thành công chủng virus dịch tả lợn châu Phi nhược độc. Đây là tiền đề quan trọng cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Từ tháng 7/2020, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cho phép nhập khẩu chủng giống virus dịch tả lợn châu Phi, sản xuất vaccine phòng, chống bệnh tả lợn châu Phi tại Việt Nam. Sau đó, Công ty CP thuốc Thú y Trung ương (Navetco) đã triển khai nghiên cứu. Qua 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, kết quả toàn bộ số lợn tiêm vaccine được bảo hộ. Còn trong điều kiện sản xuất, có 80% số lợn tiêm vaccine được bảo hộ.
Bộ NN&PTNT đã thành lập các Hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp Bộ và tổ chức hàng chục cuộc họp với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, nhà quản lý và nhà sản xuất vaccine trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, Việt Nam đã chính thức sản xuất được vaccine thương mại phòng bệnh tả lợn châu Phi, đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm vô trùng, an toàn và hiệu lực, độ dài miễn dịch kéo dài 6 tháng, qua đó góp phần bảo vệ an toàn cho chăn nuôi lợn.
“Việt Nam là quốc gia đầu tiên công bố vaccine dịch tả lợn châu Phi. Vaccine là công cụ quan trọng để phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian tới, góp phần thêm vào việc xây dựng chuỗi thịt lợn không những chỉ đáp ứng thực phẩm cho hơn 90 triệu dân trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu”- ông Tiến cho hay.
Chia sẻ về giá cả vaccine dịch tả lợn châu Phi, ông Trần Xuân Hạnh, Phó Tổng Navetco cho biết, dự kiến giá vaccine dịch tả lợn châu Phi sẽ từ 34.000 - 36.000 đồng/liều, tương đương vaccine phòng bệnh tai xanh.
Mức giá này người chăn nuôi, chủ trang trại hoàn toàn có thể chấp nhận được vì một số vaccine cũng có giá tương đương.
Thậm chí, theo lãnh đạo Navetco, mức giá vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi sẽ còn giảm, vì trong giai đoạn đầu doanh nghiệp phải trả phí chuyển giao, mua giống cho đối tác bên Mỹ.
Về tiềm năng xuất khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi, ông Hạnh cho biết, phía đối tác Mỹ sau khi biết thông tin Việt Nam sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi đã đề nghị Việt Nam chuyển giao cho Dominica vì nước này đang có dịch, hay Philippines, các nước trong khu vực cũng muốn được chuyển giao, sử dụng giống vaccine này cho chăn nuôi.
"Đối với nhu cầu sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi trong nước và kể cả xuất khẩu, khả năng nguồn lực của công ty hoàn toàn có thể đáp ứng được" - ông Hạnh khẳng định.
Được biết, từ tháng 2/2020, việc nghiên cứu, sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi chính thức được thực hiện cùng với sự phối hợp của các chuyên gia Mỹ.
Ngày 17/5/2022, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã có thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam xác nhận vaccine NAVET-ASFVAC đảm bảo an toàn, hiệu lực.