Vì sao suất đầu tư Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đắt hơn gấp đôi cao tốc Bắc – Nam?

Lương Đàm
Suất đầu tư đường vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh dự kiến khoảng 910 tỉ đồng/km (bao gồm cả giải phóng mặt bằng), trong đó chi phí xây dựng khoảng 294 tỉ đồng/km, đắt hơn gấp đôi chi phí xây dựng cao tốc Bắc - Nam khoảng 132 tỉ đồng/km.
duong-my-phuoc-tan-van-mot-trong-nhung-doan-thuoc-vanh-dai-3-tphcm-da-dau-tu-hoan-thanh-1642240519.jpg
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương), một trong những đoạn thuộc Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đã đầu tư hoàn thành

Đắt hơn gấp đôi cao tốc Bắc - Nam

Vành đai 3 dài hơn 90 km, chạy qua TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, trong đó phần qua TP. Hồ Chí Minh dài gần 48 km, chiếm hơn 50%.

Giai đoạn này dự án làm 4 làn xe cao tốc, 2 làn đường song hành hai bên và giải phóng một lần theo quy hoạch (8 làn xe, 2 đường song hành vỉa hè...).

Trong cơ cấu tổng mức đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng với đường song hành hai bên đã hơn 52.468 tỉ đồng, còn chi phí xây dựng đường cao tốc khoảng 32.000 tỉ đồng.

vanh-dai-3-1642240519.jpg
Sơ đồ tuyến Vành đai 3 TPHCM

Qua tính toán cho thấy suất đầu tư đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh khoảng 910 tỉ đồng/km (bao gồm mặt bằng, xây dựng đường cao tốc, đường song hành...), trong đó chi phí xây dựng khoảng 294 tỉ đồng/km.

So với chi phí xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam khoảng 132 tỉ đồng/km, chi phí xây dựng Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh đắt hơn gấp đôi.

Theo ông Phan Công Bằng – Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh, suất đầu tư Vành đai 3 cao hơn cao tốc Bắc - Nam do phụ thuộc vào nhiều yếu tố địa hình, thiết kế, nút giao, cầu vượt sông...

Cụ thể, về quy mô mặt cắt ngang, đường Vành đai 3 được dự kiến xây dựng theo quy mô cao tốc tương tự cao tốc Bắc - Nam, tuy nhiên Vành đai 3 đi qua khu vực dân cư hiện hữu có hệ thống đường song hành cần đầu tư đồng bộ.

Ngoài ra, đường Vành đai 3 đi qua khu vực đô thị, giao cắt hệ thống đường giao thông khu vực, cần bố trí nút giao khác mức với mật độ trung bình khoảng 6km/nút. Trong khi đường cao tốc Bắc - Nam khoảng 14,5km/nút thì mật độ nút giao vành đai 3 cao hơn khoảng 2,4 lần.

Trên tuyến có các nút giao rất lớn như nút Tân Vạn, nút giao đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành, TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài... có quy mô lớn, cần đầu tư đồng bộ.

Còn với xử lý đất nền, đường Vành đai 3 có hơn 50% chiều dài tuyến đi qua vùng đất yếu cần xử lý để đáp ứng yêu cầu khai thác, chi phí xử lý nền khá lớn làm tăng tổng mức đầu tư.

Mới đây tại buổi làm việc với bộ ngành, địa phương liên quan, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, mức đầu tư Vành đai 3 như trên là quá cao, đắt hơn nhiều dự án cao tốc trong nước nên yêu cầu các bên liên quan rà soát, gồm kinh phí xây dựng, giải phóng mặt bằng...

Hiện UBND TP. Hồ Chí Minh đã đề nghị các tỉnh liên quan rà soát lại quy mô đầu tư, bao gồm khái toán chi phí giải phóng mặt bằng để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện dự án.

Tiền đâu để đầu tư?

Để thực hiện dự án vành đai 3, TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp nghiên cứu 4 kịch bản đầu tư PPP và nhận định huy động từ nguồn vốn tư nhân khoảng 15.411 tỉ đồng, chỉ chiếm 18% so với tổng mức đầu tư.

Do thời gian hoàn vốn kéo dài 29 năm, khó thu hút nhà đầu tư. 4 địa phương có dự án đi qua ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, do đó rất khó khăn trong việc bố trí vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng, làm đường song hành hai bên trong giai đoạn 2021 - 2026.

4 địa phương TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An thống nhất kiến nghị Trung ương bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương để đầu tư dự án. Trường hợp không cân đối đủ toàn bộ kinh phí, đề xuất Trung ương ưu tiên tối đa phần kinh phí để thực hiện và các tỉnh bố trí nguồn vốn còn lại để đầu tư dự án.

Theo ông Phan Công Bằng, trường hợp yêu cầu các địa phương bố trí vốn đầu tư, Quốc hội cần cho phép một số cơ chế đặc thù để các địa phương có thể huy động nguồn vốn làm dự án.

Cụ thể, phát hành trái phiếu Chính phủ cho các địa phương có dự án đi qua vay lại. Dư nợ của việc phát hành trái phiếu hoặc khoản vay lại không tính vào hạn mức bội chi của ngân sách địa phương.

Phương thức trả nợ bằng nguồn thu đấu giá quyền sử dụng quỹ đất có liên quan dọc tuyến (theo thẩm quyền TP. Hồ Chí Minh) và các nguồn vốn hợp pháp khác hoặc cho phép đấu giá quyền thu phí sau khi hoàn thành dự án tạo nguồn thu ngân sách để trả nợ.

Ngoài ra, cho phép các địa phương sử dụng ngân sách của địa phương để bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đầu tư các hạng mục thuộc dự án Vành đai 3 (là tuyến đường có liên vùng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương). Phần dự kiến kinh phí này không tính trong hạn mức đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Lương Đàm

Lương Đàm

09:54 16/01/2022

Tin hay