Văn học Việt Nam 2021: Làn sóng quay trở lại của các tác phẩm xưa

Việc in lại, đọc lại những tác phẩm cũ không phải là mới. Tuy nhiên, trong năm 2021 vừa qua, điều này đã trở thành một khuynh hướng nổi bật và được nhiều nhà xuất bản chú trọng.

nlntv-toa-dam-van-hoc-vietnam-1641456818.png

Tọa đàm “Văn học Việt Nam - một năm nhìn lại” được tổ chức hoàn toàn dưới hình thức online. (Ảnh chụp màn hình)

Một năm đặc biệt của nền văn chương nước nhà đã được tóm gọn trong tọa đàm trực tuyến “Văn học Việt Nam - một năm nhìn lại”. Tọa đàm do khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Ban Văn học Nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam VOV6 tổ chức livestream vào ngày 27/12/2021 trên trang Facebook của VOV6.

Những món ăn tinh thần chưa bao giờ ngán

Theo PGS.TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng Khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2021 là một năm kém sôi động của thị trường xuất bản nói chung. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống văn chương và minh chứng rõ ràng nhất cho điều đó là sự thiếu vắng của những tác phẩm thực sự xuất sắc. Trong bối cảnh sức mua không được bảo đảm, các nhà xuất bản đã lựa chọn một hướng đi an toàn là xuất bản lại những tác phẩm cũ.

nlntv-toa-dam-van-hoc-vietnam-2-1641456851.png

Những truyện ngắn chưa từng được công bố của Nam Cao sẽ được xuất bản trong năm 2022. (Nguồn: sachxua.vn)

“Ta cứ tưởng trong năm vừa qua, văn học cũng chẳng có gì để xuất bản nhưng tôi vừa mới được biết nhà phê bình Lại Nguyên Ân vừa mới tập hợp gần hai mươi truyện ngắn chưa từng xuất bản của Nam Cao thành một tập. Kể cả những tác giả từ trước năm 1975, có những sách cấm thì bây giờ cũng đã được xuất bản và bán khá chạy”, PGS.TS Phạm Xuân Thạch chia sẻ về những tác phẩm cũ sẽ được xuất bản trong tương lai.

Biên tập viên của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, bà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy cho rằng sắp tới các nhà xuất bản sẽ còn tiếp tục in lại hàng loạt các tác phẩm Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1945. Những tác phẩm văn học kinh điển của Nam Cao, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng,... sẽ tiếp tục được gửi đến tay độc giả.

Về hướng đi của Nhà xuất bản Nhã Nam trong việc tái bản sách cũ, bà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy chia sẻ: “Nhã Nam nhận ra cơ hội đầu tư và nhìn thấy thị hiếu của mọi người khi tìm về những giá trị xưa cũ để làm giàu vốn tri thức của bản thân. Những dòng văn học này có sức sống bền bỉ, có thể không phải là “bestseller” nhưng nó sẽ được bán đều đặn từ năm này qua năm khác. Không chỉ Nhã Nam mà nhiều đơn vị khác cũng theo đuổi điều đó”.

Cũ nhưng không đơn điệu

Đại diện từ phía Nhà xuất bản Trẻ, biên tập viên Nguyễn Hải Đăng cho biết năm sau, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập chi nhánh Nhà xuất bản Trẻ tại Hà Nội, nhà xuất bản sẽ có kế hoạch in lại các tác phẩm của những tác giả nổi bật khu vực phía Bắc. Nhà xuất bản muốn khán giả tìm đọc lại những tác phẩm văn học Việt Nam đương đại của Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Huy Thiệp,...

Anh Nguyễn Hải Đăng nhận định: “Bên cạnh việc tìm những hạt giống văn chương và phát triển đội ngũ viết mới thì các cơ quan phát hành phải có chiến lược để đưa cho người đọc những tác phẩm được đánh giá cao. Đối với tôi, việc in lại các cuốn sách cũ là một việc vô cùng xác đáng và có ý nghĩa lớn, nhất là đối với những bạn trẻ”.

nlntv-toa-dam-van-hoc-vietnam-3-1641456911.png

Tập truyện ngắn gây tranh cãi của Nguyễn Công Hoan (Nguồn: Blog Nhà văn Nguyễn Công Hoan)

Đi sâu hơn về những dự án bí mật của việc xuất bản sách cũ, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn học, ông Nguyễn Anh Vũ nhận định tiềm năng tái xuất bản những dòng sách cũ là rất lớn. Ông cho rằng nhiều tác phẩm có chủ đề ngày trước được xếp vào hàng cấm kỵ nay đã được nhìn nhận lại và phát hành ra thị trường, việc xuất bản tập truyện Nông dân và địa chủ của Nguyễn Công Hoan là một ví dụ điển hình cho điều này.

Trong buổi tọa đàm, ông Nguyễn Anh Vũ cũng đã giới thiệu về một dự án mới của Nhà xuất bản Văn học: “Chúng tôi sẽ giới thiệu một tủ sách chuyên về những tác phẩm cải cách ruộng đất và có rất nhiều nhà văn nổi tiếng tham gia tủ sách này. Việc tìm lại những vốn cũ và làm mới lại những tác phẩm đã xuất bản là một hướng đi, một trào lưu trong năm vừa rồi”.
nlntv-toa-dam-van-hoc-vietnam-4-1641456944.png

Dòng sách siêu sang đang được rất nhiều độc giả săn đón. (Nguồn: Báo Nhân dân)

Không chỉ vậy, tại buổi tọa đàm, Biên tập viên của Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, bà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy cũng nói thêm về “một hiện tượng rất đặc biệt trong ngành xuất bản năm 2021”. Đó chính là việc in lại dòng sách siêu sang. Sự kiện cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ của tác giả Hocquard được nhiều nhà xuất bản in lại thể hiện rõ việc dòng sách tái bản, khảo cứu, danh tác đang có sức cạnh tranh khốc liệt.

Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ, bà Khúc Thị Hoa Phượng nói về việc tái bản sách cũ: “Việc tác phẩm Xóm Cầu mới đã được ra mắt đã chứng minh cho khuynh hướng tái bản sách hồi ký. Trong thực tế, nhà xuất bản đã tái bản ba cuốn hồi ký và được độc giả đón nhận rất nhiệt tình”. Người đứng đầu nhà xuất bản Phụ nữ cũng đã giới thiệu một số hồi ký nổi bật đã được xuất bản như Cô bé nhìn mưa của Đặng Thị Hành, Nước vẫn chảy dưới chân cầu Mụ Kề của kiến trúc sư Hoàng Hữu Phê, Khát vọng sống của Nguyễn Cảnh Bình, Cha tôi của Nhất Linh,...

Vũ Trương - NLNTV