Ukraine hối thúc phương Tây tăng trừng phạt Moscow, Nga cảnh báo cứng rắn

Lương Đàm
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thúc giục phương Tây nhanh chóng tăng cường trừng phạt Nga để ngăn chặn Moscow "rảnh tay" leo thang các biện pháp chống nước này.

Trong thông điệp video tối 28/3 (giờ địa phương), ông Zelensky tỏ rõ sự tức giận khi cho rằng, hồi năm ngoái, phương Tây đã tính toán sai trong việc trì hoãn áp trừng phạt và Nga đã mở chiến dịch tấn công quân sự vào Ukraine sau đó.

tong-thong-ukraine-volodymyr-zelensky-1648543506.jpg
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters

"Một cuộc chiến toàn diện đã bắt đầu. Giờ đây, có nhiều gợi ý và cảnh báo rằng, các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn, chẳng hạn như lệnh cấm vận đối với các nguồn cung dầu mỏ của Nga cho châu Âu, phải được triển khai nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học. Không đơn giản chỉ có lời nói ... Chúng tôi, những người còn sống, đang phải chờ đợi. Tất cả những gì quân đội Nga đã làm cho đến nay không đáng để áp lệnh cấm vận dầu mỏ hay sao?", tổng thống Ukraine nói, thỉnh thoảng đập tay lên bàn.

Chiến sự bùng phát ở Ukraine hơn một tháng qua là cuộc xung đột lớn nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến hai. Cho đến nay, cuộc chiến đã khiến hơn 3,8 triệu người dân Ukraine phải rời bỏ đất nước đi lánh nạn, hàng nghìn người chết hoặc bị thương.

Mỹ và các đồng minh ở châu Âu và châu Á đã thực thi một số biện pháp trừng phạt nhằm cô lập nền kinh tế Nga. Song, ông Zelensky tin, những biện pháp đó chưa đủ mạnh để ngăn chặn hành động của Moscow.

doan-xe-thiet-giap-cua-nga-tien-sat-thanh-pho-cang-mariupol-1648543506.jpg
Đoàn xe thiết giáp của Nga tiến sát thành phố cảng Mariupol, Ukraine. Ảnh: Reuters

Reuters dẫn lời lãnh đạo Kiev khẳng định: "Nếu các gói trừng phạt yếu hoặc không phát huy hiệu lực đủ mạnh, nếu chúng có thể bị phá vỡ, điều đó sẽ tạo ra ảo tưởng nguy hiểm cho giới lãnh đạo Nga giống như họ sẽ được phép tiếp tục làm những gì họ đang làm. Người Ukraine đang phải trả giá cho điều này bằng mạng sống của mình. Hàng nghìn sinh mạng".

Mỹ đã cấm vận dầu mỏ Nga, nhưng châu Âu tỏ ra do dự hơn trước động thái này vì phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung năng lượng từ xứ sở bạch dương. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu giải thích, việc ban hành một lệnh cấm như vậy sẽ kích hoạt suy thoái và tình trạng thất nghiệp hàng loạt.

Ông Zelensky kêu gọi phương Tây viện trợ cho Kiev thêm nhiều máy bay, xe tăng, đạn pháo để chống lại các lực lượng Nga. Ông quả quyết, người dân Ukraine không đáng phải chết vì "ai đó không thể tìm thấy đủ dũng khí để trao những vũ khí cần thiết" cho họ. Ông khuyến cáo các lãnh đạo phương Tây rằng sự sợ hãi sẽ biến họ thành "tòng phạm" và "phải chịu trách nhiệm về thảm họa do binh lính Nga gây ra đối với các thành phố của Ukraine".

Ngược lại, trong một cuộc phỏng vấn cùng ngày với hãng thông tấn PBS, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên án những biện pháp trừng phạt gần đây của Mỹ, Canada, Australia và các nước Tây Âu, bao gồm cả tịch thu tài sản, phong tỏa các quỹ và ngăn chặn các quan hệ tài chính của Nga, là "cuộc chiến thương mại" chống Moscow.

"Đừng đẩy chúng tôi vào đường cùng. Chúng tôi phải tự thích nghi trước thực tế mới. Các bạn phải hiểu Nga", ông Peskov nhấn mạnh.

phat-ngon-vien-dien-kremlin-dmitry-peskov-ngo-1648543506.jpg
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngồi trước màn hình có chiếu hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: The Guardian

Theo báo Guardian, ông Peskov cũng tái đổ lỗi cho Mỹ và các đồng minh NATO đã phớt lờ những quan ngại về an ninh của Moscow dù giới chức Nga đã nêu cho phương Tây biết từ vài thập niên qua.

Về nguy cơ quá trình cung ứng năng lượng cho châu Âu có thể gián đoạn sau khi G7 từ chối thanh toán các lô hàng bằng đồng Rúp như yêu cầu mới của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người phát ngôn quả quyết Moscow sẽ "không làm từ thiện và gửi khí đốt miễn phí cho Tây Âu”. Ông Peskov để ngỏ khả năng Moscow sẽ cắt đứt hoạt động xuất khẩu khí đốt cho khu vực.

Trước câu hỏi về quan điểm của Nga đối với việc xúc tiến tấn công hạt nhân, ông Peskov đáp: "Trước hết, chúng tôi chắc chắn rằng tất cả các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt của chúng tôi ở Ukraine sẽ được hoàn thành. Song, tất nhiên, bất kỳ kết quả nào của chiến dịch này không phải là lí do cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi có quan niệm an ninh công khai rất rõ rằng, chỉ khi có mối đe dọa đối với sự tồn tại của nhà nước ở Nga, chúng tôi mới có thể và sẽ thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân để loại bỏ mối đe dọa đó”.

Các phát biểu của phát ngôn viên Điện Kremlin được đưa ra trong bối cảnh nhiều chuyên gia phân tích nhận định, do chưa thể giành chiến thắng nhanh chóng vì vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của người Ukraine, quân đội Nga ngày càng tập trung vào việc đánh bại các lực lượng Kiev ở phía đông nước láng giềng, với hy vọng buộc Kiev từ bỏ phần lãnh thổ ở đây để có thể kết thúc chiến tranh.