Đào tạo gắn kết với thị trường lao động
Em Vũ Văn Chiến (Ba Vì, Hà Nội) vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông với 24 điểm và quyết định chọn nghề kỹ thuật máy lạnh thuộc trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội. “Trước khi em chọn trường cao đẳng, em cũng đã tìm hiểu và được thầy cô tại trường phổ thông trung học tư vấn. Bố mẹ em cũng ủng hộ quyết định chọn học cao đẳng vì em muốn có một nghề để có việc làm. Dự định sau khi tốt nghiệp, em dự định đi làm doanh nghiệp, sau đó có thể về quê mở cửa hàng”, Vũ Văn Chiến chia sẻ.
Trong khi đó, em Nguyễn Đăng Bình (Đông Sơn, Thanh Hoá) tự nghiên cứu về nghiề nghiệp trên mạng và lựa chọn theo nghề kỹ thuật cơ khí tại trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh. “Ở quê, nhiều anh chị đi học đại học nhưng ra không có việc làm. Chính vì vậy, em cũng suy nghĩ rất nhiều sau khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Do đó, sau khi tìm hiểu, em quyết định lựa chọn nghề để có thể làm việc tại lĩnh vực cơ khí, điện máy mà tại quê em đang có nhu cầu”, Bình chia sẻ.
Bà Nguyễn Phương Anh, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội cho biết: “Trường đã tuyển sinh 2 đợt trong tháng 7 và tháng 8. Từ tháng 9, trường vẫn đang tiếp nhận hồ sơ. Đến nay, trường đã tuyển được 240 học sinh hệ trung cấp và hơn 500 học sinh hệ cao đẳng, gần đạt chỉ tiêu (782 chỉ tiêu của năm 2023)”.
Năm nay, xu hướng học sinh lựa chọn ngành nghề ra có việc làm rõ nét. “Ngay như hệ 9+ (hệ trung cấp kết hợp học văn hoá), từ tháng 5, trường đã nhận 150 hồ sơ của học sinh. Điều đó có nghĩa là 150 em sau khi học hết lớp 9, xác định tốt nghiệp THCS là đi học nghề. Số còn lại đợi kết quả thi vào lớp 10 công lập không đỗ mới tiếp tục nộp hồ sơ vào trường”, bà Nguyễn Phương Anh chia sẻ.
Còn TS Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lilama 2 (Đồng Nai) cho biết: “Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 1.600 em, đến nay trường đã tuyển 1.300 em; trong đó, riêng hệ 9+ được hơn 800 em”.
Năm nay, bên cạnh những ngành nghề truyền thống, Trường Cao đẳng Lilama 2 tuyển sinh mảng đào tạo lớn là nhân sự cho ngành hàng không. Việc đào tạo được các bên phối hợp để cung ứng lao động cho dự án sân bay Long Thành. Học sinh sẽ học nhiều ngành nghề liên quan như bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, khai thác, điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, thiết bị mặt đất...
Để tối ưu nguồn lực, trường sẽ liên kết với một số đơn vị đào tạo của các hãng bay lớn. Chương trình đào tạo sẽ được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 học tại trường với những kiến thức, kỹ năng theo chuẩn trang thiết bị của trường. Giai đoạn 2 sẽ học tại trung tâm đào tạo của các hãng bay ấy, nhằm tận dụng được các trang thiết bị sẵn có của họ để sinh viên có nhiều cơ hội thực hành gắn với thực tế nhất. “Trường dự định tuyển sinh 200 em và đến nay đã tuyển được 50 em”, TS Nguyễn Khánh Cường chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết: “Theo kế hoạch, chỉ tiêu 2023 của trường với hệ cao đẳng tuyển 300 em, trung cấp 80 em. Đến nay, trường đã tuyển 234 sinh viên hệ cao đẳng (đạt 78%), hệ trung cấp đạt 37 học sinh. Số lượng tuyển sinh đến thời điểm này tương đương năm 2022. Trường vẫn đang tiếp tục tuyển sinh đến 15/11.
“Điểm mới năm nay, trường đã ký kết và triển khai đào tạo song hành với 4 doanh nghiệp du lịch kể từ học kỳ 2 năm học này. Điều đó là học sinh, sinh viên được đào tạo song hành, học đi đôi với làm. Năm nay có 2 nghề hệ cao đăng là kỹ thuật chế biến món ăn và hướng dẫn du lịch được giảm 70% học phí cho sinh viên nên số lượng tuyển với lĩnh vực kỹ thuật chế biến món ăn tăng hơn năm trước”, bà Diệp chia sẻ,
Ưu thế gắn với với việc làm
Theo ghi nhận từ cơ sở, các trường có thế mạnh về đào tạo gắn với thị trường lao động, việc làm được các em học sinh quan tâm lựa chọn theo học. Bà Đinh Bích Diệp cho biết: "Bên cạnh học sinh trên địa bàn, có những em từ Đắk Lắk tìm về trường theo học. Do học gắn với thực hành ngay tại doanh nghiệp từ năm thứ 2 nên tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm trên 90%".
Mặc dù vậy, bên cạnh những trường nghề tuyển sinh có hiệu quả, nhiều trường nghề cũng đang gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân do tuyển sinh hệ cao đẳng, trung cấp chưa được đưa vào hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục Đào tạo nên việc tiếp cận của trường nghề với người học cũng vất vả và tốn nhiều nguồn lực hơn. Hiện các trường phải tự liên hệ, đẩy mạnh công tác truyền thông qua các kênh của nhà trường, mạng xã hội và từ chính cựu sinh viên, học sinh của trường. Do đó, nếu cơ sở dữ liệu của giáo dục phổ thông, đại học và các trường nghề được liên thông sẽ giúp phân luồng tuyển sinh dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, các trường đại học cũng tuyển “thoáng” hơn trước. Trước đây, trong khi các trường đại học xét tuyển theo điểm thi thì khối trường nghề xét tuyển theo học bạ với điều kiện chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, các trường đại học đa dạng phương thức xét tuyển khiến các trường cao đẳng, trung cấp phải chờ đến cuối mùa tuyển sinh mới biết được có tuyển đủ chỉ tiêu hay không. Để thích ứng với sự cạnh tranh ngày càng cao, một số trường nghề đã chủ động đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp để tạo việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp.
Dù không thuận lợi khi tuyển sinh, các trường nghề vẫn cố gắng tìm hướng giải quyết, trong đó tập trung vào các ngành nghề chất lượng cao để thu hút người học. Với phương châm lấy người học làm trung tâm, lấy tỷ lệ có việc làm của người học sau khi tốt nghiệp là mục tiêu phấn đấu, các trường nghề cũng đang tìm lối đi riêng để tuyển sinh tốt hơn.
Đối với hệ 9+, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông khi cho phép các trường nghề tổ chức đào tạo Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông tại trường; Phân cấp cho các Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ở địa phương thẩm định hồ sơ của các trường nghề đảm bảo giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông theo quy định và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; Hướng dẫn về kinh phí tổ chức Chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông và cấp trung học cơ sở đối với các trường nghề.