Trước trận Trân Châu Cảng, Nhật Bản từng đánh chìm tàu chiến Mỹ ở Trung Quốc - Kỳ 1

Trước khi Nhật Bản đánh chìm các tàu chiến Mỹ trong trận Trân Châu Cảng năm 1941, quân đội nước này đã từng làm chìm một con tàu khác của Mỹ ở Trung Quốc.

Kỳ 1: Vụ tấn công ở Trung Quốc

Đó là một ngày khắc sâu vào ký ức chung của nước Mỹ: ngày 7/12/1941. Đây là ngày máy bay chiến đấu của Đế quốc Nhật Bản thực hiện một cuộc tấn công bất ngờ và tàn khốc vào Trân Châu Cảng (Hawaii), đánh chìm và làm hư hỏng 19 tàu Hải quân Mỹ, phá hủy 180 máy bay Mỹ và giết chết trên 2.400 người Mỹ, cả quân nhân và thường dân. Đây là ngày khiến Mỹ tham gia vào Thế chiến thứ hai.

Nhưng vụ đánh chìm tàu chiến Mỹ đầu tiên của Nhật Bản không xảy ra vào ngày đó, hay thậm chí là năm đó và cũng không xảy ra gần Trân Châu Cảng, hay thậm chí là trên đất Mỹ. Sự kiện xảy ra bốn năm trước, vào một ngày ít được nhớ đến hơn, cách Hawaii hàng nghìn kilomet, trên một con sông nằm sâu trong Trung Quốc.

nlntv-pany3623-1685922596.jpg
Tàu USS Panay. Ảnh: CNN

Vào ngày 12/12/1937, pháo hạm trên sông của Hải quân Mỹ USS Panay và ba tàu chở dầu của Công ty Standard Oil đang sơ tán các công dân Mỹ bị mắc kẹt tại Nam Kinh (Trung Quốc) khi Nhật Bản đưa quân vào đây. Khi đó, các tàu này bị tấn công từ trên cao một cách tàn bạo. Sự việc rất gây chú ý vì khi đó, Mỹ và Nhật Bản không có chiến tranh.

Chín máy bay chiến đấu Nakajima đã bắn phá các tàu Mỹ bằng súng máy, bắn cả vào xuồng cứu sinh của tàu, trong khi ba chiếc Yokosuka của Nhật Bản trút xuống ít nhất 20 quả bom 60 tấn. Bốn người chết, gồm hai thủy thủ Mỹ, một thuyền trưởng tàu chở dầu và một nhà báo Italy. Trên 40 binh sĩ và thường dân bị thương.

Cuộc tấn công vô cớ gây sốc đến mức nhiều người cho rằng Mỹ sẽ tuyên chiến ngay lúc đó. Nếu như vậy, vị trí của Panay trong lịch sử có thể đã không bị lu mờ trước các sự kiện bốn năm sau đó.

Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng vụ chìm tàu Panay dù sao cũng là một sự kiện quan trọng, giúp xoay chuyển dư luận Mỹ trong cuộc xung đột mà một số học giả coi là sự khởi đầu của Thế chiến II ở châu Á.

Sự kiện cũng gieo mầm cho quá trình hủy diệt Nhật Bản trong cuộc xung đột toàn cầu sắp xảy ra.

Trong thực tế, một số nhà sử học nói rằng để hiểu đầy đủ ngày diễn ra sự kiện Trân Châu Cảng, trước tiên người ta phải hiểu chuyện gì đã xảy ra với tàu USS Panay.

Vụ thảm sát Nam Kinh và điềm gở

Mặc dù ở Mỹ, người ta thường coi Chiến tranh Thế giới thứ hai bắt đầu với tuyên bố của Tổng thống Franklin Roosevelt một ngày sau trận Trân Châu Cảng, nhưng ở những nơi khác trên thế giới, người ta lại nghĩ cuộc chiến này bắt đầu sớm hơn nhiều. Ở châu Âu, người ta thường coi Thế chiến II bắt đầu từ cuộc xâm lược Ba Lan của Đức Quốc xã vào năm 1939; ở châu Á, nhiều người cho rằng nó còn xảy ra trước đó nữa, thời Đế quốc Nhật Bản xâm lược Trung Quốc.

Chiến tranh toàn diện giữa hai quốc gia châu Á này nổ ra vào năm 1937, khoảng sáu năm sau khi Nhật Bản xâm chiếm tỉnh Mãn Châu của Trung Quốc.

Sau khi quét qua Bắc Kinh và Thượng Hải, các lực lượng Đế quốc Nhật Bản đã nhắm đến thủ đô Nam Kinh của Trung Quốc lúc bấy giờ, nơi diễn ra một trong những tội ác tàn bạo nhất trong thời chiến của thế kỷ 20.

Theo phán quyết sau chiến tranh của Tòa án Quân sự Quốc tế vùng Viễn Đông, trong vụ thảm sát Nam Kinh vào tháng 12/1937, quân đội Nhật Bản giết trên 200.000 người và thường dân không vũ trang, đồng thời hãm hiếp và tra tấn hàng chục nghìn phụ nữ và trẻ em gái. Trung Quốc đưa ra con số người chết lên trên 300.000.

Trong bối cảnh vụ việc, tàu Panay đã ra khơi. Khi Quân đội Đế quốc Nhật Bản tràn xuống Nam Kinh, các báo cáo bắt đầu tràn đến Đại sứ quán Mỹ, nói về các cuộc tấn công nhằm vào công dân Mỹ và người Trung Quốc làm việc cho các công ty Mỹ. Tàu Panay đã được điều đến để giúp sơ tán.

Được đóng tại một xưởng đóng tàu ở Thượng Hải và hạ thủy vào năm 1927, con tàu này là một phần của Lực lượng tuần tra sông Dương Tử của Hải quân Mỹ. Đây là một lực lượng được thành lập để bảo vệ các lợi ích của phương Tây dọc theo con sông lớn của Trung Quốc và do đó tàu này rõ ràng là một lựa chọn phù hợp cho nhiệm vụ.

Nhưng đối với một số người, nó không phải là một điều tốt lành. Như nhà sử học Bernard Cole đã chỉ ra trong tạp chí Lịch sử Hải quân số tháng 2/2000, việc hạ thủy chiếc pháo hạm đã bị đình trệ khi tàu bị mắc kẹt trên đường trượt xuống nước. Người ta nói rằng đó là do mỡ động vật dùng để bôi trơn các đường trượt kém chất lượng. Ông Cole nhận định sự kiện hạ thủy gặp trục trặc là một điềm gở và vận may của tàu Panay sắp hết.

Cuộc tấn công từ trên cao

nlntv-panay3623-2-1685922687.jpg
Tàu USS Panay (bên phải) thuộc Đội tuần tra sông Dương Tử của Hải quân Mỹ tại Thượng Hải, Trung Quốc năm 1928. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, 14 thường dân Mỹ và nước ngoài được đưa lên pháo hạm này của Hải quân Mỹ vào ngày 11/12 có nhiều mối quan tâm hơn khi họ đi ngược dòng sông.

Ông Norman Alley, một người quay phim báo chí có mặt trên tàu Panay, nói trong một bài báo năm 2012 đăng trên tạp chí Lịch sử Hải quân: “Tất cả chúng tôi đứng nhìn cảnh đốt phá và cướp phá Nam Kinh cho đến khi chúng tôi đi vòng qua khúc cua và không thấy gì ngoài bầu trời đỏ rực tràn ngập mây và khói”.

Ngày hôm sau, đoàn tàu sơ tán bị một nhóm lính Nhật trên bờ sông chặn lại, 5 người trong số đó đã lên chiếc Panay, tay lăm lăm lưỡi lê.

Một sĩ quan Nhật Bản hỏi con tàu đang đi đâu và tại sao, đồng thời hỏi vị trí của binh sĩ Trung Quốc. Các câu hỏi đầu tiên đã được trả lời, nhưng chỉ huy pháo hạm Mỹ đã lịch sự từ chối trả lời câu hỏi cuối cùng. Sau đó, viên sĩ quan yêu cầu lục soát tàu Panay và các tàu chở dầu để tìm binh sĩ Trung Quốc, nhưng một lần nữa bị từ chối.

Sau một vài khoảnh khắc căng thẳng, lính Nhật rời đi, nhưng những điềm xấu đối với Panay đang ngày một nhiều.

Chiều hôm đó, Hải quân Đế quốc Nhật Bản đã ra lệnh cho máy bay tấn công mọi tàu trên sông Dương Tử ở thượng nguồn Nam Kinh.

Tại thời điểm này, lẽ ra tàu Panay phải được an toàn vì Nhật Bản đang gây chiến với Trung Quốc chứ không phải người Mỹ và các tàu chiến của Mỹ lẽ ra phải được coi là trung lập, không phải là đối tượng bị tấn công. Để nhấn mạnh điểm đó, chỉ huy của tàu Panay, Thiếu tá Hải quân James Hughes, đã đề phòng khi cho sơn những lá cờ lớn của Mỹ lên pháo hạm để ngăn chặn tình huống bị bắn nhầm.

Nhưng mọi chuyện không theo chiều hướng đó. Hai đợt máy bay ném bom Yokosuka B4Y của Nhật Bản đã tấn công tàu Panay và các tàu chở dầu, thả ít nhất 20 quả bom, trong khi 9 máy bay chiến đấu Nakajima A4N tấn công bằng súng máy. Thủy thủ đoàn của tàu Panay đã bắn trả những kẻ tấn công Nhật Bản nhưng không trúng.

Những quả bom của Nhật Bản đã rơi trúng đích. Buồng hoa tiêu và khẩu súng phía trước của tàu Panay đã bị phá hủy. Các chỗ rò rỉ lan khắp thân tàu. Hàng chục người trên tàu bị thương, trong số đó có chỉ huy Hughes và Trung úy Arthur Anders, sĩ quan điều hành của tàu Panay và bị mảnh đạn găm vào cổ họng. Do không thể nói được, Anders đã viết mệnh lệnh “bỏ tàu” bằng bút chì trên một mảnh giấy vấy máu.

Khi thủy thủ đoàn đi thuyền máy đến bờ sông, họ tiếp tục bị bắn. Đằng sau họ, USS Panay nằm lại ở Dương Tử.

Ba người đã chết trong vụ tấn công, gồm thủ kho của tàu Panay là Charles Lee Ensminger, thuyền trưởng tàu chở dầu Standard Oil là Carl H. Carlson và phóng viên người Italy là Sandro Sandri - cùng với thuyền trưởng Edgar C. Hulsebus chết vào đêm hôm đó. 43 thủy thủ và 5 thường dân bị thương.

Ông Roberts viết rằng đây là tàu hải quân đầu tiên mà Mỹ mất kể từ Thế chiến thứ nhất và là tàu đầu tiên bị đánh chìm trong chiến đấu do bị tấn công từ trên không. Trong quá trình tàu bị chìm, Anders đã trở thành sĩ quan hải quân Mỹ đầu tiên ra lệnh nổ súng vào quân đội Đế quốc Nhật Bản.

Đón đọc kỳ cuối: Bờ vực chiến tranh