Ngày nào con gái 6 tuổi của chị Trần Bích Lan Hương (39 tuổi, Hồ Tây, Hà Nội) cũng luôn miệng hỏi mẹ khi nào đến cuối tuần để được lên phố đi bộ chơi.
Cuối tuần trước, khi Hà Nội mở lại hoạt động tuyến phố đi bộ, chị Hương cho 2 con đến phố đi bộ chơi với mục đích thay đổi không khí sau nhiều tháng "giam lỏng" học online. Lần đầu được thỏa sức nô đùa sau hơn 10 tháng ở nhà, bé nào cũng hào hứng, tung tăng chơi đủ các trò chơi xếp gỗ, nhảy dây, đạp xe. Bố mẹ giục về, các con không chịu, một mực đòi ở lại chơi thêm. Chị hứa tuần sau sẽ tiếp tục cho con lên phố đi bộ chơi nhiều hơn.
Gia đình chị Hương 6 người đều đã khỏi COVID-19. Triệu chứng của trẻ khá nhẹ, sốt, ho, mệt vài hôm là khỏi. Lớp con chị, 35/40 cháu cũng đã khỏi COVID-19. "Vấn đề mắc và điều trị giờ đây đều bình thường, không quá đáng lo, chỉ như bệnh cảm cúm thông thường. Hầu như người lớn và trẻ con ở Hà Nội đều đã mắc và khỏi COVID-19 vậy tại sao thành phố vẫn chưa cho các con đi học?", chị Hương băn khoăn.
Giống chị Hương, anh Nguyễn Văn Tuấn (42 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, hiện đa số các hoạt động vui chơi, giải trí, thể dục thể thao ngoài trời đã được Hà Nội cho phép mở cửa trở lại. Những khu vui chơi dành cho trẻ tại các trung tâm thương mại, công viên, phố đi bộ... luôn tấp nập, chỉ có các trường học vẫn im lim không có động thái mở cửa.
Trước đây, anh Tuấn từng kịch liệt phản đối việc mở cửa trường vì hai con lớp 1 và lớp 5 của anh còn quá nhỏ. Tuy nhiên, sau khi điều trị khỏi COVID-19, anh hoàn toàn đồng ý mong cho con đi học. Theo vị phụ huynh, triệu chứng khi mắc nCoV của các con rất nhẹ nhàng: sốt, ho, mệt 2-3 ngày là khỏi. Thậm chí các triệu chứng mắc có phần nhẹ nhàng hơn tác dụng phụ sau tiêm vaccine COVID-19 mà anh từng trải qua. Do đó, việc tiêm vaccine cho con giờ đây không còn quan trọng.
"Cả nước đang thiết lập trạng thái bình thường mới, mà dường như chỉ trường học là cấm. Thực tế dù không đi học nhưng trẻ theo bố mẹ đi khắp nơi để vui chơi, du lịch. Phải chăng Hà Nội đang quá rụt rè và ưu tiên mở cửa các hoạt động sản xuất mà quên rằng cho trẻ đến trường cũng là động thái giúp kinh tế phát triển, con có đi học thì bố mẹ mới yên tâm đi làm", anh bức xúc.
Việc cho trẻ đến trường không chỉ mong muốn của trẻ, phụ huynh mà còn của các giáo viên, chuyên gia hiện nay.
Sở GD&ĐT Hà Nội nói gì?
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đang phối hợp với Sở Y tế chuẩn bị các phương án tiêm vaccine cho trẻ 5 đến 11 tuổi. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, sau khi triển khai tiêm vaccine cho lứa tuổi này đơn vị sẽ lên kế hoạch mở cửa trường trở lại, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Sở chưa có phương án đề xuất thời gian cho trẻ khối mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học trở lại.
Trước đó, ngày 28/3, tại cuộc họp Thường trực Thành ủy Hà Nội bàn công tác phòng, chống dịch COVID-19 ngày 28/3, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị ngành y tế đảm bảo sẵn sàng phương án, tổ chức diễn tập tiêm vaccinen cho trẻ dưới 12 tuổi. Khi có thuốc, có phác đồ là triển khai tiêm nhanh, hiệu quả như đợt tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi hồi năm 2021.
"Phải tiêm được vaccine mới yên tâm đưa trẻ đến trường, nếu có nhiễm SARS-CoV-2 thì cũng nhẹ và giảm thiểu rủi ro", ông Dũng nói.
Chuyên gia: Không tiêm vẫn đi học
Giới chuyên gia cho rằng không nhất nhiết phải đợi tiêm vaccine ngừa COVID-19 mới cho trẻ tới trường. Theo bác sĩ Trần Đình Huy, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hiện Hà Nội trải qua đỉnh dịch COVID-19, số ca mắc đang giảm dần mỗi ngày, đây là thời điểm lý tưởng cho trẻ mầm non và tiểu học quay lại trường.
Việc trẻ ở nhà hay tới trường đều chịu những nguy cơ dịch bệnh như nhau, trừ khi các bé nhốt ở nhà hoàn toàn. Không bố mẹ nào dám khẳng định các con 24/7 không tiếp xúc với ai hay hoàn toàn không có nguy cơ lây nhiễm cho con?
BS Trần Đình Huy
Bên cạnh đó, không nên đợi tiêm xong vaccine toàn bộ trẻ 5-11 tuổi mới được đến trường. Thứ nhất, không phải phụ huynh nào cũng đồng ý cho con tiêm, vậy nếu không tiêm là không được đi học? Thứ 2, vaccine chỉ làm giảm các triệu chứng khi mắc COVID-19 chứ không hoàn toàn ngăn chặn lây nhiễm 100%.
"Khi nguy cơ lây nhiễm là tương đương nhau thì việc trẻ được học tập, chăm sóc tại trường mầm non sẽ làm giảm các hệ lụy về kiến thức, tâm sinh lý. Giữa hai phương án đều không trọn vẹn, chúng ta buộc phải chọn phương án tích cực hơn. Tôi tin rằng, mở lại khối mầm non, tiểu học trước các khối khác là một hướng đi cần xem xét và áp dụng sớm", bác sĩ Huy nhấn mạnh.
BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, đã đến lúc Hà Nội mở cửa trường học, giống như TP.HCM. Ông đưa ra 3 lý do, thứ nhất, lượng trẻ từng là F0 ở Hà Nội rất lớn, gần như nếu trong gia đình có người mắc COVID-19 thì trẻ cũng mắc.
Thứ hai, trẻ mắc COVID-19 do biến thể Omicron thường có triệu chứng rất nhẹ và nhanh hồi phục.
Thứ ba là việc xử lý các trường hợp F0 xuất hiện trong nhà trường cũng rất đơn giản. Trong khi đó, lợi ích của việc cho trẻ đến trường như trẻ tập trung, tiếp thu tốt hơn, người lớn có thể chuyên tâm lao động, sản xuất, sinh hoạt ổn định.
Mặt khác, chúng ta cần xác định khi cho trẻ đến trường, trong lớp vẫn sẽ xuất hiện F0 mới. Do đó, các trường có thể chia lớp học thành nhóm nhỏ, nếu xuất hiện ca mắc thì việc xử lý gói gọn trong nhóm đó. Nhà trường cần chuẩn bị các tình huống để xử lý nếu xuất hiện F0 trong trường học. Cách xử lý đơn giản nhất là cho F0 đó nghỉ học, tự cách ly đến khi khỏi, lớp học vẫn được tổ chức bình thường. Giống như bệnh cúm mùa, các trường vẫn khuyến cáo không cho trẻ bị sốt hoặc có các dấu hiệu bệnh dễ lây lan đến trường như tay chân miệng, quai bị.