Xây dựng niềm tin để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Võ Việt
Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và trách nhiệm”, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề xây dựng niềm tin và trách nhiệm để kênh huy động vốn này phát huy hiệu quả.

Phát biểu tại buổi toạ đàm do Chuyên trang điện tử Bizlive - Nhịp sống Doanh nghiệp chủ trì tổ chức vào sáng 13/9 tại Hà Nội, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Việt Nam đang trong quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế. Trong bức tranh “phục hồi” này có nhiều điểm sáng và có cả một số điểm còn băn khoăn.

toa-dam-1-1663134575.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm

TS. Vũ Tiến Lộc nhận định rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang trong quá trình phục hồi nhưng sự hồi phục còn gian nan. Ngoài khó khăn “hậu COVID-19”, vấn đề nguồn vốn rất cần được quan tâm. Doanh nghiệp hiện đang rất cần “tiếp sức” nguồn vốn. Vậy nhưng, hiện các van của nguồn vốn đang gặp nhiều “ách tắc”. Nếu không khơi thông được “dòng chảy” nguồn vốn thì kết quả phục hồi rất khó được như kỳ vọng.

Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách để giúp nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng phục hồi, trong đó có các chính sách về tài khóa. Bên cạnh giãn, hoãn thuế, Chính phủ cũng đang thúc đẩy mạnh đầu tư công, nhưng đầu tư công cũng đang gặp nhiều vấn đề.

Vừa rồi, Ngân hàng nhà nước đã nới room cho các ngân hàng, nhưng chúng ta đang đứng trước sức ép của lạm phát, nên du di cho nới room sẽ không nhiều. Chính vì vậy, nguồn cung ứng tín dụng vào nền kinh tế cũng đang hạn chế so với nhu cầu về nguồn vốn để phục hồi và phát triển, nên thị trường đang kỳ vọng vào các van tín dụng khác cho nền kinh tế, qua kênh chứng khoán, trái phiếu.

TS. Vũ Tiến Lộc đánh giá, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang đa dạng hóa các nguồn vốn, trong đó có qua kênh chứng khoán và trái phiếu. Thời gian tới, các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường, nhất là doanh nghiệp bất động sản, khả năng sẽ gặp khó khăn rất lớn. Chính vì vậy, cần phải tháo gỡ ngay những khó khăn, nếu không sẽ có những “đổ vỡ”.

toa-dam-3-1663134575.jpg
TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì hội nghị

Ngay sau những phân tích, đánh giá của TS. Vũ Tiến Lộc, TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết: Ở thời điểm hiện tại, bên cạnh tín dụng, cổ phiếu IPO,… thì trái phiếu thực sự là kênh quan trọng với doanh nghiệp. Tuy nhiên, điểm “trớ trêu” trong phát triển thị trường trái phiếu chính là yếu tố rủi ro.

TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia chia sẻ: Trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng, nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường…. Thị trường trái phiếu là một thị trường có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn, để khi nhìn vào “sức khỏe” doanh nghiệp, nhà đầu tư quyết định chọn theo “khẩu vị” rủi ro.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, niềm tin và trách nhiệm là hai từ gắn với nhau. Trách nhiệm trước hết là của Chính phủ. Lòng tin là của doanh nhân, doanh nghiệp. Do thể chế không vững chắc, giám sát không chặt chẽ, rủi ro, ứng xử với thị trường “lên bờ xuống ruộng”. Thị trường như vậy, rất khó phát triển bền vững, khó giữ được niềm tin của dân chúng.

Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương phát biểu: Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một “mảnh ghép” phát triển hơi chậm so với các thị trường vốn khác. Trong giai đoạn 2017 - 2021, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng 24% và đến năm 2021 là 56%. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường là vô cùng lớn, thể hiện nhu cầu lớn của cả người phát hành và người mua trái phiếu đều rất lớn.

TS. Nguyễn Tú Anh nhận định, điều quan trọng là khi chúng ta tham gia thị trường phải có niềm tin. “Luật chơi” ở đây là nếu người ta làm sai thì phải trả giá. Bất kỳ thị trường nào cũng đều phải xây dựng hệ thống niềm tin.

“Thông thường, chúng ta có hai cách tiếp cận về niềm tin. Cách cổ điển là chúng ta xây dựng luật chặt chẽ, kiểm soát thật chặt để lọc bớt rủi ro. Cách làm như thế đúng là ít rủi ro, nhưng lại tiêu diệt thuộc tính đương nhiên của thị trường là có rủi ro. Do đó, chúng ta có cách tiếp cận mới là phải xây dựng niềm tin, xây dựng các công cụ xử lý rủi ro”, TS. Nguyễn Tú Anh chia sẻ.

toa-dam-2-1663134575.jpg
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu

TS. Nguyễn Tú Anh cũng đồng thời khẳng định việc “phát triển niềm tin” tốt hơn là xây dựng “bảo hiểm rủi ro”. Theo đó, khi xây dựng những định chế đảm bảo rằng “rủi ro ít thì trả họ trả phí ít, rủi ro nhiều thì trả phí nhiều”… thị trường sẽ tự vận hành một cách mượt mà hơn, bền vững hơn.

Xuyên suốt tọa đàm, các chuyên gia tài chính, kinh tế cho rằng, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia. Đối với doanh nghiệp, cần phải có trách nhiệm với người cho vay, với chính công ty mình mình, và lớn hơn là trách nhiệm với thị trường tài chính.

Đối với nhà đầu tư, cần ứng xử ra sao để không bị thiệt hại. Nếu trực tiếp mua trái phiếu thì nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ về tổ chức phát hành. Nhà đầu tư không đủ năng lực thì nên sử dụng tư vấn hoặc đầu tư vào các quỹ trái phiếu để đảm bảo an toàn.

Nguyễn Liên